Edit Content

Products List

Danh mục sản phẩm

Để ngành DMVN phát triển bền vững cần xây dựng năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã chia sẻ về những thành quả đã đạt được sau 10 năm gia nhập WTO, những khó khăn và định hướng phát triển trong thời gian tới của ngành DMVN.

Xin ông cho biết những kết quả quan trọng nhất của ngành DMVN đã đạt được sau khi tham gia WTO là gì?

Đối với ngành xuất khẩu như dệt may, tất cả các hiệp định thương mại đều đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình phát triển. DMVN đã có những bước phát triển nhảy vọt khi có FTA và quan hệ trực tiếp với Mỹ. Năm 2007, với việc trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì Việt Nam đã có quan hệ về thương mại một cách bình đẳng với tất cả các quốc gia. Ngay trong năm đầu tiên gia nhập WTO, ngành dệt may đã tăng trưởng 34%. Thành tựu sau 10 năm gia nhập WTO là Việt Nam đã có hoạt động thương mại song phương với nhiều quốc gia mà trước đây không có cơ hội tiếp cận như Mỹ, các khối thuộc Tây Âu. Cùng với đó, ngành DMVN đã có quy mô tăng hơn 2,5 lần (trước năm 2007 chỉ có hơn 10 tỷ USD, đến năm 2016 đã có 28,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu). Đặc biệt, các thị trường xuất khẩu dệt may trước đây chưa có WTO tăng trưởng rất chậm, rất khó khăn thì lại trở thành thị trường trọng yếu có tỷ trọng cao như thị trường Mỹ chiếm tới 49%; thị trường EU trên 18%; Nhật Bản trên 12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Có thể nói, WTO chính là cơ hội lớn để giúp ngành DMVN mở rộng thị trường, quy mô và đặt chân vững vàng tại các thị trường trong WTO.

Khó khăn lớn nhất của ngành DMVN là gì thưa ông?

Nhìn chung, dệt may là một ngành cạnh tranh hết sức gay gắt trên toàn thế giới và DMVN không nằm ngoài vòng xoáy đó. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều quốc gia vừa lớn về quy mô dân số, vừa lớn về quy mô của ngành dệt may, mà lại hoàn chỉnh trong hệ thống sản xuất như Trung Quốc, Ấn Độ. Bên cạnh đó, những quốc gia có quy mô tương đối như Bangladesh, Mexico, Indonexia cũng là những đối thủ cực lớn trong sản xuất kinh doanh hàng dệt may. Chính vì vậy, 20 năm phát triển của ngành DMVN tuy tốc độ tăng trưởng rất lớn nhưng xét riêng từng thời kỳ, từng giai đoạn thì lúc nào cũng phải nằm trong trung tâm của áp lực cạnh tranh. Chỉ có năng lực cạnh tranh tốt thể hiện qua năng suất, chất lượng, thời gian giao hàng và với một thể chế môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam tốt thì mới có thể thu hút được cả khách hàng và nhà đầu tư để phát triển.

Ngành DMVN hiện đang nằm trong Top 5 các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới, vì vậy, để duy trì được vị trí này Ngành luôn phải xây dựng năng lực cạnh tranh để bảo vệ thị phần trước các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Maylaysia, Indonexia, Pakistan, Bangladesh và kể cả quốc gia đang nổi sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng như Myanmar. Tuy nhiên, ở từng thời kỳ sẽ có những thuận lợi khách quan do các hiệp định thương mại mang lại như năm 2007 có WTO và vừa rồi là một loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương được ký kết như FTA Việt Nam – EU, Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu, Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Chile… để hỗ trợ cho doanh nghiệp DMVN cạnh tranh dễ hơn. Nhưng để thành công thì các doanh nghiệp DMVN vẫn phải dựa trên nội lực, năng lực cạnh tranh, chuỗi cung ứng ở trong nước và đặc biệt là phần thể chế môi trường kinh doanh, cạnh tranh ở Việt Nam.

Năm 2016, trong điều kiện không có FTA Việt Nam – EU, TPP nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia duy nhất có tăng trưởng dương về kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may (trong khi các nước khác đều có tăng trưởng âm, trừ Bangladesh có tăng trưởng dương một chút). Điều đó chứng tỏ năng lực cạnh tranh nội tại của doanh nghiệp DMVN là rất tốt và sẽ còn tốt hơn nữa nếu được cộng hưởng với những yếu tố do các FTA mang lại. Chính vì vậy, căn cốt của phát triển bền vững vẫn là xây dựng năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp. Nếu hiệp định TPP không có hiệu lực, hoặc có hiệu lực mà không có Mỹ thì ngành DMVN vẫn còn các hiệp định khác như FTA Việt Nam – EU để có sự tăng trưởng tốt. EU là thị trường mà ngành DMVN mới có khoảng 3% thị phần (trong khi thị trường Mỹ đã có tới 11%), nếu tận dụng tốt thì sẽ có cơ hội để tăng trưởng đột biến trong giai đoạn 2018 – 2020.

Khi không có TPP ngành DMVN sẽ gặp những khó khăn gì thưa ông?

Điểm lớn nhất của TPP là tạo ra sự cắt giảm thuế quan đối với các quốc gia thành viên của khối TPP. Nếu không có sự cắt giảm này thì ngành DMVN vẫn phải cạnh tranh với điều kiện thuế quan như hiện nay vào thị trường Mỹ, Nhật Bản, Úc (3 thị trường dệt may lớn nhất trong khối TPP). Đây là những thị trường mà ngành DMVN vẫn đang cạnh tranh và có tăng trưởng nhưng nếu có yếu tố khách quan tốt hơn thì ta tốc độ tăng sẽ cao hơn (dự kiến tăng trên 10% ở thị trường Mỹ, Nhật Bản). Bản thân những thị trường này tổng cầu tiêu thụ gần như không tăng hoặc chỉ tăng khoảng 1%/năm, vì vậy, với mức tăng dự kiến nếu không có TPP là 5 – 6%/năm cũng là một thách thức đối với ngành DMVN.

Xin ông cho biết ngành dệt may đã có những định hướng gì để phát triển vượt bậc trong thời gian tới?

Ngành DMVN liên tục phải đổi mới và xây dựng năng lực cạnh tranh của mình, đây là một quá trình diễn ra liên tục, đầy sáng tạo để phát huy khả năng có thể làm được những sản phẩm đặc biệt và khả năng cung ứng trong điều kiện hết sức khó khăn đối với những đơn hàng có yêu cầu đặc biệt. Đó là những khe hẹp mà ngành DMVN với quy mô còn vừa phải trong số 5 nước xuất khẩu dệt may lớn của thế giới cần đi vào. Dự kiến cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018 FTA Việt Nam – EU có hiệu lực thì các doanh nghiệp phải hết sức tập trung để có thể phát triển nhanh và khai thác tốt thị trường có quy mô nhập khẩu ngoài EU khoảng 130 tỷ USD/năm này (Việt Nam mới chỉ có khoảng hơn 4 tỷ xuất khẩu vào thị trường này). Ngành DMVN đặt quyết tâm đến năm 2020 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 40 tỷ USD.

Ông đánh giá thế nào về việc DNNVV của Việt Nam ngoài việc thiếu vốn còn thiếu sự liên kết?

Quá trình liên kết của doanh nghiệp là quá trình hữu cơ, phải xây dựng trên cơ sở lợi ích chung, không thể xây dựng bằng biện pháp hành chính được. DMVN là một ngành cạnh tranh toàn diện trên thị trường thế giới, vì vậy, khi các doanh nghiệp có thể chia sẻ được những lợi ích chung thì sẽ tự liên kết với nhau. Mọi quyết định hành chính sẽ thiếu đi ý nghĩa và không tạo được sự liên kết bền vững. Các doanh nghiệp DMVN còn ở quy mô hạn chế ngay cả sau khi liên kết với nhau và tác dụng của hoạt động liên kết cũng đem lại hiệu quả không cao so với việc liên kết với doanh nghiệp làm các khâu khác ở các nước thông qua con đường nhập khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi tư duy trong việc liên kết doanh nghiệp nội với nhau nhưng đồng thời cũng là quá trình chờ các doanh nghiệp cùng lớn. Khi thị trường có quy mô 40 – 50 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thì lúc đó các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu, làm phụ trợ, làm may mặc đều có quy mô lớn tương đương và có được lợi ích từ hoạt động liên kết thì sẽ dễ dàng đến với nhau hơn.

Cách đây 10 – 15 năm, khi quy mô xuất khẩu của ngành DMVN chỉ khoảng 5 – 10 tỷ USD, thậm chí còn không có một nguồn nguyên phụ liệu trong nước nào tham gia được vào chuỗi vì quy mô quá bé, không đủ cho các doanh nghiệp đứng ra đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Hiện nay, khi quy mô lên đến 20 – 30 tỷ USD đã có tới 52% tỷ lệ nội địa trong sản phẩm DMVN (những năm 2000 chỉ có khoảng 15% – 17%). Đây là quá trình diễn tiến mang tính quy luật của nền kinh tế thị trường. Những doanh nhân của ngành DMVN cần phải chuẩn bị tốt hơn về tâm thế và hỗ trợ nhau trong liên kết. Có thể những bước đi đầu tiên của liên kết ở trong nước sẽ chưa đem lại hiệu quả kinh tế nhưng là cần thiết vì nó đem lại giá trị bền vững và tạo nhiều giá trị hơn ở trong nước.

Nguồn: Vinatex