Thiếu đơn hàng, da giày thu hẹp sản xuất

[ad_1]

Khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp da giày phải thu hẹp sản xuất. Ảnh: Đức Thanh

Cầm cự

Sau một thời gian nỗ lực duy trì, trong vòng 1 tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp da giày FDI có quy mô hàng vạn lao động đã phải làm một việc đặng chẳng đừng là thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.

Cuối tháng 5/2020, Công ty TNHH Giày da Huê Phong đã cho hơn 2.200 công nhân (bằng khoảng 50% lao động của Công ty) nghỉ việc do không có đơn hàng xuất khẩu.

Huê Phong thành lập năm 1992, có gần 4.500 lao động tại TP.HCM. Ngoài ra, Công ty còn có một cơ sở sản xuất tại Trà Vinh với pháp nhân độc lập. Thị trường châu Âu và Mỹ chiếm tới 91% đơn hàng giày xuất khẩu của Công ty. Do Covid-19 diễn ra trên toàn thế giới, từ tháng 3, nhiều khách hàng đã hủy hợp đồng đơn hàng, trong khi Công ty không ký được hợp đồng sản xuất mới và không xuất được hàng vào 2 thị trường này, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Được biết, năm 2019, Huê Phong đã sản xuất hơn 16,2 triệu đôi giày, xuất khẩu phần lớn sang thị trường châu Âu và Mỹ, phần còn lại xuất sang thị trường Nhật Bản. Tổng doanh thu hoạt động sản xuất, kinh doanh gần 1.347 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu hơn 1.265 tỷ đồng.

Lãnh đạo Công ty cho biết, doanh nghiệp hiện duy trì sản xuất những đơn hàng cũ để chờ đợi đơn hàng mới, nhưng các đối tác vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Nếu tình hình đơn hàng không khả quan hơn, Công ty bắt buộc phải lên kế hoạch cắt giảm thêm khoảng 500 lao động nữa trong thời gian tới.

Sau khi hoàn thành 22 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019, ngành da giày, túi xách đặt mục tiêu xuất khẩu 24 tỷ USD trong năm 2020, nhưng dịch bệnh ập đến bất ngờ làm lung lay mục tiêu.

Cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất là điều lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng đau lòng, đặc biệt với ngành sử dụng nhiều lao động như da giày, lao động được xem là trọng yếu, cần phải duy trì ngay cả khi khó khăn nhất để có thể vào guồng sản xuất khi nhu cầu thị trường quay trở lại.

Tập đoàn da giày có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam là Pouchen (Đài Loan) cũng có động thái điều chỉnh quy mô sản xuất. Cụ thể, công ty con của Pouchen là Công ty TNHH PouYuen (quận Bình Tân, TP HCM) cũng không thể cầm cự khi số lượng lao động quá lớn, trong khi đơn hàng sụt giảm. Theo đó, PouYuen vừa thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với gần 3.000 công nhân. Những lao động thuộc diện cắt giảm lần này đã làm việc cho Công ty từ 7-8 năm, người làm việc lâu nhất là 22 năm.

Trước đó, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn PouYuen cho biết, Công ty dự tính cắt giảm khoảng 6.000 lao động tại các bộ phận không có đơn hàng. Tuy nhiên, sắp xếp lại nhân sự theo hướng hạn chế số lượng lao động cắt giảm, PouYuen quyết định chỉ giảm một nửa số công nhân dự kiến.

Cần phải nói thêm, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam hoạt động từ năm 1996 với ngành nghề sản xuất chính là giày thể thao. Hiện nay, Công ty có khoảng 62.000 lao động và là doanh nghiệp có số công nhân đông nhất TP.HCM.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp da giày đều gồng mình chống chọi và cầm cự bằng cách cho nhà xưởng hoạt động cầm chừng, cố gắng giữ chân người lao động, bởi lượng nguyên vật liệu tồn kho và một số đơn hàng đầu ra vẫn còn để sản xuất. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới không khả quan hơn, các quốc gia là đối tác thương mại và đầu tư của Việt Nam chưa trở lại hoạt động bình thường, nên đơn hàng vẫn chưa về nhiều, buộc lòng phải cho máy móc ngưng và đóng cửa nhà máy, cũng đồng nghĩa với việc một lượng lớn nhân sự bị sa thải.

Điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu

Dù không sụt giảm mạnh như dệt may (5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu dệt may giảm 15,5% so với cùng kỳ), ngành da giày có mức sụt giảm đỡ hơn, với 4,8% sau 5 tháng, đạt 6,8 tỷ USD, ngoài ra, xuất khẩu ô dù, túi xách chỉ đạt 1,3 tỷ USD, giảm 15,5%.

Các doanh nghiệp FDI đang là trụ cột, đóng góp hơn 75% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, nên bất kỳ một động thái thu hẹp sản xuất dù ở quy mô nhỏ cũng tác động trực tiếp đến tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu, huống hồ 2 doanh nghiệp kể trên đều là những “anh cả”, với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng.

Tình hình đơn hàng khó đến mức, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) than thở, dù động lực sang thị trường EU những tháng cuối năm là có, nhờ EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8, nhưng doanh nghiệp da giày vẫn phải đối mặt với thực tế là nhu cầu thị trường khó được cải thiện như thời kỳ trước dịch. Theo đó, ngành da giày, túi xách sẽ phải điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu, dự kiến giảm 10%.

Theo các doanh nghiệp giày dép lớn, thị trường đang khó chung, doanh nghiệp có muốn xoay xở cũng không biết làm cách nào, bởi người mua không có thì bán hàng cho ai. Thậm chí, đại diện một doanh nghiệp tại Hải Phòng thừa nhận: “Phải nói thẳng là lúc này không có giải pháp nào lâu dài, vì mọi sự còn đang bất định, doanh nghiệp không thể giữ chân người lao động trong khi đơn hàng ít. Kể cả khi nhu cầu tăng lên thì xu thế sử dụng hàng hóa sẽ tập trung vào hàng cơ bản, giá thấp sẽ lên ngôi, giá trị đơn hàng sẽ ít đi”.


[ad_2]