Ngành dệt may: Hướng đến mục tiêu xuất khẩu 60 tỷ USD

[ad_1]

Xuất khẩu tăng trưởng tích cực

Năm 2019, mặc dù chịu tác động rất lớn từ tình hình suy giảm kinh tế thế giới do biến động chính trị và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Tuy kim ngạch xuất khẩu không đạt 40 tỷ USD như kỳ vọng đầu năm, ngành vẫn có mức tăng trưởng ước khoảng 7,55% so với năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dự kiến là 39 tỷ USD. Giá trị nội địa tăng thêm (thặng dư thương mại) của hàng hóa dệt may xuất khẩu đạt 19,73 tỷ USD, tăng 10,19%.

nganh det may huong den muc tieu xuat khau 60 ty usd

Áp dụng khoa học, công nghệ nhằm xanh hóa ngành dệt may

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 38,97% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đó là thị trường EU đạt 4,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,28%; Trung Quốc đạt 4,25 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 10,9%…

Hiện, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất khu vực ASEAN và là một trong những nước xuất khẩu dệt may lớn nhất trong khối các nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đáng chú ý, trong bản đồ xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm nay có sự tăng trưởng tỷ trọng xuất khẩu vào các nước thành viên khối CPTPP: Úc, Canada, New Zealand… các thị trường này trước đây rất khó vào.

Kỳ vọng vào EVFTA, CPTPP

Theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), hàng loạt hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết tham gia, trong đó có Hiệp định CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã tạo ra sân chơi có tính toàn diện cho ngành dệt may.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực vải, sợi đang chờ đợi hiệp định này có hiệu lực, tạo đột phá trong phát triển dệt may vào thị trường châu Âu, bởi đây là thị trường truyền thống với mức tăng trưởng duy trì đều đặn, giá trị gia tăng cao, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại sản phẩm. Tuy nhiên, để có thể hưởng ưu đãi các doanh nghiệp dệt may phải thực hiện được yêu cầu nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ sản phẩm. Theo đó, hàng dệt may khi xuất khẩu vào EU phải sử dụng vải sản xuất tại Việt Nam, cắt may doanh nghiệp Việt hoặc các nước khu vực châu Âu.

Với CPTPP, Hiệp định này áp dụng nguyên tắc cả ba công đoạn gồm tạo xơ, xe sợi; dệt và hoàn thiện vải; cắt may đều phải thực hiện ở các nước thành viên trong CPTPP. Điều này đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam phải xây dựng được chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu trong nước để chủ động được nguồn nguyên liệu. Chủ tịch VITAS cho biết, đây là vấn đề lớn mà ngành dệt may cùng với Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương đang nỗ lực để giải quyết.

Cùng với đó, ngành dệt may đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn trên thế giới. Hàng loạt các doanh nghiệp sản xuất đã áp dụng khoa học, công nghệ nhằm xanh hóa ngành dệt may, đầu tư công nghệ tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường như: đầu tư sử dụng năng lượng mặt trời, áp dụng công nghệ nhuộm không dùng nước… Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, đặc biệt là nguồn lực quản trị và thiết kế để phát triển mẫu mã, chủ động thị trường.

VITAS đặt mục tiêu đến năm 2030, dệt may Việt Nam đạt con số xuất khẩu 59 – 60 tỷ USD; giai đoạn 2035 – 2040 xuất khẩu 85 – 90 tỷ USD, với 15 – 20% sản phẩm trong tổng xuất khẩu là nhãn hiệu, thương hiệu của Việt Nam.

 


[ad_2]