Tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu dệt may

Năm nay, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 đến 7% so với năm 2016, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 30 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu không có các chính sách, chiến lược phát triển đồng bộ, dài hạn cùng với sự chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao công tác quản trị, chủ động nguồn nguyên, phụ liệu… từ phía các doanh nghiệp thì ngành dệt may sẽ rất khó cạnh trạnh với các đối thủ trên thị trường, nhất là trong bối cảnh các quốc gia đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao

Năm 2016, ngành dệt may Việt Nam (DMVN) đạt kim ngạch xuất khẩu 28,3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 31 tỷ USD, bên cạnh những khó khăn do biến động của kinh tế thế giới mang lại thì lợi thế rõ nét khi chi phí nhân công của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực, đến nay không còn nữa. Cụ thể, những tháng cuối năm 2016, các doanh nghiệp (DN) rơi vào cảnh thiếu đơn hàng do không cạnh tranh được về giá cả vì các đối tác chuyển hợp đồng sang những nước có chi phí thấp hơn Việt Nam. Mặt khác, thế mạnh của DMVN từ trước đến nay đó là khâu đầu (sợi) và khâu cuối (cắt may) mà chưa có sự đầu tư thỏa đáng về khâu dệt, nhuộm hoàn tất cho nên không thể tạo ra giá trị gia tăng cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực và trên thế giới.

Đề cập hoạt động của DN, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định (Vinatex Nam Định) Nguyễn Văn Miêng cho biết, dệt Nam Định có truyền thống lâu đời, có thời kỳ đứng đầu cả nước về chất lượng sản phẩm. Do trang thiết bị, công nghệ lạc hậu nên không chạy được hàng chất lượng cao. Trong đó, 70% công nghệ sản xuất sợi có tuổi đời hơn 20 năm; còn lại 15% hơn 10 năm và 15% từ 5 năm trở lại đây, khiến DN khi vận hành sản xuất bị tiêu tốn năng lượng, lao động, chất lượng sản phẩm kém, không bán được. Còn Nhà máy may Nam Định hoạt động rất manh mún, thị trường không có, không mang lại hiệu quả. Mặt khác, vấn đề cốt lõi của người làm dệt may Nam Định là tư tưởng bảo thủ, không chịu thay đổi khiến cho hiệu quả sản xuất, kinh doanh suốt một thời gian dài trì trệ, hiệu quả không cao. Đứng trước những vấn đề trên, Vinatex Nam Định đã cơ cấu lại các bộ phận, tập trung di dời nhà máy nhuộm ra Khu công nghiệp Hòa Xá, đồng thời thay mới các trang thiết bị, máy móc hiện đại với phương châm tập trung chuyên sâu vào chất lượng sản phẩm. Nếu trước đây, nhà máy sợi có 78 nghìn cọc sợi thì sau khi thay mới thiết bị công nghệ vào tháng 3-2016, nay xuống còn 45 nghìn cọc sợi, lao động giảm còn 450 người nhưng sản lượng tăng lên 630 tấn/tháng, với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc,… Riêng với may, sau khi đổi mới, thay đổi công nghệ đến nay đạt 300 nghìn sản phẩm/tháng.

Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Miêng, sau khi triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư, đổi mới địa điểm, cơ sở sản xuất; đổi mới các trang thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cao công tác quản trị, xác định năng lực thiết bị của mình mạnh về cái gì sẽ tập trung vào làm cái đó cùng với việc thường xuyên đào tạo và luân chuyển, điều động cán bộ phù hợp từng vị trí (đơn vị cũng đang xây dựng luân chuyển giám đốc nhà máy sợi sang làm phó giám đốc nhà máy dệt để xem dệt cần gì từ sợi để sản xuất, cung cấp đúng nhu cầu thực tế),… đã cho ra sản phẩm chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù vậy, Vinatex Nam Định vẫn đối diện với những khó khăn khi trạm xử lý nước thải của nhà máy dệt qua kiểm tra của cơ quan chức năng không đạt chất lượng buộc phải dừng hoạt động hơn một năm. Đến cuối năm 2015 mới hoạt động trở lại nhưng người lao động có tay nghề đã bỏ đi, mất bạn hàng. Đó còn chưa nói tới việc cạnh tranh rất lớn, nhất là các DN nước ngoài khi họ mạnh về quản trị, tài chính,…

Tương tự, một vị đại diện của Nhà máy sợi Vinatex Nam Định khẳng định, do đặt trên địa bàn là thủ phủ của dệt may (Nam Định), sức cạnh tranh lao động lớn, cho nên tỷ lệ biến động lao động vẫn ở mức 8%. Người lao động vẫn còn tâm lý, coi đây là nghề tạm thời, chỉ làm đối phó, khi tìm được việc làm có thu nhập cao hơn là sẵn sàng “nhảy” việc. Nhà máy luôn phải đứng trước rủi ro, tuyển lao động mới, đào tạo nghề xong, lao động làm được một thời gian ngắn lại nhảy việc. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ lãnh đạo của nhà máy đều rất trẻ. Họ có năng lực, được đào tạo bài bản và nhiệt tình công tác, khao khát khẳng định mình và tạo nên thành công cho nhà máy. Tuy nhiên, cũng vì còn trẻ, kinh nghiệm chưa dày, cũng là một thách thức không nhỏ.

Hiện nay, ngành dệt may sử dụng khoảng ba triệu lao động, làm việc trong gần 8.000 DN, góp phần tích cực vào chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều loại nhân lực hiện rất cần cho ngành dệt may lại chưa có cơ sở đào tạo. Chẳng hạn như nguồn nhân lực quản trị đơn hàng hoặc những lĩnh vực cần nguồn nhân lực lớn như sợi, dệt, nhuộm cần khoảng 300 đến 400 kỹ sư/năm nhưng giai đoạn vừa qua, các trường đại học chỉ cung cấp được khoảng 30 sinh viên/năm, chưa được 10% nhu cầu phát triển. Tuy đóng góp lớn vào phát triển kinh tế – xã hội, nhưng ngành dệt may lại đang hoạt động với tỷ trọng gia công lớn. Do đó, muốn nâng cao sức cạnh tranh của ngành dệt may trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là bài toán không dễ tìm lời giải trong thời gian tới. Liên quan vấn đề này, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội Hoàng Xuân Hiệp khẳng định, trong ngắn hạn, nhà trường sẽ đào tạo đội ngũ kỹ sư, cán bộ quản trị cấp cao, cấp trung và cấp cơ sở có trình độ cao trong lĩnh vực dệt may. Đây là giải pháp giúp các DN trong ngành duy trì lợi thế cạnh tranh trong sản xuất hàng chất lượng cao, năng suất lao động khá tốt và từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Về lâu dài, trường sẽ tiếp tục đào tạo các nguồn nhân lực cao cấp cho ngành dệt may như giám đốc nhà máy dệt may, quản trị đơn hàng… góp phần đáng kể giúp các DN chuyển từ chiến lược sản xuất theo phương thức cắt may thuê sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn như ODM (tự thiết kế, sản xuất, bán thành phẩm), OBM (tự thiết kế, sản xuất, tự phân phối gắn thương hiệu riêng),…

Phát triển công nghiệp phụ trợ

Ngành dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng có tới 80 đến 85% tỷ lệ nguyên phụ liệu (NPL) phải nhập khẩu, bao gồm: vải, da, chỉ khâu cao cấp, nút áo, khóa kim loại,… Xuất khẩu DMVN đã đạt hơn 28,3 tỷ USD nhưng chúng ta phải bỏ ra gần 15 tỷ USD để nhập khẩu NPL phục vụ cho sản xuất. Do đó, giá trị thu về của ngành thật sự rất nhỏ so với kim ngạch xuất khẩu đạt được hằng năm. Cụ thể, vải trong nước mới đáp ứng được 20 đến 30% nhu cầu, bông đáp ứng được 3 đến 5%, chỉ có sợi là ngành dệt may chủ động được gần như hoàn toàn nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Theo nhận xét của một giám đốc nhà máy sợi lớn ở khu vực phía bắc cho thấy, mặt hàng sợi của công ty không lo cạnh tranh với các đối thủ, bởi lượng hàng sản xuất ra đều xuất khẩu sang hai thị trường chính là Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều đáng nói ở chỗ chúng ta chưa có cơ chế để gỡ bỏ “nút thắt” khi sợi sản xuất ra chủ yếu xuất khẩu rồi lại nhập khẩu vải về sản xuất. Đây là vòng luẩn quẩn cần sớm có lời giải khi phải có chính sách đầu tư phát triển các nhà máy dệt, nhuộm hoàn tất trong thời gian tới. Tương tự, Bí thư Đảng ủy Công ty cổ phần sợi Trà Lý Trần Văn Định cho rằng, công ty hiện có 71 nghìn cọc sợi (mỗi năm sản xuất khoảng 14 nghìn tấn sợi), với doanh thu năm 2016 đạt hơn 660 tỷ đồng nhưng 100% NPL công ty phải nhập khẩu, do vậy buộc phải xuất khẩu sản phẩm để tái đầu tư. Nếu bán trong nước lại phải đổi ngoại tệ để nhập khẩu NPL về sản xuất sẽ mất khoản chi phí không đáng có.

Mặc dù trong nước đã có một số cơ sở sản xuất NPL phục vụ ngành, tuy nhiên sản xuất dệt may của Việt Nam vẫn bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn NPL nhập khẩu. Do vậy, làm thế nào để các DN có thể chủ động hoặc giảm dần sự lệ thuộc vào nguồn NPL nhập khẩu cũng như tận dụng những ưu đãi về thuế quan trước việc đáp ứng đầy đủ về quy tắc xuất xứ (QTXX) khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới trong thời gian tới như với: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Trước vấn đề này, Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, QTXX trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dựa trên nền tảng “từ vải trở đi”. Nếu các DN may không chủ động được nguồn vải tại Việt Nam hoặc trong nội khối EU thì chẳng những khó tận dụng cơ hội mà còn phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức khi khách hàng có thể chuyển dịch đơn hàng sang những DN chủ động được từ khâu may đến nguồn vải, đặc biệt là những doanh nghiệp FDI đầu tư theo chuỗi hoặc khách hàng sẽ chỉ định nguồn vải, khi đó DN may ở thế bị động, khó đòi tăng giá với khách, trong khi giá đầu vào vải lại có xu hướng tăng. Khi không sản xuất được vải, không đáp ứng QTXX của EU, thì DN không được giảm thuế mà còn bị ép giảm giá gia công do các DN khác có vải thoả mãn QTXX đã được giảm thuế để giảm giá gia công, dẫn tới DN bị giảm lãi, thậm chí lỗ. Mà phần lớn DN này lại là DN Việt Nam. Như vậy, nếu đạt theo nguyên tắc xuất xứ, sẽ được hưởng ưu đãi thuế 0%, nếu không sẽ bị các nhà sản xuất đã đạt nguyên tắc xuất xứ cạnh tranh về giá, lúc đó sẽ khó giữ khách hàng và thị trường, nguy cơ phá sản lớn.

Do vậy, để tồn tại và phát triển ngành DMVN không còn con đường nào khác ngoài việc thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Trong đó, phải thành lập được những cụm công nghiệp tập trung sản xuất NPL, giải quyết nút thắt chính là xử lý nước thải của khâu nhuộm hoặc các loại NPL liên quan đến môi trường như xi mạ trong sản xuất nút kim loại hoặc các công đoạn của ngành may,… Như vậy giá thành sẽ cạnh tranh và môi trường cũng được quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách ưu đãi cho các DN đầu tư trong cụm công nghiệp NPL về thuế đất, thuế VAT, thu nhập, miễn giảm thuế tùy theo chủng loại sản phẩm cần khuyến khích đầu tư,… hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản và thiết bị. Đồng thời, cần lập quỹ hỗ trợ, ưu đãi tín dụng trong các trường hợp: DN thực hiện phương thức FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm) cho các đơn hàng có tỷ lệ nội địa hóa từ 50% trở lên, DN sản xuất thử nghiệm phụ tùng, vật tư thay thế ngoại nhập (thuốc nhuộm, tẩy) hay thiết bị trong dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ.

Nguồn: Vinatex.com