Ngành Dệt may: đột phá với Cách mạng công nghiệp 4.0

[ad_1]

(HNM) – Năm 2020 được coi là năm bản lề của ngành bán lẻ thời trang Việt Nam khi thị trường có sự gia nhập của các thương hiệu thời trang quốc tế như Zara, H&M, Mango… Cùng với đó là những lợi thế khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Tận dụng ưu thế đó, kết hợp với những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ tạo bước đột phá cho các doanh nghiệp dệt may thời gian tới.

Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Công ty cổ phần May Đức Giang.

Ngành Dệt may có 3 lĩnh vực chính là sợi – dệt nhuộm – may mặc. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ của ngành, đặc biệt trong lĩnh vực sợi, dệt nhuộm với việc ứng dụng tự động hóa cũng như ứng dụng công nghệ thông tin. Quá trình này đã nâng cao về năng suất, tốc độ cũng như giảm số người lao động cho doanh nghiệp. Đề cập đến vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2019 các doanh nghiệp sản xuất được trên 2,5 triệu tấn sợi, trong đó xuất khẩu hơn 1,5 triệu tấn với trị giá xuất khẩu trên 4 tỷ USD; sản lượng vải cũng tăng 6 lần và xuất khẩu được 2,1 tỷ USD.

Rõ ràng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo sự thay đổi mạnh mẽ về quan niệm cũng như phương thức sản xuất của doanh nghiệp dệt may trong nước. Với việc áp dụng tự động hóa, sử dụng robot và các dữ liệu lớn, khả năng tăng năng suất sẽ trở thành cấp số nhân. Có thể thấy rõ điều này tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (thành phố Thái Bình) khi đơn vị đã ứng dụng dữ liệu lớn trong quản lý sản xuất, điều hành doanh nghiệp. Nhờ đó, công suất 3 nhà máy sản xuất sợi của doanh nghiệp đã tăng gấp 2 lần, đạt sản lượng 17.000 tấn/năm.

Còn Tổng công ty May 10-CTCP cũng ứng dụng phần mềm quản lý kinh doanh trực tuyến – DIP BMS.NET. Đây là một hệ thống quy trình quản lý khép kín, có sự phân quyền chi tiết đến từng chi nhánh, phòng, ban… giúp Tổng công ty có thể quản lý, kiểm soát tốt các giao dịch của chuỗi đại lý phân phối từ khâu mua hàng, bán hàng, đến kho, quỹ một cách tổng thể và hiệu quả. 

Cùng với Tổng công ty May 10-CTCP, hàng loạt doanh nghiệp thành viên khác của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất như: Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè… Ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, nếu không nhanh chóng chuyển đổi, tập đoàn đã không đạt tốc độ tăng trưởng tốt trong những năm gần đây. “Ứng dụng công nghệ vào sản xuất không chỉ giúp công nhân có việc làm ổn định, thu nhập cao hơn, mà lợi nhuận của tập đoàn có thể tăng gấp đôi”, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Như vây, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành xu hướng tất yếu, tuy nhiên, việc đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất vẫn còn những khó khăn, nhất là thiếu trầm trọng nguồn nhân lực để vận hành các thiết bị đó. Đề cập đến vấn đề này, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn cho rằng, con người vẫn là yếu tố then chốt, đặc biệt là đội ngũ cán bộ kỹ thuật vận hành máy móc. Với vai trò nòng cốt của ngành, thời gian qua Vinatex đã huy động nhiều nguồn lực cho công tác đào tạo nhân lực.

Về mặt vĩ mô, Tập đoàn đã được Chính phủ chấp thuận nâng cấp Trường Cao đẳng Dệt may Hà Nội lên Đại học Dệt may Hà Nội. Đây là một trong những kênh đào tạo nhân lực chính thống và chất lượng cho ngành Dệt may. Còn với những lao động trực tiếp vận hành máy móc, Tập đoàn cũng phối hợp với các doanh nghiệp thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn để người lao động dần vận hành được những thiết bị hiện đại…

Với những bước đi cụ thể của doanh nghiệp, cùng với định hướng chiến lược dài hạn của cơ quan quản lý, tin rằng ngành Dệt may sẽ bứt phá và phát triển bền vững.

[ad_2]