Vì sao Vinatex chưa được hưởng lợi các gói hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch COVID-19?

[ad_1]


Bnews
Hiện các doanh nghiệp trong Tập đoàn Vinatex chưa được hưởng lợi trong gói hỗ trợ của Chính phủ thì vẫn bằng mọi cách xoay sở để đảm bảo việc làm cho người lao động.

Hiện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh COVID -19; trong đó, có doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Vốn đã quen với tinh thần tự lực, nên các doanh nghiệp dù chưa được hưởng lợi trong gói hỗ trợ của Chính phủ thì vẫn bằng mọi cách xoay sở để đảm bảo việc làm cho người lao động. Phóng viên TTXVN đã trò chuyện với bà Phạm Nguyên Hạnh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinatex để tìm hiểu vì sao các doanh nghiệp dệt may trong Tập đoàn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ.

Phóng viên: Thưa bà, trước tình hình doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, Chính phủ đã có những gói hỗ trợ người lao động mất việc làm và giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp… Vậy chính sách hỗ trợ nói trên của Chính phủ có ý nghĩa gì đối với Vinatex và các doanh nghiệp thành viên?
Bà Phạm Nguyên Hạnh: Chính sách hỗ trợ của Chính phủ là rất tốt với doanh nghiệp, bởi với doanh nghiệp lúc này, giảm được áp lực bất cứ dòng tiền ra nào đều vô cùng quan trọng đối với sự sống còn của mình.

Chính sách hỗ trợ này thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia của Chính phủ trong giai đoạn khó khăn, thách thức nhất của doanh nghiệp dệt may Việt Nam, là nguồn động viên giúp doanh nghiệp vượt qua, tránh được phá sản, duy trì việc làm cho người lao động trong và sau dịch, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam thì gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng dành cho người lao động mất việc làm lại không áp dụng được.
Bởi Điều 5 của Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Chính phủ về gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng quy định hỗ trợ các đối tượng là người làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, lao động tự do bị mất việc làm và phải chiếm 50% số lao động trong doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong Tập đoàn, nếu để mất việc làm tới 50% thì tương đương với phá sản.

Do đó, các lãnh đạo doanh nghiệp đều phải lo lắng ngày đêm, xoay sở để làm sao không bị rơi vào tình trạng đó. Tìm việc cho công nhân, thậm chí dốc cả nguồn dự trữ ra để giữ chân họ ở lại để sau đại dịch, có thể lập tức sản xuất được ngay với các đơn hàng lớn.
Phóng viên: Vậy những việc bù đắp đó là gì, thưa bà?
Bà Phạm Nguyên Hạnh: Các doanh nghiệp đã chuyển sang may các mặt hàng phòng chống dịch như: khẩu trang, quần áo phòng dịch, các sản phẩm phòng dịch khác, tận dụng nguồn vải có sẵn để may hàng nội địa, gia công chờ thời cơ. Có doanh nghiệp vẫn nhận đơn hàng của nước ngoài, dù chấp nhận mở LC trả chậm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng vận động công nhân chia sẻ, hỗ trợ, chịu giảm một chút thu nhập để giữ cho doanh nghiệp tồn tại đến khi có thể hoạt động trở lại bình thường. Các cổ đông cũng vào cuộc, sẵn sàng giảm mức chia cổ tức, thời gian nhận cổ tức chậm hơn, dành nguồn tiền trả lương cho công nhân và giúp doanh nghiệp có dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh…
Phóng viên: Còn các gói giảm, hoãn thuế có mang lại lợi ích cụ thể nào cho doanh nghiệp dệt may đến nay hay không, thưa bà?
Bà Phạm Nguyên Hạnh: Hiện nay, kể cả các gói giảm hay giãn thuế đều chưa thực sự áp dụng được bởi với doanh nghiệp dệt may, mức độ giãn, giảm thuế ảnh hưởng không lớn vì phần lớn các doanh nghiệp dệt may làm xuất khẩu nên không chịu thuế VAT.

Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 thì các doanh nghiệp đã tạm nộp hàng quý, số còn lại chưa nộp chỉ là 1 quý, trong khi quý I/2020 thì không có lợi nhuận nên thực chất chiểu theo chính sách này thì doanh nghiệp dệt may cũng không được giảm.
Hơn nữa, tiền thuê đất tỷ trọng trong chi phí thấp, nên cũng không tác động đáng kể khi được gia hạn nộp. Do đó, đối với các doanh nghiệp dệt may thì quan trọng nhất là hoãn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp vì chi phí này lên tới 34% của quỹ lương.

Trong khi đó, quỹ lương chiếm 60% chi phí doanh nghiệp may và tỷ trọng chi đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp lên tới 20% tổng chi phí toàn doanh nghiệp.
Phóng viên: Thực tế doanh nghiệp dệt may đang tạo việc làm cho nhiều người lao động. Vậy bà có kiến nghị gì với Chính phủ để tiếp sức cho doanh nghiệp dệt may trong lúc này ?
Bà Phạm Nguyên Hạnh: Chúng tôi đã cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) kiến nghị với Chính phủ về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất mà doanh nghiệp dệt may nào đã nộp cho năm 2019 nên được trừ vào các phí cần đóng như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn… của năm 2020.
Đặc biệt, với việc trả chậm hai loại quỹ hưu trí và tử tuất trong bảo hiểm xã hội, thiết nghĩ nên miễn luôn cho doanh nghiệp, bởi trong nhiều năm, doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm xã hội rất đầy đủ, nay có khó khăn thì nên miễn để doanh nghiệp dùng ngay tiền đó hỗ trợ công nhân trong hiện tại.
Các doanh nghiệp  của Vinatex hầu hết đang dốc nguồn dự phòng ra để trả lương cho công nhân và xác định rõ năm nay chỉ phấn đấu để doanh nghiệp tồn tại, giữ chân người lao động, chứ không tính đến việc kinh doanh sinh lời.
Nếu tình trạng thiếu đơn hàng tiếp tục kéo dài, thì không doanh nghiệp nào chịu đựng được và rất cần hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, ngay khi doanh nghiệp chứng minh được việc bị giảm từ 30% doanh thu.
Phóng viên: Về phía các ngân hàng, hiện có những doanh nghiệp cho rằng mặc dù doanh nghiệp đang gặp khó nhưng các ngân hàng vẫn không hạ chuẩn cho vay, bà ý kiến gì về vấn đề này?
Bà Phạm Nguyên Hạnh: Có thể trường hợp đó là ở các doanh nghiệp khác, chứ không rơi vào các doanh nghiệp trong Vinatex. Từ trước tới nay, các doanh nghiệp trong Tập đoàn luôn ở mức chuẩn tín dụng tốt và được vay với lãi suất tốt, cho nên hiện tại chưa có doanh nghiệp nào trong Vinatex đề nghị ngân hàng hỗ trợ hạ chuẩn cho vay.
Tới đây, nếu tình hình có khó khăn hơn mà doanh nghiệp nào của Vinatex cần hạ chuẩn cho vay, thì ngân hàng sẽ xử lý với từng trường hợp./.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!
>>> Dịch COVID-19: Ngành dệt may với nhiều giải pháp ứng phó


[ad_2]