[ad_1]
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 12 FTA có hiệu lực, 1 FTA đợi phê chuẩn và đang đàm phán 3 FTA khác. Việc ký kết các FTA cả song phương và đa phương đã đem lại cho ngành dệt may những cơ hội cạnh tranh xuất khẩu rất lớn.
Đặc biệt, với FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa thông qua, được hy vọng là “cánh cửa thần kỳ” cho xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng tốc. Hiện mỗi năm, thị trường EU tiêu thụ khoảng 250 tỷ USD các sản phẩm may mặc và đang là thị trường xuất khẩu chính của DN dệt may Việt Nam. Thế nhưng, DN Việt mới lấp kín khoảng 3% thị phần, có nghĩa dư địa xuất khẩu vào EU đối với DN dệt may rất lớn.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện trên lý thuyết. Việc DN xuất khẩu dệt may có tận dụng được lợi thế từ các FTA và tận dụng được đến đâu mới là vấn đề quan trọng. Báo cáo về “Dệt may Việt Nam: Tác động của Covid-19 và xa hơn nữa” của Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS) Học viện Nông nghiệp Việt Nam công bố mới đây, cho thấy một thực tế đáng lo ngại là ngành dệt may Việt Nam không có chuỗi cung ứng đầy đủ nên rất khó tận dụng lợi thế của các FTA nói chung và EVFTA nói riêng, cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực trước đó.
Thực tế từ nhiều năm qua, hình thức xuất khẩu chủ yếu của ngành dệt may vẫn là gia công xuất khẩu. Khi xuất khẩu, toàn bộ nguyên liệu, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm đều do nước ngoài cung cấp. Nói cách khác, với hình thức này DN dệt may Việt Nam chỉ đơn thuần “làm thuê” cho DN nước ngoài, nên ít cơ hội và điều kiện để tự phát triển đi lên. Vì vậy, ngành dệt may buộc phải hướng đến mục tiêu gia tăng tỷ lệ hàng xuất khẩu trực tiếp để có thể thu được giá trị xuất khẩu cao, bù đắp cho chi phí đầu tư. Song, ngay trong cơ cấu xuất khẩu, giá trị lợi nhuận thực tế đem lại cho DN dệt may không nhiều. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là may mặc theo hình thức gia công CMT (cut – make – trim). Đây là phương thức đơn giản nhất của ngành may mặc, mang lại giá trị gia tăng thấp nhất.
Thực ra trong cơ cấu xuất khẩu của dệt may với hàng chục tỷ USD, nhưng lợi nhuận thực của DN dệt may trong nước không cao, vì lợi nhuận xuất khẩu DN FDI có thể sẽ chuyển về nước họ. Kết quả khảo sát mới đây cho thấy DN dệt may Việt Nam hiện hoạt động thiếu bền vững. Tỷ lệ DN kinh doanh có lãi trong 3 năm liên tiếp rất thấp chỉ khoảng 10%, trong khi hơn 90% DN kinh doanh không ổn định về lợi nhuận.
Ngành dệt dù là ngành “xương sống” của dệt may nhưng lại không thu hút được vốn FDI đầu tư, bởi nó đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, chi cho công nghệ cao và phức tạp. Vốn bình quân của 1 DN dệt thường lớn gấp đôi DN may mặc. Ngoài ra, chi phí đào tạo nhân lực của ngành dệt cũng lớn hơn ngành may mặc nhiều lần. Cụ thể, chi phí đầu tư đào tạo cho 1 công nhân ngành may khoảng 3.000USD, trong khi 1 công nhân ngành dệt chi 200.000USD (gấp gần 70 lần).
Hiện tại, trở ngại lớn khiến ngành dệt không thể phát triển do thiếu quy hoạch có định hướng. Các khâu dệt và nhuộm rất yếu, trong khi các địa phương không mặn mà với dự án dệt, nhuộm vì lo ngại vấn đề môi trường. Nhiều dự án lớn về dệt, nhuộm cũng đang bị ách tắc từ khâu này. Cùng với đó, phần lớn dự án có vốn FDI ngành dệt may chỉ đầu tư vào lĩnh vực sợi, may và phụ liệu, lĩnh vực dệt, nhuộm chỉ chiếm 8,3% tổng số vốn FDI đầu tư vào ngành dệt may.
Và chỉ khi ngành dệt phát triển tương xứng với ngành may mặc, mới đẩy ngành dệt may phát triển về chất, thoát cảnh gia công và tăng giá trị xuất khẩu. Muốn tính đến câu chuyện dài hơi dứt khoát phải xóa sự mất cân đối nghiêm trọng này.
[ad_2]