Edit Content

Products List

Danh mục sản phẩm

Phát triển ngành Dệt may Việt Nam trong tình hình hiện nay

[ad_1]


Ngành Dệt may Việt Nam liên tục có bước phát triển tích cực, đạt mức tăng trưởng xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước.

Thực trạng phát triển ngành Dệt may Việt Nam

Năm 2018, ngành Dệt may Việt Nam đánh dấu mốc quan trọng khi kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD, tăng trưởng hơn 16% so với năm 2017 (năm 2015 tăng 12,1%, năm 2016 tăng 4,07%, năm 2017 tăng 10,8%). Ngành Dệt may Việt Nam nằm trong tốp 3 nước xuất khẩu cao nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Cụ thể, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt 28,78 tỷ USD, tăng 14,45%; xuất khẩu vải đạt 1,66 tỷ USD, tăng 25,5%; xuất khẩu xơ sợi đạt 3,95 tỷ USD, tăng 9,9%; xuất khẩu vải không dệt đạt 528 triệu USD, tăng 15,54%; xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 1,23 tỷ USD, tăng 14,59%, đáng chú ý, giá trị thặng dư ngành Dệt may năm 2018 ước đạt 17,86 tỷ USD, tăng 14,39%.

Theo Báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế thế giới có xu hướng tăng chậm lại do những biến động và xung đột chính trị, thương mại, đặc biệt chính sách bảo hộ, chiến tranh thương mại gia tăng ngày càng phức tạp, khó lường, nhưng ngành dệt may đạt tổng kim ngạch xuất khẩu gần 18 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, hàng may mặc đạt 14,02 tỷ USD, tăng 8,71%. Mặt hàng vải đạt 1,02 tỷ USD, tăng 29,9%; các mặt hàng xơ, sợi đạt 2,01 tỷ USD, tăng 1,1%; vải địa kỹ thuật tăng 16,9%; phụ liệu dệt may giảm 0,29%.

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 12,84% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 46,9%; tiếp đó là các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt 2,57 tỷ USD, tăng 11,13%, chiếm tỷ trọng 16,71% (riêng Nhật Bản đạt 1,79 tỷ USD, tăng 5,6% và chiếm 11,68%); EU đạt 2,05 tỷ USD tăng 10,46%, chiếm tỷ trọng 13,36%; Hàn Quốc đạt 1,37 tỷ USD, tăng 5,59%, chiếm tỷ trọng 8,91%. 

Mặc dù, đạt được kết quả khả quan, nhưng ngành Dệt may Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức, đó là: Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng tới tỷ giá giữa các đồng tiền, giá hàng hóa gia công tại Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực như: Hàn Quốc, Trung Quốc dẫn tới ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt với nhóm hàng dệt may. Theo đó, một số DN số đơn hàng mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp rất nhiều khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc (chiếm 60%) cắt giảm lượng nhập hàng.

Trong khi đó, mặt hàng may mặc cũng gặp tình trạng sụt giảm đơn hàng. Nếu như trong năm 2018, tới thời điểm giữa năm, nhiều DN lớn trong Ngành đã có đơn hàng đến hết năm, thì năm 2019 chỉ ký được các đơn hàng có số lượng nhỏ và ký theo tháng. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, ngành Dệt may đã nắm bắt xu hướng muốn phát triển bền vững thì tiên quyết phải thoát cảnh thuần túy gia công – mua nguyên liệu, bán thành phẩm (CMT sang FOB), tự thiết kế bán hàng (ODM) hay sở hữu nhãn hàng riêng (OBM).

Một số DN trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã đạt được kết quả khả quan. Tuy vậy, con số này rất khiêm tốn, chỉ những công ty có nguồn vốn, quy mô lớn, còn trên 80% DN nhỏ và vừa vẫn thuần gia công. Nguyên nhân là do còn tồn tại một số hạn chế như: Nguồn nguyên phụ liệu hầu hết phụ thuộc vào nước ngoài, phương thức gia công xuất khẩu là chủ yếu (chiếm 65%), hàng FOB 25%, ODM và OBM chỉ chiến tỷ trọng 10%.

Bên cạnh đó, trình độ công nghệ chỉ ở mức trung bình. Trình độ lao động dệt may thấp, lao động phổ thông chiếm đến 76%; sơ cấp, trung cấp chuyên nghiệp chiếm 17,3%; cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm 6,8%.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành Dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết. Tuy nhiên, để ngành Dệt may được hưởng ưu đãi từ các FTA mang lại phải đáp ứng nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ từ vải, sợi… Thông thường, ngành sợi xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm và thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 2,4 tỷ USD, nhưng nay không xuất được.

Nguyên nhân, Trung Quốc đang mua với giá rất thấp, nên DN không thể bán. Trong khi Việt Nam không thể xuất khẩu sợi sang Trung Quốc được thì Trung Quốc lại khuyến khích DN của họ xuất khẩu sợi ngược trở lại Việt Nam. Trong khi đó, thuế giá trị gia tăng đầu vào của Trung Quốc khá cao 17%, trong khi thuế giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ 10%. 

Với các FTA Việt Nam đã ký, các DN dệt may đặt rất nhiều kỳ vọng vì sẽ được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan. Trong đó, FTA Việt Nam với EU (Hiệp định EVFTA) vừa ký kết, được các DN dệt may trông đợi từ nhiều năm nay, vì đây là thị trường có giá trị gia tăng cao, sản phẩm có chất lượng, đa dạng hóa được mẫu mã, chủng loại và là thị trường truyền thống với mức tăng trưởng duy trì đều đặn hàng năm.

Tuy nhiên, thực tế sau khi Hiệp định được ký kết, DN dệt may Việt Nam xuất khẩu vào EU chưa thể hưởng được mức giảm thuế ngay và theo lộ trình từ 3-7 năm, mức thuế sẽ giảm dần từ 12% về 0%. Trước mắt, DN chưa thấy hưởng lợi về thuế ưu đãi, nhưng khó khăn mà DN dệt may phải đối mặt, đó là phải thực hiện nghiêm yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Theo đó, hàng dệt may khi xuất khẩu vào EU phải sử dụng vải sản xuất tại Việt Nam, việc cắt may phải được thực hiện bởi DN Việt Nam hoặc DN châu Âu. EU chỉ cho phép sử dụng thêm vải sản xuất tại Hàn Quốc vì nước này đã có FTA song phương với EU. Điều kiện này gây khó khăn cho DN dệt may trong việc nhận ưu đãi từ Hiệp định mang lại do  DN trong nước chưa chủ động sản xuất sợi và vải. Nguồn nguyên liệu này chủ yếu nhập từ những quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có Hiệp định thương mại tự do với EU.

Tương tự, với Hiệp định CPTPP, ngành Dệt may kỳ vọng nhiều nhất là thị trường Canada và Australia. Nếu như các FTA mà Việt Nam đã tham gia chỉ áp dụng nguyên tắc từ 1-2 công đoạn, thì với CPTPP áp dụng nguyên tắc ba công đoạn gồm tạo xơ, xe sợi; dệt và hoàn thiện vải; cắt may. Các công đoạn này đều phải thực hiện ở các nước thành viên nằm trong Hiệp định CPTPP. Quy tắc xuất xứ từ vải trở đi cũng là khâu yếu nhất của ngành dệt may trong nước, khi phải nhập khẩu đến 80% vải.

Trong đó, nhập gần 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan. Trong khi, Trung Quốc không tham gia CPTPP. Trước áp lực về quy tắc xuất xứ của EVFTA và CPTPP, để được hưởng lợi về thuế, buộc ngành dệt may trong nước phải đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu, dệt, nhuộm… để chủ động được nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đó là một số địa phương rất “dị ứng” với các ngành dệt may, đặc biệt hóa nhuộm, bởi nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nên không cấp phép để xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên liệu phục vụ cho ngành dệt may xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tăng trưởng xuất khẩu dệt may vẫn dựa vào sản xuất gia công và nhân công giá rẻ, trong khi đó, 2 yếu tố này không bền vững. Bởi theo quy luật chung, sản xuất gia công sẽ chuyển dịch về các quốc gia có nguồn nhân công giá rẻ hơn, trong khi đó chi phí cho lao động của Việt Nam ngày càng tăng.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng là việc áp dụng khoa học công nghệ trong ngành Dệt may còn hạn chế. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) năm 2018, tỷ lệ sử dụng thiết bị công nghệ có trình độ cao, nhất là sử dụng phần mềm trong thiết kế sản phẩm, quản lý sản xuất chiếm khoảng 20%; 70% thiết bị có công nghệ trung bình; 10% công nghệ thấp. Với lĩnh vực dệt, hầu hết thiết bị dệt thoi có trình độ trung bình khá nhưng công nghệ sử dụng trong dệt kim chỉ ở mức thấp và trung bình.

Giải pháp phát triển ngành Dệt may Việt Nam

Để ngành Dệt may vượt qua những khó khăn và phát triển bền vững, cần chú trọng các giải pháp sau:

Thứ nhất, các DN trong ngành phải chung tay thực hiện những giải pháp về đầu tư, thị trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ, giải quyết những khâu yếu, bất cập của ngành.

Thứ hai, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cần làm tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa DN hội viên với thị trường trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động hợp tác quốc tế…, nhất là làm cầu nối giữa các DN và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiếp nhận, phản ánh của DN để nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thứ ba, Nhà nước tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện thu hút và cấp phép các dự án đầu tư lớn, có trình độ thiết bị công nghệ tiên tiến và quy trình xử lý nước thải đảm bảo thân thiện với môi trường vào khâu dệt nhuộm để giải quyết điểm “nghẽn’ của ngành và đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA… Đồng thời, cần có chính sách phát triển trong 10-15 năm tới để tận dụng hiệp định này. Hiện nay, một số địa phương quay lại với dệt may, đặc biệt là dệt nhuộm, nhưng nhiều dự án của các nhà đầu tư danh tiếng, có đầy đủ yêu cầu thì lại không được cấp phép.

Chính phủ cần quy hoạch các khu công nghiệp, xử lý nước thải để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Các địa phương liền kề cần phối hợp để địa điểm các khu công nghiệp thu hút nhiều lao động không cùng đặt tại các vùng giáp ranh.Nhà nước và DN cùng đầu tư mạnh mẽ hơn cho việc phát triển khoa học công nghệ.

Cụ thể, xây dựng nền tảng thiết kế 3D để đáp ứng được diễn biến nhanh của thị trường; Xây dựng – đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tầm nhìn thời trang, ngoại ngữ để cập nhật xu thế thời trang thế giới. Đồng thời, DN sản xuất phải có ý thức, chịu trách nhiệm đến cùng cho sản phẩm làm ra để người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng. Bên cạnh đó, nhà nước cần xây dựng các khu công nghiệp có xử lý nước thải, phải kêu gọi đầu tư nhà máy về sợi – dệt – nhuộm hoàn tất, cũng như đưa ra giải pháp quyết liệt hơn để phát triển thị trường nội địa, gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thứ tư, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và các DN sản xuất phải nâng cao giá trị chuỗi cung ứng của mình. Việc lách qua các rào cản như De Minimis chỉ là một biện pháp mang tính tạm thời, vì trong tương lai, chúng ta còn có tham vọng nâng tầm vị thế xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang gặp bất ổn, Trung Quốc cũng đang phải gồng mình để giữ vững vị thế số 1 về xuất khẩu hàng dệt may và may mặc. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các DN dệt may, may mặc hiện nay cần phải gia tăng vào nguồn nguyên liệu thượng nguồn như sợi, vải, các khâu cắt may.

Thứ năm, ngành Dệt may cần hướng tới phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn trên thế giới, giải pháp về khoa học – công nghệ nhằm xanh hóa ngành dệt may đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển. Ngành Dệt may cần thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ dệt nhuộm tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường, kết nối với các DN may mặc trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị…

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công Thương (2018), Báo cáo phát triển ngành Dệt may năm 2018;
2. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (2019), Báo cáo tình hình phát triển ngành dệt may Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019;
3. Huỳnh Thanh Điền (2017), 7 giải pháp cho phát triển DN dệt may, https://doanhnhansaigon.vn/kinh-doanh/7-giai-phap-phat-trien-cho-doanhnghiep-det-may-1076690.html;
4. Nguyễn Mai (2019), ngành Dệt may: Khơi thông điểm nghẽn phát triển bền vững, https://baomoi.com/nganh-det-may-khoi-thong-diem-nghen-phattrien-ben-vung/c/32553110.epi.


[ad_2]