Giải bài toán về nguyên, phụ liệu cho dệt may Việt Nam

[ad_1]

Bài 1: Tái cơ cấu nguồn cung

Dệt may là một trong những ngành hàng bị tác động trực tiếp và khá nặng nề bởi dịch Covid-19. Không chỉ sản xuất bị gián đoạn do phụ thuộc đầu vào NPL nhập khẩu, mà khâu tiêu thụ, đầu ra tại nhiều thị trường lớn cũng gặp khó khăn. Các DN đã mạnh dạn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từng bước chủ động NPL để ổn định sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.

Chủ động xoay xở

Thời điểm hiện tại, ngành DMVN đang phải đối diện với tác động kép khi nguồn NPL nhập khẩu chưa kịp ổn định thì hàng loạt khách hàng lớn ở thị trường EU và Mỹ liên tiếp hủy và hoãn đơn hàng khiến mỗi tháng ngành bị thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng cùng khoảng 1 triệu người thiếu việc làm. Con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong vài tháng tới, nếu dịch Covid-19 không được khống chế.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trầm trọng tới ngành DMVN trong quý I, thậm chí cả quý II. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất là nguồn cung NPL nhập khẩu bị thiếu từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái-lan, Ma-lai-xi-a,… Do thiếu hụt nguồn NPL nhập khẩu, các DN dệt may phải điều chỉnh lại kế hoạch, bố trí lại dây chuyền sản xuất từ hàng dệt thoi sang hàng dệt kim, giảm giờ làm, cắt giảm nhân công,… nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất ở mức tối ưu. Ðứng trước khó khăn, ngay từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã huy động tổng lực cùng các đơn vị thành viên đẩy mạnh sản xuất mặt hàng vải khẩu trang kháng khuẩn cung cấp ra thị trường phục vụ nhân dân phòng, chống dịch. Ðiều đó cho thấy phản ứng linh hoạt, hiệu quả của Vinatex trước tình huống khẩn cấp, nhưng cũng chỉ sử dụng 15% đến 20% năng lực sản xuất của Tập đoàn. Như vậy, việc xoay chuyển sản xuất mặt hàng này, ngoài lợi ích xã hội, chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh vẫn chưa phải là giải pháp triệt để giúp Vinatex và các đơn vị thành viên vượt qua cơn “bĩ cực” hiện nay.

Liên quan tới việc chủ động nguồn NPL phục vụ sản xuất trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Vinatex, Lê Tiến Trường cho biết, trong tháng 2, tháng 3 vừa qua, Vinatex chưa vào đỉnh điểm tình trạng thiếu NPL do lượng hàng đặt trước và được giao trong tháng 1. Tuy nhiên, áp lực thiếu nguyên liệu, việc làm sẽ lên đỉnh điểm vào tháng 4, thậm chí cả tháng 5, cho nên Tập đoàn sẽ tập trung giải quyết các đơn hàng cho các thị trường khác trong thời điểm thiếu nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, đơn cử là tập trung vào sản xuất khẩu trang phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Khẩu trang là mặt hàng mà Vinatex làm chủ được nguồn nguyên liệu, tạo chuỗi cung ứng hoàn thiện trong nội bộ Vinatex. Bên cạnh mặt hàng khẩu trang, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh kích cầu nội địa một số mặt hàng như sơ-mi, quần âu, quần áo dệt kim, cũng là những mặt hàng Vinatex chủ động được nguyên liệu. Mặt khác, Vinatex cũng đẩy cao công suất sản xuất vải của tất cả các nhà máy dệt trong Tập đoàn để có thể bảo đảm sản xuất, thay thế một phần thiếu hụt nguyên liệu làm hàng xuất khẩu. Thế nhưng, đó chỉ là giải pháp tình thế, không có lợi về mặt tài chính, bởi vì nguyên liệu sản xuất trong nước có quy mô nhỏ, giá thành cao hơn so với nguyên liệu nhập khẩu. Mặc dù vậy, Vinatex vẫn quyết định thực hiện giải pháp sản xuất nguyên liệu nội địa cung ứng cho sản xuất, để các nhà máy may không bị gián đoạn sản xuất, người lao động có việc làm. Ðồng thời, hy vọng các nhà máy sản xuất nguyên liệu của Trung Quốc quay trở lại sản xuất và cung cấp nguồn hàng ổn định trong những tháng tới.

Không chỉ Vinatex và các đơn vị thành viên, hầu hết các DN vừa và nhỏ cũng đang “đau đầu” giải bài toán về NPL. Giám đốc Công ty Hóa dệt Hà Tây, Nguyễn Thanh Tùng cho biết, mặc dù DN đã chủ động được hơn 80% nguồn NPL phục vụ sản xuất từ nguồn trong nước, tuy nhiên, khi dịch Covid-19 lan rộng, đơn vị hoạt động hết sức khó khăn do số nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài bị gián đoạn. Mặc dù tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu chiếm chưa đến 20% sản phẩm nhưng hơn 90% số đó lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc, số còn lại nhập từ các thị trường khác như Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc),… đồng thời phân bổ trên tất cả các sản phẩm. Do đó, nếu không nhập được nguyên liệu, sẽ không thể hoàn thiện sản phẩm để giao cho khách hàng theo đúng hợp đồng. Chung quan điểm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – dệt may Thanh Bình, Nguyễn Thị Bình cho biết, công ty không vướng mắc đầu ra cho sản phẩm vì năm 2020 đã ký hợp đồng xuất khẩu quần áo sang Lào, Cam-pu-chia nhưng dịch bệnh lại khiến DN khó khăn ở đầu vào vì phần lớn NPL như: vải, cúc, khóa,… phải nhập từ Trung Quốc. Mặc dù nguồn NPL hiện tại không còn căng thẳng nhưng cũng chưa bảo đảm ổn định cho nên DN đã tính tới phương án tìm nguồn cung khác thay thế. Tuy nhiên, để tìm được nhà cung cấp ưng ý không phải trong “một sớm một chiều” mà cần phải có thời gian, nhất là phải phù hợp với mẫu mã, giá cả sản phẩm.

Tìm kiếm thị trường thay thế

Theo Vitas, việc nguồn NPL nhập khẩu bị gián đoạn thời gian qua đã ảnh hưởng tới khoảng 30 đến 40% năng lực sản xuất tùy từng DN. Bên cạnh đó, không ít DN phải đối diện với tình trạng chịu phạt, mất khách hàng do chậm giao hàng hoặc không hoàn thành hợp đồng đã ký. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết, đơn vị đã chủ động được một phần nguồn NPL phục vụ sản xuất trong những tháng tới. Thế nhưng, những diễn biến thị trường cho thấy, dù DN có NPL, muốn làm cũng không có hàng để làm do nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm mạnh. Nhiều DN làm FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm) thậm chí đã hoàn thành đơn hàng, nhưng khách hàng lại xin lui thời gian giao hàng. Ðây mới là tình huống đáng ngại, ảnh hưởng lớn đến các DN cũng như lực lượng lao động trong thời gian tới.

Cũng theo ông Bạch Thăng Long, câu chuyện chủ động nguồn NPL không phải khi dịch xảy ra mới được bàn tới. Vấn đề này đã được đề cập từ nhiều năm qua. Hiện DMVN phụ thuộc khoảng 65% đến 70% NPL nhập khẩu từ Trung Quốc, do đó, khi nguồn cung gặp trục trặc sẽ khiến các DN phụ thuộc bị “tê liệt” theo. Vì vậy, đây cũng là thời điểm để các DN tính toán, cơ cấu lại nguồn cung. Nếu cả thế giới cứ mãi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện tại, chắc chắn khả năng bị gián đoạn nguồn cung như thời gian vừa qua rất dễ xảy ra. Nhiều hãng lớn toàn cầu cũng đang có các chính sách phát triển nhằm giảm bớt sự phụ thuộc nguồn cung NPL từ Trung Quốc. Tuy nhiên, những thách thức hiện hữu về giá thành, thời gian giao hàng, chi phí vận chuyển,… không thể giải quyết trong ngắn hạn. Mặt khác, các thương hiệu toàn cầu hầu hết đều có chuỗi cung ứng riêng của mình, thậm chí từ nhiều nước khác nhau và họ còn có thể điều hành hoạt động của cả chuỗi. Nhưng việc tham gia vào các chuỗi này không hề đơn giản vì phải đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn đặt ra. Do đó, việc thay đổi nguồn cung, ngoài liên quan đến tiềm lực của DN, còn phải đáp ứng đủ những yêu cầu, quy định rất chặt chẽ mà thương hiệu làm chủ chuỗi đề ra. Ngoài Trung Quốc, hiện vẫn còn nhiều nguồn cung NPL khác cho ngành DMVN như: Ấn Ðộ, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Thái-lan,… nhưng thực tế mỗi nước cũng chỉ mạnh về một chủng loại chứ không tổng hợp được như thị trường Trung Quốc. Không những vậy, giá cũng là một lợi thế lớn của hàng Trung Quốc và việc nhập hàng từ Trung Quốc còn có lợi thế địa lý giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển,…

Việc Việt Nam chủ động tìm nguồn cung khác cho hàng may xuất khẩu là một thách thức. Bởi đơn cử, khi chúng ta chủ động kết nối được với một nhà sản xuất và đặt một đơn hàng nguyên liệu mới thì quy trình từ phát triển mẫu mã, sản xuất và vận chuyển tới DN sản xuất may của Việt Nam cũng phải mất tới 50 ngày. Do đó, tìm nguồn cung mới không phải là giải pháp cho ngắn hạn. Chủ tịch Vitas, Vũ Ðức Giang cho biết, trong ngành hàng thời trang thường ký hợp đồng trước khá lâu và các nhà mua hàng đã phê duyệt NPL. Khi nguồn cung đã được phê duyệt bị đình đốn như thời gian có dịch Covid-19, các DN DMVN có muốn đổi nguồn cung để bảo đảm sản xuất đơn hàng cũng không thể thực hiện ngay. Vì vậy, việc tìm nguồn cung nguyên liệu mới chỉ có thể là giải pháp ở tầm trung và dài hạn. Ðồng quan điểm, Tổng Giám đốc Vinatex, Lê Tiến Trường cho rằng, với thực tế rủi ro đang được nhìn thấy từ việc phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể sẽ có sự sắp xếp lại, điều chỉnh hợp lý hơn, với quan điểm không phụ thuộc 100% vào một quốc gia hay khu vực cung ứng, dù đó có là nơi sản xuất tốt nhất, giá thành thấp nhất. Thay vào đó, với nơi cung ứng tốt nhất, cũng chỉ quy hoạch tỷ lệ cung ứng tới 60%, còn 40% dành cho các nơi cung ứng khác nhằm tạo sự cân bằng tốt hơn cho chuỗi toàn cầu. Việt Nam cũng cần tính tới một chiến lược đúng đắn, linh hoạt với tình hình mới, nhất là khi chuỗi cung ứng toàn cầu có thể được điều chỉnh. Thêm vào đó, Việt Nam với lợi thế cho ngành dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) sẽ là cơ hội để ngành xoay chuyển, bứt phá; tự điều chỉnh và hoàn thiện chuỗi cung ứng của mình để vượt qua thách thức, đẩy mạnh phát triển.

Hằng năm Việt Nam nhập khẩu 60% vải, 55% xơ sợi và 45% phụ liệu từ thị trường Trung Quốc để phục vụ sản xuất.

Mặc dù các DN đang tích cực tìm kiếm nguồn cung khác từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản,… song các nguyên, phụ liệu từ các nguồn cung này chưa đa dạng, phong phú về mẫu mã và khó đáp ứng các đơn hàng nhỏ lẻ, thậm chí giá cao hơn nguồn hàng từ Trung Quốc,…

Nguồn: Cục Công nghiệp (Bộ Công thương)

(Còn nữa)

[ad_2]