Sản xuất tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Viết Thành |
Báo cáo của Tập đoàn Dệt may (DM) Việt Nam cho thấy, ngành DM đang bị cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế, dẫn đến lượng đơn hàng giảm đi. Nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết thời gian qua, nhưng thực tế doanh nghiệp (DN) trong nước chưa thể tận dụng được lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu. Đáng chú ý, từ cuối năm 2016, nhiều đơn hàng của Việt Nam đã bị dịch chuyển sang một số nước cùng sản xuất hàng DM như Campuchia, Myanmar, Bangladesh…, kéo theo những áp lực về việc tìm khách hàng của DN Việt. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Nguyệt Hùng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, DN buộc phải ký đơn giá thấp hơn, đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe về chất lượng của khách hàng…
Nhìn lại kim ngạch xuất khẩu năm 2016 chỉ đạt 28,2 tỷ USD, thấp hơn 1,7 tỷ USD so với mục tiêu đề ra từ đầu năm, ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn DM Việt Nam cho biết, tăng trưởng 5,2% của năm 2016 là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2008 đến nay của ngành DM Việt Nam. Dự báo, năm 2017 áp lực cạnh tranh của ngành DM trong nước sẽ còn lớn hơn. Đáng chú ý, trong khi năng lực xuất khẩu của Trung Quốc lên tới 260 tỷ USD, thì thị trường nội địa của họ còn lớn hơn khi đạt con số 270 tỷ USD; Ấn Độ có thị trường nội địa lớn gấp 3 lần xuất khẩu; Indonesia có thị trường nội địa lớn gấp 2 lần xuất khẩu…
Như vậy, khi thị trường xuất khẩu khó khăn, các nước này vẫn có cơ sở để lui về phát triển thị trường nội địa. Trong khi đó, thị trường “nội” với quy mô 4,5 tỷ USD của Việt Nam là quá nhỏ so với năng lực sản xuất đã lên tới 35 tỷ USD của ngành. Điều này gây thế mất cân bằng cho hoạt động xuất khẩu. Theo ông Lê Tiến Trường, một thực tế nữa khiến thị trường “nội” chưa là điểm tựa vững chắc cho ngành DM Việt Nam, đó là tại khu vực nông thôn, các sản phẩm DM Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nhập khẩu không rõ nguồn gốc, trong khi ở đô thị, sản phẩm của DN “nội” còn phải chạy đua về thị phần với hàng hóa nhập khẩu từ khu vực ASEAN.
Tập trung vào mũi nhọn
Những khó khăn trên cho thấy, ngành DM cần có mũi nhọn nhất định trong việc duy trì thị trường “nội”. Mũi nhọn mà ngành DM hướng đến là tập trung vào những DN có thị phần tốt ở thị trường trong nước, thúc đẩy DN tăng quy mô để giảm giá thành và phương án sử dụng chung hệ thống phân phối nhằm khai thác tối đa hiệu suất tài sản cố định. Chẳng hạn, hệ thống phân phối của Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến chỉ có quần áo, nhưng có tới 3.000 cửa hàng trên cả nước, do đó phương án sử dụng chung hệ thống phân phối các sản phẩm bổ sung, không cạnh tranh nhau như đồ lót, chăn ga của các thương hiệu khác… là lựa chọn hợp lý.
Có thể thấy, những năm gần đây các DN DM Việt Nam đã chuyển hướng tích cực sang phát triển thị trường “nội”, đặc biệt là phân khúc quần áo đồng phục và bảo hộ lao động. Những DN tiên phong tìm hướng đi mới và được người tiêu dùng “định vị” phải kể đến các thương hiệu như: Việt Tiến, May 10, Đức Giang… Điển hình như, Tổng công ty May 10 khá thành công trên thị trường nội địa với các dòng sản phẩm như May 10 M Series, May 10 Expert, May 10 Classic, Eternity GrusZ…
Các sản phẩm mang thương hiệu May 10 hiện có mặt ở tất cả các kênh phân phối hiện đại với thiết kế thống nhất để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện. Ngoài các sản phẩm truyền thống phục vụ chủ yếu phân khúc thị trường phổ thông và thu nhập trung bình khá, May 10 còn cho ra mắt dòng thời trang cao cấp phục vụ tầng lớp trung lưu, doanh nhân và giới văn nghệ sĩ… Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến đã thâm nhập vào lĩnh vực đồng phục y tế, đồng phục học sinh, một số ngành giao thông, xây dựng, ngân hàng… Tổng công ty May Đức Giang sản xuất quần áo đồng phục và bảo hộ lao động cho một số khách hàng lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Vận tải Hà Nội…
Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn DM Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang cho biết, coi trọng thị trường “nội” chính là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu, vì làm tốt thị trường trong nước DN sẽ xây dựng được thương hiệu của riêng mình, có giá trị gia tăng. Hơn nữa, chúng ta đang ở thời điểm thuận lợi để tập trung vào thị trường trong nước vì người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sản phẩm “Made in Vietnam”.
Theo Tập đoàn DM Việt Nam, với tổng cầu trong nước lên tới khoảng 40 triệu bộ quần áo/năm, Tập đoàn đang xây dựng lộ trình nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa và thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong điều kiện kinh tế thế giới còn khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm thì việc xây dựng chỗ dựa vững chắc tại thị trường nội địa là chiến lược quan trọng đối với các DN DM.