Dệt may lần đầu thặng dư 15,5 tỷ USD

Kết thúc năm 2017, xuất khẩu dệt may đã cán đích 31 tỷ USD, đánh dấu năm đầu tiên ngành dệt may đạt giá trị thặng dư 15,5 tỷ USD.

Xuất khẩu tăng thêm 2,7 tỷ USD

Năm 2016, ngành dệt may lỡ hẹn với mục tiêu xuất khẩu 30 tỷ USD, khi chỉ về đích với 28,3 tỷ USD, với mức tăng chưa đầy 6% và là năm xuất khẩu có mức tăng thấp nhất trong suốt 10 năm của giai đoạn 2006 – 2016.

 

Năm 2017, xuất khẩu dệt may đã lấy lại đà tăng trưởng 2 con số. Cụ thể, trong 31 tỷ USD  giá trị xuất khẩu, hàng dệt và may mặc đóng góp 25,91 tỷ USD (tăng 8,7%); xuất khẩu xơ sợi đạt 3,51 tỷ USD (tăng 19,9%); vải không dệt đạt 472 triệu USD (tăng 13,73%); đáng chú ý, nguyên phụ liệu dệt may xuất khẩu ước đạt 1,1 tỷ USD (tăng 17,3%).

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho rằng, năm 2017, thành quả rất đáng khích lệ là thặng dư thương mại của ngành gia tăng đáng kể.

Năm 2017, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 18,91 tỷ USD, tăng 11,43% so với năm 2016, trừ đi lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu phục vụ làm hàng phục vụ thị trường nội địa, thặng dư thương mại là 15,5 tỷ USD.

Hoa Kỳ vẫn đứng đầu trong các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam, với tỷ trọng 48,3%, đạt 12,53 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2016.

“Đơn hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ được các doanh nghiệp trong ngành ký đều đặn, trái với những dự báo trước đó về khả năng suy giảm xuất khẩu bởi Mỹ đã rút lui khỏi TPP”, ông Giang nói thêm.

Bên cạnh ASEAN và Đông Âu, 3 thị trường lớn còn lại là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng được các doanh nghiệp tận dụng khai thác tối đa.

Tổng công ty Phong Phú (Phongphu Corp.) cho hay, năm qua, xuất khẩu xơ sợi, hàng may mặc, vải đều tăng 20 – 25%. Ước tính, cả năm 2017, Phong Phú đã xuất khẩu trên 2 triệu USD sang thị trường Hàn Quốc và 10 triệu USD hàng sợi sang thị trường Nhật Bản, trong khi, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu sợi của Công ty sang thị trường này chỉ đạt 2 triệu USD.

Được biết, có được kết quả trên là do hiệu quả của 700 tỷ đồng vốn đầu tư, khi Nhà máy Dệt vải denim Nha Trang được vận hành đầu từ tháng 5/2017.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành dệt may, kết quả xuất khẩu của năm 2017 trong bối cảnh thị trường nhập khẩu truyền thống không tăng mạnh đã thể hiện thành công của ngành trong hai lĩnh vực: tìm kiếm thị trường mới và sản xuất mặt hàng mới.

Ngoài ra, năm 2017, ngành dệt may cũng tạo nên một dấu mốc quan trọng, khi lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu sản phẩm may mặc sang thị trường Trung Quốc với giá trị khoảng 1 tỷ USD.

“Hàng dệt may, xơ sợi Việt Nam đã có mặt tại các thị trường khổng lồ Trung Quốc, Ấn Độ – hai cường quốc là đối thủ nặng ký trong xuất khẩu dệt may của Việt Nam – đã cho thấy, các doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội để xuất khẩu từ những đơn hàng nhỏ nhất để góp vào con số 31 tỷ USD xuất khẩu của cả ngành.

Xơ sợi, vải, phụ liệu góp 5 tỷ USD

Sau nhiều năm phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, nhờ vào nguồn đầu tư trong giai đoạn vừa qua, ngành dệt may đã có được tỷ lệ nội địa hóa tăng rõ rệt.

Theo đó, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,5 tỷ USD, xơ sợi sản xuất trong nước đã vươn ra được nhiều thị trường xuất khẩu lớn. Ngoài ra, vải không dệt và nguyên phụ liệu cũng góp thêm 1,5 tỷ USD.

Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đầu tư, vừa mới đưa vào hoạt động từ tháng 7/2016 đã luôn vận hành đạt 100% công suất và không lo thiếu đơn hàng.

Ông Minh Đạo, Trưởng phòng Kinh doanh sợi, Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định cho biết, 97% sản lượng từ nhà máy phục vụ xuất khẩu. Kết thúc năm 2017, giá trị xuất khẩu sợi của Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định đạt 15 triệu USD. Hiện giờ, Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định đã ký được đơn hàng xuất khẩu hết tháng 6 năm 2018.

“Ngành sợi Việt Nam đã có vị trí trên bản đồ sợi thế giới và có khả năng cạnh tranh rất tốt với những nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Trung Đông. Quan trọng là, chất lượng sợi cotton của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của các nhà nhập khẩu, nên công tác tìm kiếm khách hàng cũng thuận lợi hơn”, ông Giang đánh giá..

Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại Sao Vàng Việt, chuyên xuất khẩu xơ sợi cũng đưa thêm nhà máy thứ ba đi vào hoạt động từ đầu năm 2017 và nhà máy này đang chạy đủ 100% công suất. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty cho biết, thị trường Trung Quốc chiếm tới 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty và 2018, đây vẫn là thị trường được Công ty tập trung khai thác.

Việc hoàn thành 31 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2017 sẽ là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa con số 33,5 tỷ USD được ngành dệt may đề ra cho năm 2018.

Nguồn Báo đầu tư