Những doanh nghiệp ‘đi lên’ trong thời đại dịch

[ad_1]

                



   

4 tháng đầu năm 2020, có gần 35.000 doanh nghiệp “khai tử”. Ảnh: TL


   

Đại dịch Covid-19, cơn sóng thần càn quét nền kinh tế

Trong quý I/2020, theo báo cáo mới nhất, ghi nhận 29.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay.

Chịu tác động nặng nề nhất, phải kể đến hàng loạt các doanh nghiệp của ngành hàng không, du lịch và dịch vụ, với các khoản lỗ lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng.

“Ông lớn” ngành hàng không, Vietnam Airlines công bố số lỗ sau thuế 2.611 tỉ đồng, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020. Tương tự, Vietjet không nằm ngoài vòng xoáy này, với số lỗ sau thuế trong quý I/2020 lên đến 989 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái, hãng hàng không này báo lãi hơn 1.400 tỉ đồng. Đối với Bamboo Airways non trẻ, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã công bố lỗ khoảng 1.500 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm.

Đại dịch cũng khiến người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi lại và du lịch. Hàng chục nghìn phòng khách sạn đã bị hủy bỏ, ảnh hưởng trực tiếp tới các dịch vụ xung quanh, và thiệt vô cùng lớn với các doanh nghiệp hoạt động liên quan tới lĩnh vực này.

Đối với các doanh nghiệp trong ngành dệt may, tình hình cũng không khá khẩm hơn. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dù cơ bản Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên số ca mắc Covid-19 mới vẫn bùng phát tại Mỹ và châu Âu – 2 thị trường chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng.

Hiệp hội đưa ra giả thiết, nếu dịch bệnh kết thúc vào tháng 6 tới thì ngành dệt may sẽ thiệt hại khoảng 12.000 tỉ đồng, đồng thời sức cầu giảm có thể kéo theo giá giảm tới trên 20%.

                



   

Trong quý I/2020, nhiều doanh nghiệp vẫn công bố mức tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: TL


   

Những doanh nghiệp “thoát hiểm” ngoạn mục

Thế nhưng, ở chiều hướng ngược lại, nhờ vào nguồn nguyên liệu sẵn có, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển hướng kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong ngắn hạn, và đem về mức tăng trưởng đáng chú ý.

Dẫn đầu là doanh nghiệp sản xuất và cung ứng khẩu trang, nhờ cơn sốt khẩu trang nội địa trong giai đoạn 1 của dịch bệnh đã giúp doanh thu lĩnh vực này tăng đột biến.

Theo Tổng CTCP Y tế Danameco, trong quý I/2020, doanh nghiệp này đã công bố mức doanh thu tăng 22%, lên 127 tỉ đồng; lợi nhuận gộp tăng 134% đạt 24 tỉ đồng. Tương tự, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG cũng ghi nhận mức doanh thu là 63,3 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kì 3 tháng đầu năm.

Song song với đó, nhu cầu đột biến về nước rửa tay và chất tẩy rửa cũng đưa doanh thu của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lên tăng vọt.

Điển hình như Bột giặt Lix báo lãi kỉ lục trong quý I/2020, đạt hơn 904 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kì, con số này có được từ mặt hàng nước rửa tay khô On1 giữa đại dịch.

Trong lĩnh vực dược phẩm, nhu cầu thuốc men gia tăng đã giúp Dược Hậu Giang có mức doanh thu quý I/2020 đạt 858 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kì năm trước.

Đặc biệt, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn tăng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, do hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng.

Các “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ như AEON, Lotte, BigC, VinMart… không ngừng đưa các sản phẩm bán tại siêu thị truyền thống lên thương mại điện tử, hoặc qua điện thoại. Điều này đã giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này không bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh.

Nhờ linh hoạt trong các gói sản phẩm mang tính thời điểm, ngành kinh doanh bảo hiểm cũng có mức tăng trưởng ấn tượng, gần 16% so với cùng kì năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%, phi nhân thọ tăng 8%.


[ad_2]