‘Mọi ước mơ của tôi đã sụp đổ’

[ad_1]

Zarchi Lwin phải mang hai vòng vàng đeo tay đi cầm cố lấy 140 USD sau khi nhà máy, nơi cô làm may gia công các sản phẩm áo khoác mùa đông cho thương hiệu bán lẻ của Anh Next Plc, đóng cửa do không thể tìm được các đơn hàng mới trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp.

Cô chỉ là một trong hàng trăm nghìn công nhân may trên khắp châu Á mất việc, theo thống kê của Workers Rights Consortium, tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động. Họ đang rất chật vật với cuộc sống hiện tại bởi không nhận được nhiều sự hỗ trợ. Nhiều người còn lâm vào cảnh nợ nần và thậm chí dựa vào những bữa ăn từ thiện mới có thể sống sót qua ngày.

“Nếu như có công việc ổn định và thu nhập, tôi sẽ có đủ tiền để chi trả tiền thuốc cho mẹ”, Zarchi Lwin, 29 tuổi, chia sẻ. Cô đang sống chung với mẹ, 56 tuổi, mắc bệnh phổi, tại khu dân cư lụp xụp ở ngoại ô thành phố Yangon.

“Giờ tôi không có thu nhập, không có việc làm”, cô vừa nói vừa lau nước mắt. “Chúng tôi không biết phải làm gì tiếp theo”.

Next Plc đã cho tạm thời đóng cửa tất cả cửa hàng tại Anh trong tháng 3 do dịch bệnh Covid-19. Công ty thông báo họ chỉ hủy bỏ một số đơn hàng và “nỗ lực tối đa để giảm thiểu thiệt hại” đối với các nhà cung cấp. KGG, nhà máy nơi Zarchi Lwin làm việc, không đưa ra bình luận nào.

Áp lực từ Covid-19 lên dệt may châu Á: Mọi ước mơ của tôi đã sụp đổ - Ảnh 1.

Zarchi Lwin đang sống cùng mẹ trong một ngôi nhà lụp xụp. Ảnh: Reuters.

Kể từ những năm 1960, châu Á đã nổi lên là trung tâm sản xuất hàng may mặc của thế giới, xuất khẩu các loại hàng hóa như quần áo, giày, túi xách,… trị giá khoảng 670 tỷ USD sang các thị trường châu Âu, Mỹ và các quốc gia giàu có hơn tại châu Á mỗi năm, theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc.

Sau khi những cửa hàng bán đồ không thiết yếu buộc phải đóng cửa tại nhiều quốc gia và người dân được khuyến cáo nên ở trong nhà nhằm ngăn chặn đà lan rộng của Covid-19, các nhà bán lẻ quốc tế từ ASOS Plc đến New Look cho hủy các đơn hàng với bên cung cấp đồ may mặc. Các chủ doanh nghiệp tại Myanmar, Bangladesh và Campuchia lập tức đóng cửa hàng nghìn nhà máy, cho người lao động nghỉ việc tại nhà trong khi không hỗ trợ họ nhiều về mặt tài chính.

Các nhà bán lẻ thường gửi đơn hàng tới nhà cung cấp sớm hơn 3 tháng so với ngày thành phẩm xuất xưởng. Họ sẽ thanh toán cho sản phẩm hoàn thiện khi hàng hóa được vận chuyển tới địa điểm thống nhất trước. Ban đầu, phần lớn các nhà bán lẻ cho hủy các đơn hàng hiện có, nhưng nhiều công ty sau đó đưa ra những điều chỉnh trong tháng 3 và tháng 4 sau khi nhận về nhiều lời phản đối. Họ chấp nhận chi trả cho những mặt hàng đã được sản xuất hay đang trong quá trình sản xuất dang dở.

Để có thể hoàn thành các đơn hàng còn sót lại, khoảng một nửa trong tổng số 4.000 nhà máy may tại Bangladesh đã mở cửa trở lại, theo Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc. Khoảng 150 trong tổng số 600 nhà máy tại Myanmar phải đóng cửa, trong khi đó, 200 nhà máy trong tổng số 600 nhà máy tại Campuchia cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Nhiều nhà máy sau khi mở cửa trở lại đang gặp khó khăn trong việc tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội và vệ sinh khử khuẩn, nhất là đối với môi trường chật hẹp trong các nhà máy.

“Phần lớn các nhà máy không tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn”, theo Babul Akter, chủ tịch Hiệp hội công nhân công nghiệp và may mặc Bangladesh. Ông cũng cho biết thêm rằng nhiều công nhân đang làm việc trong ngành may mặc đã được xác định nhiễm Covid-19.

“Việc chỉ áp dụng các hệ thống rửa tay và kiểm tra thân nhiệt tại các lối ra vào là chưa đủ. Trong các nhà máy, khi công nhân làm việc gần nhau, làm sao họ có thể duy trì khoảng cách tối thiểu?”.

Một vài đơn hàng đã xuất hiện trở lại. Nhà bán lẻ hàng thời trang Thụy Điển H&M cho biết công ty chỉ cho dừng tạm thời các đơn hàng trong khoảng thời gian 2 tuần khi dịch bệnh đang ở đỉnh. Walmart Inc, nhà bán lẻ lớn nhất trên thế giới, cho biết công ty đã gửi đi những đơn hàng mới tới các nhà sản xuất tại châu Á trong tháng trước.

Ở lại hay về nhà?

Dù những đơn hàng mới đã lác đác xuất hiện, một số nhà sản xuất hàng may mặc cho biết khối lượng công việc thấp ở thời điểm hiện tại đồng nghĩa nhiều nhà máy tại Myanmar, Bangladesh và Campuchia không thể mở cửa trở lại, qua đó khiến những công nhân nữ trẻ tuổi, chiếm đa số trong lao động ngành may, sẽ chưa thể trở lại làm việc. Họ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc quay trở lại quê hương với gia đình, nơi có rất ít cơ hội việc làm, hay bám trụ lại thành phố, với hy vọng rằng các nhà máy sớm hoạt động như trước.

Liên minh châu Âu xây dựng quỹ lương dành cho công nhân tại Myanmar với giá trị lên tới 5,3 triệu USD nhằm chi trả phần nào các khoản lương cho những người dễ bị tổn thương nhất trong vòng 3 tháng. Myanmar cam kết chi trả 40% lương cho công nhân bị mất việc làm. Hơn 58.000 công nhân đã bị cho nghỉ việc, theo Hiệp hội các nhà may mặc Myanmar.

Tại Bangladesh, khoảng 1 triệu công nhân buộc phải nghỉ phép hoặc cho thôi việc trong cuối tháng 3, chỉ một số mới đươc trở lại làm việc. Khoảng 75.000 người lao động không được trả lương trong tháng 3, theo Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA). Đơn vị này ước tính sẽ có thêm hàng chục nghìn người bị nợ lương.

Áp lực từ Covid-19 lên dệt may châu Á: Mọi ước mơ của tôi đã sụp đổ - Ảnh 2.

Phần lớn lực lượng lao động trong ngành may là nữ. Ảnh: Business Standard.

Chính phủ Myanmar công bố gói trợ cấp trị giá 588 triệu USD cho lĩnh vực xuất khẩu để giúp đỡ người lao động. Các nhà sản xuất hàng may mặc, với giá trị xuất khẩu ước tính giảm khoảng 3 tỷ USD kể từ đầu tháng 4, cho biết các biện pháp hỗ trợ tài chính là chưa đủ. Các công ty nước ngoài hoặc liên doanh không nằm trong danh sách những đơn vị được hỗ trợ.

Tại Campuchia, nơi có khoảng 60.000 công nhân đang tạm thời không có việc làm, theo hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc quốc gia này, các công nhân được cam kết nhận khoảng 70 USD/tháng, trong đó, 40 USD đến từ chính phủ và 30 USD đến từ chủ sở hữu doanh nghiệp, nhưng khoản tiền đó chỉ tương đương với mức 1/3 mức lương tối thiểu hiện tại.

Tại thủ đô Phnom Penh, Rom Phary, 39 tuổi, và chồng đang phải đối mặt với khoản nợ lên tới 550 USD sau khi cô mất việc tại một nhà máy vào đầu tháng 3. Số tiền trên gấp nhiều lần lương tháng hiện tại của cô. Cô và gia đình đang phải dựa vào nguồn gạo quyên góp bởi một tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Campuchia. Phary đã thuyết phục chủ nhà trọ tạo điều kiện cho cô được ở lại và miễn phí tiền thuê trọ, nếu không cô và gia đình sẽ buộc phải quay trở về quê.

“Nếu chúng tôi quay trở lại, đó là một điều đáng tiếc. Chúng tôi không biết chúng tôi sẽ làm gì để sống”, cô cho biết.

Cái chết là sự giải thoát

Tại Myanmar, ngành công nghiệp sản xuất hàng may mặc đang là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất, chiếm khoảng 10% tổng giá trị hàng xuất khẩu của quốc gia này, tạo cơ hội thoát khỏi cảnh đói nghèo cho hàng trăm nghìn người dân, trong đó có nhiều lao động di cư từ các khu vực nông thôn.

Tại Dagon Seikkan, khu công nghiệp tại ngoai ô thành phố Yangon, nơi tập trung rất đông các lao động nhập cư, chính quyền địa phương cung cấp miễn phí gạo cho những công nhân mất việc. Nhưng Zarchi Lwin cho biết cô không đủ điều kiện để nhận trợ cấp do vẫn thuộc biên chế của nhà máy.

Cô và bố mẹ rời ngôi làng nhỏ tại vùng Magwe, miền trung Myanmar, 6 năm trước. Họ bán nhà để dành tiền chữa trị cho anh trai của cô, đã qua đời do căn bệnh thận quái ác. Đầu tiên, họ xin vào sống và làm công việc dọn vệ sinh trong một khu ký túc xá. Sau đó Zarchi Lwin tự học hỏi cách may vá quần áo và cuối cùng, cô xin được một công việc trong một nhà máy gần đó, với mức thu nhập 146 USD/tháng. Khoản tiền đó đủ để cô chi trả tiền mua thực phẩm, thuê một căn nhà gỗ nhỏ và mua thuốc cho mẹ. Cô đã dành dụm cả năm trời mới mua được hai chiếc vòng đeo tay.

Vừa khóc, cô vừa nhớ lại lời mẹ từng nói rằng bà muốn chết đi để giảm gánh nặng tài chính lên gia đình. “Đôi khi, tôi muốn tự kết liễu cuộc sống của chính mình do tình cảnh khó khăn hiện tại”, cô nói. Cha của cô, đang làm bảo vệ tại một nhà máy sản xuất đồ nội thất, cũng mất nguồn thu nhập.

Trước khi dịch bệnh bùng nổ, công nhân ngành may mặc tại Yangon và tỉnh lân cận Bago mỗi tháng gửi về quê tổng số tiền lên tới 43 triệu USD, theo Jacob Clere, đến từ SMART Textile & Garments, một dự án được Liên minh châu Âu tài trợ.

“Tiền chi trả học phí cho trẻ em. Tiền thuốc men chưa trị bệnh tật cho người cao tuổi. Thức ăn đủ dinh dưỡng. Chỗ ở cũng tốt hơn”, Clere miêu tả những tác động mà dòng tiền trên đã giúp các cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn phát triển.

Hiện tại, nhiều phụ nữ bị ép lập gia đình sớm, nhiều gia đình phải tìm đến hình thức tín dụng đen với lãi vay cắt cổ, theo Mike Slingsby, một chuyên gia phòng chống đói nghèo tại khu vực đô thị.

Những khoản nợ lãi suất cao

Tại Bangladesh, có sản lượng hàng may mặc lớn thứ 2 trên thế giới sau Trung Quốc, có tới 4,1 triệu lao động, tương đương với 2,5% dân số quốc gia này đang làm việc trong các nhà máy may, phần nhiều trong số đó đã đóng cửa. Khoảng 70% người lao động làm việc trong ngành công nghiệp may mặc tại Dhaka rời thành phố này về quê hương, theo Tuomo Poutiainen, Tổ chức Lao động Quốc tế, cho dù ông biết một bộ phận nhỏ trong số đó đã quay trở lại sau khi một vài nhà máy mở cửa trở lại nhằm hoàn thành nốt những đơn hàng còn dang dở.

Các đơn hàng cho tháng 6 năm nay giảm 45% so với cùng kỳ năm 2019, theo Rubana Huq, chủ tịch BGMEA.

Banesa Begum, công nhân 21 tuổi bị cho nghỉ việc tại một nhà máy chuyên gia công hàng thời trang cho Zara tại thành phố Dhaka, cho biết cô không còn gì để gửi về cho cha mẹ ở quê tại tỉnh Rangpur, những người đang dựa vào nghề nông để kiếm sống

Inditex, chủ sở hữu thương hiệu Zara, chia sẻ công ty sẽ thanh toán toàn bộ đơn hàng cho các công ty gia công, cho dù đơn hàng đó đã hoàn thành hay đang ở giữa giai đoạn sản xuất.

Lương của Begum còn được sử dụng để chi trả học phí cho hai người em trai. “Tôi không biết mình sẽ xoay xở như thế nào để các em của tôi có đủ tiền học tiếp”, cô chia sẻ. “Tất cả ước mơ của tôi đã sụp đổ rồi”.

[ad_2]