Vì sao xuất khẩu dệt may bứt phá ‘khủng’ trong hội nhập?

Sau 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngành dệt may đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về kim ngạch lẫn thị trường XK.

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex): Sau 10 năm gia nhập WTO, năm 2017, XK dệt may đã đạt 31 tỷ USD, tăng 4 lần so với năm 2007. Đặc biệt, giá trị ngành dệt may trong nước tăng lên khoảng 7 lần, từ 2,2 tỷ USD năm 2007 lên trên 13 tỷ USD năm 2017.

 
XK dệt may năm 2017 đã tăng gấp 4 lần so với năm 2007. Ảnh: Nguyễn Thanh

“Năm 2017, các quốc gia XK dệt may lớn trên thế giới có xu hướng giảm kim ngạch. Trong đó, Trung Quốc giảm 1,2%, Bangladesh giảm 1,3%, Thổ Nhĩ Kỳ giảm 4%, duy chỉ có ba quốc gia tăng trưởng là Ấn Độ tăng 13%, Campuchia tăng 3% và Việt Nam tăng 10%”, ông Trường nói.

Theo ông Trường, điểm đáng chú ý là, quá trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới đã giúp ngành dệt may Việt Nam mở rộng đáng kể các thị trường XK. Cụ thể, trước năm 2013, Việt Nam chỉ có 3 thị trường XK dệt may trên 1 tỷ USD là Nhật Bản, EU và Mỹ.

Tuy nhiên, từ khi có FTA Việt Nam-Hàn Quốc, Hàn Quốc trở thành thị trường kim ngạch XK trên 1 tỷ USD của ngành dệt may. Năm 2017, XK dệt may sang Hàn Quốc đã đạt 2,6 tỷ USD. Với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam có thêm thị trường thứ 5 XK trên 1 tỷ USD. Ngoài ra, năm 2017, Việt Nam còn XK sang Trung Quốc nguyên liệu như sợi, sơ với kim ngạch 3,2 tỷ USD…

“Bên cạnh đó, FTA Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu cũng mở ra cơ hội cho dệt may Việt Nam trong thị trường các nước Liên Xô cũ. Trong liên tục hai năm 2016-2017, các DN tăng trưởng XK vào Nga với tốc độ 5-6%. Năm 2017, XK dệt may vào Nga đạt xấp xỉ 200 triệu USD. Đây là thị trường hết sức tiềm năng với kim ngạch sử dụng trên 9,7 tỷ USD/năm, trong khi thị phần của Việt Nam mới chỉ chiếm 1,8%”, ông Trường nhấn mạnh.

Vì sao ngành dệt may lại có sự phát triển mạnh mẽ trong hội nhập đến vậy? Đáp lại câu hỏi này, ông Trường cho rằng: Kết quả này là do nội lực của DN cộng với việc tận dụng tốt các FTA.

Kinh nghiệm để tận dụng các FTA được rút ra là sự tham dự sâu của Viantex và Hiệp hội Dệt may Việt Nam vào quá trình thương thảo các FTA. Dệt may là ngành hàng duy nhất tham gia đầy đủ các chuyến đàm phán, các vòng đàm phán của TPP, FTA Việt Nam-Hàn Quốc, FTA Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu…

“Nhờ tham gia trực tiếp nên DN dệt may tiếp nhận thông tin kịp thời, chủ động, đề xuất phương án cho đoàn đàm phán để tận dụng được lợi thế của ngành dệt may trong nước cũng như đáp ứng các quy tắc xuất xứ mà các hiệp định sẽ áp dụng. Tất cả sự chuẩn bị này đã tạo điều kiện để khi FTA có hiệu lực, DN trong nước tận dụng tốt cơ hội, thị phần cải thiện, tăng trưởng XK”, ông Trường nhấn mạnh.

Nguồn Báo Hải quan