[ad_1]
Năm 2019, các mặt hàng dệt may xuất khẩu của tỉnh vẫn giữ mức tăng trưởng khá và ổn định, lượng đơn hàng cũng tăng 5% so với năm 2018. Từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu dệt may của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định. Các doanh nghiệp kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng khá trong năm nay nhờ triển vọng của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Xuất khẩu ổn định
Ngay từ những ngày đầu năm 2020, tình hình sản xuất và xuất khẩu của Công ty May mặc Far Eastern Apparel (Viet Nam) Ltd, (Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore I, TP.Thuận An) tiếp tục ổn định. Theo đại diện công ty, chỉ sau 2 ngày làm việc đầu năm mới âm lịch đã có 97% công nhân lao động quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Năm 2019, công ty xuất khẩu hơn 50 triệu sản phẩm, chủ yếu vào thị trường Mỹ và châu Âu. Năm 2020, công ty dự kiến xuất khẩu sản phầm tăng 10% so với năm 2019.
Tại Công ty Esquel Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore I), tình hình xuất khẩu cũng đạt kết quả khả quan. Ông Nguyễn Văn Lương, Tổng Giám đốc công ty, cho biết bước vào năm 2020 không khí làm việc tại công ty rất khẩn trương để bảo đảm cung ứng đủ đơn hàng đã ký kết với đối tác. Năm 2019, công ty đã xuất khẩu 19 triệu sản phẩm. Theo kế hoạch, năm nay công ty phấn đấu sản phẩm xuất khẩu tăng 10% so với năm 2019.
Năm 2019, xuất khẩu dệt may Việt Nam bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc. Tuy vậy, trên thị trường hiện ngành dệt may trong nước đang có tín hiệu khởi sắc trở lại, cụ thể là đơn hàng vẫn khá dồi dào. Các chuyên gia đánh giá, năm 2020 xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khá nhờ triển vọng của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Điển hình, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã và đang đóng góp tích cực cho xuất khẩu, góp phần cải thiện cán cân thương mại của ngành dệt may nói riêng và cán cân thương mại của Việt Nam nói chung. Đặc biệt, CPTPP sau 1 năm có hiệu lực, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Mexico, Canada, Chile, Australia… đã tăng mạnh. Song song đó, tình hình xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) được kỳ vọng khả quan khi FTA Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực trong năm 2020.
Chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất
Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương, cho biết các FTA hiện đang đi sâu vào việc thực thi, do đó đây sẽ là những thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng lượng khách hàng. Đến nay, đa số các doanh nghiệp thành viên đã ký được đơn hàng đến hết tháng 6, nhiều doanh nghiệp ký đến hết tháng 8-2020.
Bà Phạm Thị Xuân Trang, Giám đốc Công ty Đại Tây Dương (Khu công nghiệp Đồng An, TP.Thuận An), cho hay công ty vừa làm gia công xuất khẩu vừa sản xuất và xuất khẩu sản phẩm trực tiếp cho khách hàng. Đến thời điểm này công ty đã ký đơn hàng đến hết tháng 6 năm 2020. Khách hàng không hạn chế về số lượng đơn hàng ký kết với công ty nên lượng đơn hàng rất dồi dào, tuy vậy công ty chỉ ký kết đủ lượng đơn hàng có thể đáp ứng kịp thời giao hàng cho khách. Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Đức.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, năm 2020 ngành dệt may vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức. Ngành dệt may Việt Nam hiện đang có quan hệ thương mại 2 chiều rất lớn với Trung Quốc. Đặc biệt, nguyên phụ liệu dệt may, xơ sợi, vải đang được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm ngành dệt may còn chịu tác động không mong muốn từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Ông Phoa cho hay dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona tại Trung Quốc khiến hàng hóa từ quốc gia này không qua Việt Nam được, do đó nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành dệt may cũng không qua được, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Cùng với đó, chi phí tiền lương, bảo hiểm tăng; lực lượng lao động biến động do nhiều tỉnh, thành đều phát triển các khu, cụm công nghiệp khiến các công ty thiếu hụt nhân công.
Theo ông Phoa, để hạn chế những tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cần trao đổi với khách hàng, tập trung khai thác nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước hoặc từ các nước khác để thay thế nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh, ổn định tinh thần và đời sống của người lao động. Các doanh nghiệp cần chủ động về sản xuất, chuyển đổi từ gia công sang sản xuất và xuất khẩu, đồng thời thay đổi thiết bị công nghệ tự động hóa đáp ứng yêu cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ công nghiệp 4.0.
Hiện nay, việc Chính phủ tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp đã phát huy tốt hiệu quả. Đồng thời, với những tác động tích cực từ việc đẩy mạnh cải cách thểchế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước của Chính phủ và việc xóa bỏ rào cản thuế quan theo lộ trình của CPTPP được các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu hàng hóa. Do đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm nay được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định.
PHƯƠNG LÊ