Cơ hội nâng tầm cho nền kinh tế
TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI từng ví von một cô thợ may ở Hội An hoàn toàn có thể may quần áo rồi chuyển tới châu Âu hay một anh chàng trồng cà phê ở Tây Nguyên hoàn toàn có thể bán cho một người ở bên Pháp. Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực cũng chính là cơ hội đã rộng mở, không chỉ cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn cho toàn xã hội. Thế nhưng, chất lượng và những yêu cầu từ thị trường khó tính này cũng một phần nào gây khó cho các sản phẩm Made in Viet Nam khi muốn tiến vào thị trường EU.
Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của thị trường trên toàn thế giới đã và đang tiệm cận đến những tiêu chuẩn khắt khe hơn. Ngay tại Trung Quốc, vốn được xem là thị trường dễ tính không chỉ riêng với hàng hoá Việt Nam mà là cả thế giới, nhưng gần đây đã yêu cầu chứng nhận xuất xứ nguồn gốc.
Động thái này được ví như “đèn xi nhan” báo cho toàn thế giới biết, Trung Quốc đã “nâng cấp” tiêu chuẩn và buộc những mặt hàng của Việt Nam muốn thông quan phải tự “căn chỉnh” mình để đáp ứng yêu cầu của đối tác.
Để hàng dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA yêu cầu vải phải được dệt tại Việt Nam hoặc EU và cắt may tại Việt Nam.
Thế nhưng những tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc chưa là gì so với thị trường EU, bởi khi đặt chân lên thị trường 500 triệu dân này thì những tiêu chí đó còn khắt khe hơn gấp bội.
Bởi lẽ, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa, thị trường EU còn “xét nét” cả quá trình sản xuất hàng hóa có… nhân văn hay không. Tức là trong quá trình sản xuất phải bảo vệ quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường.
Nếu để thị trường 500 triệu dân này phát hiện hàng nhập khẩu đó tiếp tay cho sự không nhân văn, hủy diệt tài nguyên thì họ sẽ tẩy chay và khi đó hậu quả sẽ không lường trước được. Vì vậy, đây là sân chơi buộc cả chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam phải chơi rất chuyên nghiệp, nhân văn và minh bạch.
Theo các chuyên gia, Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội “đổi đời”, đầu tiên là Việt Nam được “đồng hóa” tiêu chuẩn với thị trường EU – vốn là một đối tác dẫn dắt thế giới và khó tính. Chưa kể, nếu chúng ta đáp ứng được những tiêu chuẩn của thị trường này yêu cầu thì không chỉ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng mà ngay cả người dân cũng “bội thu”.
Không dừng lại ở đó, trong tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam còn xác định phải lọt vào 20 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới, tức là phải vươn tới chuẩn của OECD… Như vậy, bắt tay với EU, Việt Nam sẽ có cơ hội để hiện thực hóa ước vọng của dân tộc.
Với góc nhìn của một nhà cố vấn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, không chỉ xuất khẩu mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được nhập khẩu nhiều dòng máy móc, thiết bị tốt hơn. Liên minh EU gồm những quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới với mức độ đầu tư công nghệ cao rất lớn.
Trong khi đó, Việt Nam thì đang khát khao phát triển theo công nghệ 4.0. Do đó, thị trường này vừa là nguồn cũng cấp cũng như là bạn hàng đầu tư lớn cho lĩnh vực này. “Nhập khẩu những sản phẩm công nghệ tiên tiến như vậy nó mới nâng được tầm của kinh tế Việt Nam lên và làm cho nền tảng kinh tế chúng ta tốt hơn, làm tăng nội lực cho Việt Nam”, bà Lan phân tích.
Muốn “đi xa” phải “khỏe”
Nhiều chuyên gia nhận định, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm điện tử, thủy sản và dệt may sẽ hưởng lợi lớn nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu.
Nhiều mặt hàng nông sản dù đặt chân xuống “xứ người”, vẫn phải ngậm ngùi quay về vì cả lô hàng chẳng may dính một vài sản phẩm vượt ngưỡng dư lượng bảo vệ thực vật cho phép. Ảnh: Sinh Vũ
Ngành may Việt Nam muốn được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA thì Chính phủ phải có kế hoạch đầu tư vào ngành dệt, nhuộm, hoàn tất để từng bước thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Thế nhưng, tại một Diễn đàn doanh nghiệp mới đây, đại diện ngành Dệt may – một ngành được kỳ vọng sẽ hưởng lợi “trọn gói” khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP May Hưng Yên cho biết, Hiệp định EVFTA tuy có hiệu lực từ tháng 8/2020 nhưng ngành Dệt may Việt Nam chưa được hưởng lợi ngay từ Hiệp định này.
Thậm chí có một số dòng sản phẩm còn bị tăng thuế cao hơn mức thuế hiện tại, rồi sau đó mới giảm. Còn hầu hết các dòng sản phẩm đều cần đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải mới được hưởng thuế ưu đãi, trong khi đó nguồn nguyên liệu dùng cho may xuất khẩu chủ yếu nhập từ… Trung Quốc. Theo đó, hiện Trung Quốc đang là thị trường cung cấp nguyên liệu cho ngành may Việt Nam với số lượng, chất lượng, giá cả cạnh tranh nhất.
Trong điều khoản về quy tắc xuất xứ, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc có thể được chấp nhận, nhưng lại không khả thi vì giá vải của Hàn Quốc cao hơn Trung Quốc khá nhiều. Với mức thuế được giảm trong 3 năm đầu khi vào thị trường EU không đủ bù cho phần chênh lệch về giá vải giữa 2 thị trường này. Vì thế vấn đề tăng lượng vải nhập khẩu từ Hàn Quốc về Việt Nam để xuất khẩu vào châu Âu là không nhiều. Thậm chí, rất hiếm các doanh nghiệp thực hiện.
Theo ông Dương, May Hưng Yên đang có tỷ lệ xuất khẩu vào châu Âu khoảng 20% tổng kim ngạch hằng năm (khoảng 15 triệu USD). Sau hiệp định EVFTA cũng khó có thể tăng được tỷ lệ này vì sức mua thị trường EU đã được dự báo là giảm khá sâu. Do đó, doanh nghiệp “đi xa” hơn thì trước tiên “phải khỏe”, vì vậy trước mắt cần vực dậy thị trường nội địa. Nội lực khỏe thì mới có thể vươn ra cạnh tranh với thị trường quốc tế.
Để giải quyết thực trạng này, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, việc thúc đẩy cơ chế xây dựng các Khu công nghiệp Dệt may có xử lý nước thải hiện đại, để chu trình dệt – nhuộm – may hoàn tất được kỳ vọng sẽ đóng góp vào nguồn cung toàn cầu và giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu. Giải được bài toán nguyên liệu thì doanh nghiệp Dệt may Việt Nam mới tận dụng được tối đa ưu đãi từ EVFTA và những Hiệp định Thương mại khác.
Tình huống “trớ trêu” của ngành Dệt may chỉ là một ví dụ đơn cử trong vô vàn doanh nghiệp Việt Nam đang trong tâm thế “bị động” ở cuộc chơi EVFTA.
Chẳng hạn như Gạch Thạch Bàn vốn là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 3 trên thế giới nhưng hiện giờ rào cản mà họ đang gặp phải là hạ tầng để chuyển đổi số. Hay như nông sản dù dặt chân xuống “xứ người” rồi vẫn phải ngậm ngùi quay về vì cả lô hàng chẳng may dính một vài sản phẩm vượt ngưỡng dư lượng bảo vệ thực vật cho phép.
Hiến kế “phá băng” những rào cản này, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, thay vì mất ăn mất ngủ “bám càng” EVFTA, tại sao doanh nghiệp Việt Nam không quan tâm đến thị trường nội địa hơn. Nếu chúng ta chú trọng phục vụ thị trường nội địa một cách đàng hoàng và chuyên nghiệp thì không cần mang chuông vẫn gõ vang xứ người.
Đó là cách đổi thay từ trứng nước thì câu chuyện hóa rồng cho doanh nghiệp Việt Nam cũng không quá xa xôi, nhất là Hiệp định EVFTA như một “bàn đạp” đưa Made in Viet Nam chinh phục thị trường EU.
Đại diện một doanh nghiệp Dệt may cho biết, nguyên tắc để hàng dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA yêu cầu vải phải được dệt tại Việt Nam hoặc EU và cắt may tại Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất chưa minh bạch được vấn đề về vùng nguyên liệu – Vấn đề này chính là “tử huyệt” không chỉ riêng ngành Dệt may Việt Nam mà còn là “đại họa” nếu doanh nghiệp không tuân thủ luật chơi khi tham gia Hiệp định EVFTA.
Ngọc An