Hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực là dệt may và giày dép dự kiến đạt kim ngạch 49 tỷ USD trong năm 2017, trong đó, 31 tỷ USD từ dệt may và 18 tỷ USD từ giày dép – túi xách.
Các doanh nghiệp dệt may đã và đang tranh thủ tận dụng những cơ hội về mở rộng thị trường thông qua các FTA mà Việt Nam đã tham gia |
Xuất khẩu hàng dệt may có thể đạt 31 tỷ USD
Tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp ngành dệt may vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo, xuất khẩu hàng dệt may có thể đạt 31 tỷ USD trong năm nay. “Nếu về đích với kim ngạch này, xuất khẩu của ngành tăng thêm 1 tỷ USD so với kế hoạch ban đầu đặt ra cho năm 2017”, ông Giang nói.
Theo số liệu công bố của VITAS, 10 tháng năm 2017, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt 25,7 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, hàng may mặc và hàng dệt đạt 21,5 tỷ USD, vải không dệt 378 triệu USD, xơ sợi gần 3 tỷ USD, nguyên phụ liệu dệt may hơn 900 triệu USD. Ước tính, 11 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của cả ngành dệt may đạt 28,5 tỷ USD.
Là ngành hội nhập sớm, các doanh nghiệp dệt may đã và đang tranh thủ tận dụng những cơ hội về mở rộng thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, đáng mừng là, những lo ngại về sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, do Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã không xảy ra.
“Năm 2016, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 11,45 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2015 và dự kiến 2017, hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường này có thể đạt 12,5 tỷ USD”, ông Trường cho biết.
Xuất khẩu giày dép dự kiến đạt 15 tỷ USD trong năm nay
Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, xuất khẩu giày dép 10 tháng năm 2017 đạt gần 13 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016. Dự kiến, cả năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt 15 tỷ USD.
Các thị trường xuất khẩu chủ lực vẫn là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… Trong đó, Mỹ chiếm 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước, đạt gần 4,17 tỷ USD, tăng 13,7%; xuất khẩu giày dép sang EU đạt 3,68 tỷ USD, chiếm 31,2%, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc đứng vị trí thứ hai (sau Mỹ), đạt kim ngạch 930 triệu USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ, chiếm 8% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Lefaso dự báo, với kim ngạch xuất khẩu bình quân hơn 100 triệu USD/tháng, tính đến hết tháng 11/2017, kim ngạch xuất khẩu giày dép (chưa tính túi xách, ô dù) sang thị trường Trung Quốc sẽ vượt 1 tỷ USD và dự kiến cả năm 2017 sẽ đạt 1,2 tỷ USD, mở đường cho tăng trưởng cao hơn trong năm 2018 và những năm sau đó.
Trong số các thị trường ASEAN, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Indonesia đạt mức tăng trưởng cao nhất, với gần 37 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu giày dép cũng tăng trưởng mạnh ở một số thị trường khác, như Singapore (tăng 45%), Ba Lan (tăng 33%), Ấn Độ (tăng 33,7%), Bồ Đào Nha (tăng 31%), Hungary (tăng 34%)…
Với năm 2017, các chuyên gia quốc tế nhận định, kinh tế thế giới có xu hướng khởi sắc hơn năm 2016 và việc Trung Quốc tiếp tục chủ trương cắt giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành có công nghệ cao hơn, nên một số đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhằm tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), dự kiến có hiệu lực trong năm 2018.
Với nhiều dự án đầu tư của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, năng lực sản xuất giày dép, túi xách trong nước tiếp tục lớn mạnh, tạo nền tảng để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu cho ngành da giày trong những năm tới.
Nguồn Báo đầu tư