Nhiều giải pháp để ngành dệt may Việt Nam đạt tăng trưởng 10%

Theo Ông  Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, giải pháp cơ bản của ngành vẫn là tiếp tục có được sản phẩm chất lượng tốt, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý nhất.

 Năm 2018 ngành dệt may mục tiêu tăng trưởng 10%
Năm 2018 ngành dệt may mục tiêu tăng trưởng 10%

Theo các chuyên gia trong ngành dệt may, dự báo năm 2018 ngành dệt may sẽ gặp nhiều thách thức lớn, cạnh tranh cao. Cạnh tranh trên thị trường dệt may thế giới được dự báo sẽ ngày càng khốc liệt, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước khác như Myanmar, Campuchia… cũng đang gia tăng áp lực về thị phần với Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, giải pháp cơ bản của ngành vẫn là tiếp tục có được sản phẩm chất lượng tốt, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý nhất. Dệt may Việt Nam không đi theo hướng nhận đơn hàng giá rẻ nhất mà đi theo hướng giá hợp lý nhất với sự đòi hỏi về tay nghề và kỹ thuật cao

Giải pháp cho vấn đề này chính là đầu tư đúng công nghệ của giai đoạn hiện nay, nâng cao năng suất không chỉ thông qua tay nghề của người lao động mà còn qua hệ thống sản xuất, quản lý, tin học hóa trong quản trị và tự động hóa từng bước từng khâu trong sản xuất của ngành Dệt May Việt Nam.

Một số khó khăn cũng được ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên đề cập đến đó là giá đơn hàng xuất khẩu trong năm vẫn có thể giảm nhưng các khoản chi phí đầu vào ở Việt Nam như tiền lương, chi phí khác… đều tăng. Nếu doanh nghiệp muốn tồn tại được thì phải có giải pháp tăng năng suất lao động, đổi mới phương pháp quản trị.

Ông Lê Tiến Trường cho biết, xuất khẩu của tháng 1, tháng 2/2018 của ngành dệt may đang tương đối thuận lợi, khớp với kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đạt 4,3 tỷ USD, tăng 22,3% so cùng kỳ năm trước. Năm 2018, ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt mục tiêu cao, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 34 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. /.

Nguồn Bnews