Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, kết thúc quý 1-2017, ngành dệt may đạt 6,75 tỷ USD giá trị xuất khẩu, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
May đồ xuất khẩu tại Công ty May Sài Gòn 3
Tuy mức độ tăng trưởng ở các thị trường truyền thống như Mỹ và EU không cao, chỉ khoảng 6,3% – 6,4%, nhưng tại nhiều thị trường mới có tăng trưởng rất tốt, như: Nga tăng 115%, Thái Lan 17%, Indonesia 11%, Singapore 38%, Lào 24,5%, Campuchia 36%, Brazil và Ấn Độ tăng trưởng 34%, Hàn Quốc tăng 14%. Những mặt hàng truyền thống như áo thun, quần… tiếp tục duy trì tăng trưởng với tốc độ 13% – 17%, veston tăng 15%, áo sơ mi, jacket tăng khoảng 1%. Một số mặt hàng mới như đồ bơi, quần áo mưa, khăn… tăng từ 29% – 41%, quần áo gió tăng tới 18 lần. Theo Vitas, việc có nhiều sản phẩm mới và nhiều cách tiếp cận thị trường đã và đang từng bước đem lại cho ngành tốc độ tăng trưởng cao, ổn định hơn và ít phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.
Dựa trên sự phục hồi của thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới không có nhiều biến động lớn, Vitas đưa ra dự báo, trong quý 2-2017, ngành dệt may sẽ tăng trưởng khoảng 10%. Cả năm 2017, ngành đặt mục tiêu phấn đấu đạt 31-32 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu này, Vitas khuyến khích các doanh nghiệp khai thác cao nhất hiệu suất của tài sản cố định; tập trung đầu tư mới để thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu; nâng cao năng lực cạnh tranh với trình độ công nghệ cao hơn, nhất là trong bối cảnh xuất hiện làn sóng công nghiệp lần thứ 4 trong hệ thống dệt may. Đây là áp lực lớn buộc các doanh nghiệp tăng cường tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới để trong thời gian tới, với hệ thống dệt may đang có, đang đầu tư, tiếp tục mở rộng hoặc thay thế sẽ không trở nên lỗi thời mà vẫn duy trì được năng lực cạnh tranh quốc gia, quốc tế.