Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, xuất khẩu ngành dệt may trong năm 2017 có thể tăng 10% so với năm 2016, tức tăng kim ngạch xuất khẩu thêm 3 tỉ đô la Mỹ, vì tình hình xuất khẩu dệt may có nhiều dấu hiệu lạc quan trong những tháng đầu năm.
Máy móc cho ngành dệt may được giới thiệu tại một triển lãm ở TPHCM. Vinatex cho biết, riêng trong quí 1-2017 kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 6,75 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2016. Ảnh: TL |
Theo Vinatex, những tín hiệu tốt cho ngành dệt may là riêng trong quí 1-2017 xuất khẩu toàn ngành đạt kim ngạch 6,75 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu dệt may đi các thị trường lớn như Mỹ, EU tăng xấp xỉ 6,4%, các thị trường mới như Nga tăng đến 115%, Thái Lan tăng 17%, Indonesia tăng 11%, Singapore tăng 38%, Lào tăng gần 25%, Campuchia tăng 36% và Myanmar tăng 5%, Hàn Quốc tăng 14% …
Vinatex nhận định rằng kết quả trên là do Việt Nam chủ động tiếp cận, tận dụng và khai thác những hiệp định thương mại song phương và đa phương mới, trong đó phần lớn đến từ Liên minh Kinh tế Á – Âu và cộng đồng kinh tế ASEAN.
Về mặt hàng xuất khẩu, hiện những mặt hàng truyền thống như áo thun, quần tiếp tục tăng trưởng tốt. Một số mặt hàng mới có tốc độ tăng trưởng cao như đồ bơi tăng 29%, quần áo mưa tăng 41%, quần áo gió tăng 18 lần và khăn tăng 31%.
“Việc có nhiều sản phẩm mới và nhiều cách tiếp cận thị trường đã và đang từng bước đem lại tốc độ tăng trưởng cao hơn, ổn định hơn và ít phụ thuộc hơn vào các thị trường truyền thống như các năm trước”, báo cáo của Vinatex nêu.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2017, ngành dệt may Việt Nam cần tập trung vào việc khai thác cao nhất hiệu suất của tài sản cố định đã đầu tư, tập trung đầu tư mới để thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh với trình độ công nghệ cao hơn, nhất là trong bối cảnh xuất hiện làn sóng công nghệ lần thứ 4 trong hệ thống dệt may.
Theo ông Lê Tiến Trưởng, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, ngành dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm của các nước khác trong bối cảnh khách hàng không chỉ đòi hỏi về chất lượng, giá bán, thời gian giao hàng mà còn đưa ra yêu cầu cao hơn về điều kiện bảo vệ môi trường khi ký các đơn hàng xuất khẩu. Theo đó, để tạo lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam buộc phải bám theo bốn giá trị cốt lõi để đầu tư phát triển gồm năng suất, chất lượng, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Năm 2016, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 28,3 tỉ đô la Mỹ, với tỷ trọng nội địa hóa đạt trên 50% và là một trong năm quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. Dự kiến năm 2017, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 30 tỉ đô la Mỹ.
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn