Ngành dệt may giải bài toán nguồn gốc xuất xứ

[ad_1]


Cơ hội lớn cho tăng trưởng dệt may 


EU là thị trường có quy mô lớn nhất về nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may, với quy mô nhập khẩu hàng dệt may hằng năm hơn 250 tỷ USD. Năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU đạt 4,3 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm trước. Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào thị trường này mới chỉ chiếm khoảng 2%. Như vậy, dư địa để ngành dệt may gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU sau khi EVFTA có hiệu lực được các doanh nghiệp đánh giá là rất triển vọng. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có hiệp định.


Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, theo cam kết trong EVFTA, hàng dệt may Việt Nam vào EU sẽ được giảm ngay về 0% khoảng 42,5% số dòng thuế, còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5-7 năm. Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực tập trung vào nguyên liệu và sản phẩm may mặc, như: Đồ lót, áo choàng tắm, quần áo ngủ, mặc trong nhà, đồ bơi, khăn tay, khăn choàng và cavat (trừ loại tơ tằm), găng tay, quần tất, quần áo trẻ em, áo blouse hoặc sơ mi dệt kim dành cho nữ hoặc trẻ em gái… “Như vậy, với EVFTA, hàng dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh về giá hơn hàng của Trung Quốc; cạnh tranh ngang bằng về giá với các nước đang được hưởng thuế 0% như Campuchia, Bangladesh… nhưng có lợi thế hơn các nước này về tay nghề cao, chất lượng bảo đảm”, ông Trần Thanh Hải cho biết. 


Nhập khẩu nguyên liệu từ nước có FTA với EU


EU mở ra cơ hội lớn cho ngành dệt may nhưng tận dụng được các cơ hội này không dễ. Theo cam kết tại EVFTA, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí khắt khe về chất lượng, để hưởng lợi ích về thuế suất, các yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ. Với dệt may, quy tắc xuất xứ là “từ vải trở đi”, tức vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU. Đây là thách thức không nhỏ của ngành do hiện nay phần lớn nguyên phụ liệu của Việt Nam đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của EVFTA và cũng không phải là quốc gia đã có FTA với EU.


Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu không tập trung đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ thì câu chuyện ngành dệt may bỏ lỡ nhiều cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ lặp lại tại EVFTA. Với CPTPP, dệt may cũng được đánh giá là ngành có nhiều lợi thế về ưu đãi thuế quan. Song thực tế, sau một năm thực hiện CPTPP (có hiệu lực từ ngày 14-1-2019), kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may không tăng trưởng như mong đợi. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này đạt 39 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là “quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi” đối với ngành dệt may trong CPTPP hiện nay đã đánh trúng vào điểm nghẽn của ngành. Dệt may Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng nguyên phụ liệu quá lớn, chưa hình thành được các chuỗi cung ứng trong nước cũng như trong khối CPTPP.


Bà Bùi Kim Thùy, nguyên thành viên đoàn đàm phán các FTA của Việt Nam, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tại Việt Nam nhấn mạnh, đáp ứng quy tắc xuất xứ là yêu cầu bắt buộc để hàng hóa hưởng thuế quan ưu đãi. Điểm tựa trước mắt để ngành dệt may giải bài toán thiếu hụt vải và hưởng ưu đãi là sử dụng vải nhập khẩu từ các quốc gia đã có FTA với EU như Hàn Quốc để cắt may tại Việt Nam. Bởi theo quy định của EVFTA, EU cũng cho phép ta được sử dụng vải nhập khẩu từ Hàn Quốc để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang EU và vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi của EVFTA. “Tuy vậy, tỷ lệ nhập khẩu vải từ Hàn Quốc hiện chưa cao. Vì vậy, về lâu dài nếu Việt Nam không đặt ra một chiến lược tổng thể để phát triển dệt may thì vuột mất cơ hội từ thị trường EU khó tính bậc nhất”, bà Bùi Kim Thùy cho hay.


Cần phát triển các khu công nghiệp dệt may theo chuỗi khép kín


Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc không chào đón các dự án dệt nhuộm do lo ngại ảnh hưởng tới môi trường của các địa phương là rào cản lớn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may. Nhưng tới nay công nghệ đã khác, cùng với đó, luật chơi EVFTA rất đề cao việc bảo vệ môi trường và các yếu tố phát triển bền vững. Nếu doanh nghiệp (DN) không đáp ứng điều kiện môi trường thì sẽ không có đơn hàng. Do đó, DN rất cần sự vào cuộc hiệu quả của Nhà nước trong hoạch định chiến lược phát triển các khu công nghiệp theo chuỗi khép kín của ngành dệt may. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ cần có cơ chế chính sách khuyến khích DN đầu tư vào các khâu thượng nguồn, nhất là lĩnh vực dệt nhuộm.


Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, ông Trần Thanh Hải cho rằng, để khai thác tối đa những ưu đãi mà EVFTA mang lại, cả cơ quan quản lý và cộng đồng DN phải cùng vào cuộc. Theo đó, Chính phủ cần phát triển công nghiệp phụ trợ đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu về nguyên phụ liệu để gia tăng hàm lượng nội địa cho hàng hóa xuất khẩu, bảo đảm đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Trước mắt, cần thu hút và cấp phép cho các dự án dệt nhuộm, nhất là các dự án có trình độ thiết bị công nghệ tiên tiến và quy trình xử lý nước thải bảo đảm thân thiện môi trường. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần sự phối hợp của các bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu nội dung của EVFTA, đặc biệt là các cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ, chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của hiệp định, chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang các nguồn nguyên liệu trong nước, từ các nước thành viên EU, các quốc gia đã có FTA với EU.


VŨ DUNG


[ad_2]