[ad_1]
(HNM) – Nằm bên tuyến đường Vành đai 2 trên cao đang dần thành hình, gần đầu cầu Vĩnh Tuy, Khu đô thị Time City hiện đại và rợp bóng cây xanh bốn mùa. Đó là một trong những khu đô thị tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội đầu thế kỷ XXI. Cư dân ở đây, nhất là thế hệ trẻ không phải ai cũng biết khu đô thị này được xây dựng trên khu đất cũ của Nhà máy Dệt 8-3, cái tên thân thương đã ăn sâu vào ký ức của nhiều người Hà Nội.
Lá cờ đầu của ngành công nghiệp nhẹ
Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng người cao niên ở làng Vĩnh Tuy, Mơ Táo, Mai Động vẫn nhớ, những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, người làng và dân các tỉnh miền Bắc nô nức vào công trường xây dựng Nhà máy Dệt 8-3. Tiếng búa, tiếng máy rền vang. Các phân xưởng dệt, sợi, thoi suốt, cơ khí, nhuộm được xây dựng liên hoàn theo sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài. Nhà trẻ “liên tuần” cũng được xây dựng trong khuôn viên nhà máy để ưu tiên cho những công nhân có hoàn cảnh neo đơn có thể gửi con nửa tháng hoặc cả tháng mới đón về. Sát tường là trạm xá chăm lo sức khỏe cho công nhân. Một mô hình sản xuất, chăm sóc công nhân thật hoàn hảo đã tăng thêm niềm tin của nhân dân Thủ đô đang náo nức thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất…
Đã ngoại bát tuần nhưng bà Nguyễn Thị Minh Liên (Khu đô thị Time City) vẫn nhớ như in cái ngày 8-3-1965, khi Bác Hồ về thăm khu tập thể 8-3 rồi sang nhà máy trò chuyện với cán bộ, công nhân. Bà Liên bồi hồi nhớ lại: “Bác đến phân xưởng dệt, sợi và cả bếp ăn. Công nhân đứng quanh Bác ai cũng kiễng chân để nhìn cho rõ, nghe cho hết lời Bác dạy. Người nhắc nhở: Nhà máy Dệt 8-3 ra đời là thành quả đổi bằng mồ hôi, xương máu của bao chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do, lại được mang tên Ngày Quốc tế phụ nữ, vì vậy mỗi cán bộ, công nhân, viên chức nhà máy phải làm việc hết sức mình để xứng với niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao đó”.
Khắc ghi lời Người dạy, công nhân nhà máy vừa sản xuất, vừa chiến đấu, xứng đáng là lá cờ đầu của ngành công nghiệp nhẹ miền Bắc.
Năm 1965, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan rộng. Nhà máy phải sơ tán đến 4 địa điểm ở huyện Từ Liêm. Cán bộ, công nhân khẩn trương lắp đặt máy móc, thiết bị rồi tiếp tục sản xuất với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai’, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Bà Liên khi ấy làm ở phân xưởng dệt, là một trong những “kiện tướng” của ngành Dệt thời ấy. Bà kể: Mỗi công nhân thường đứng 8 máy. Lúc vắng thợ, một người phải đứng tới 24 máy. Đến giờ bà Liên vẫn còn nhớ cảm giác khi hàng trăm chiếc máy dệt reo vang, hòa nhịp trong tiếng thoi, những người thợ thoăn thoắt đi quanh khu máy, lúc nối sợi, lúc thay thoi, động tác thật nhịp nhàng. Từ đôi tay thợ dệt, dòng vải trắng ngà chảy xuống trục máy, thành cuộn vải tròn rồi chuyển sang phân xưởng nhuộm, nơi có những họa sĩ chuyên sáng tác mẫu hoa mới cho thợ in hoa.
Vừa bám trụ sản xuất, vừa chi viện chiến trường
Những năm tháng “Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ”, cán bộ, công nhân nhà máy vừa bám trụ sản xuất, vừa chi viện cho chiến trường. Vải “8-3” đi khắp các tỉnh, thành phố miền Bắc, đủ các loại: Phin hoa, xanh chéo, pôpơlin, láng, kaki, gabađin… bày bán ở cửa hàng bách hóa. Riêng vải phục vụ quốc phòng phải dệt riêng để nhuộm màu xanh Tô Châu cho các nhà máy hậu cần may quân phục, võng… Đặc biệt, hồi ấy nhà máy còn nhận lệnh sản xuất dây thừng, dây chão cho “đoàn tàu không số”.
Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lực lượng tự vệ “sao vuông” của Nhà máy Dệt 8-3 (có lúc tổ chức lên đến một tiểu đoàn) đã bám trụ tại trận địa pháo 12 ly 7 và 14 ly 5 trên nóc nhà máy, lập nhiều chiến công: Ngày 10-12-1967 bắn rơi 1 máy bay phản lực, ngày 13-3-1968 “vít cổ” 1 máy bay không người lái…
Tháng 7-1972, máy bay Mỹ dội bom trúng nhà A5, A6 khu tập thể 8-3, giết hại 9 người và làm bị thương hàng chục người. Đau thương, tang tóc không làm nhụt ý chí người thợ dệt. Trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm tháng 12-1972, tự vệ Nhà máy Dệt 8-3 đã phối hợp với tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Xay Lương Yên, Nhà máy Kẹo Hải Châu, trận địa Vân Đồn đan lưới lửa phía Nam thành phố, bắn rơi 1 chiếc F4… Ngày 28-12, máy bay Mỹ dội bão lửa xuống nhà máy. Phân xưởng sợi, dệt, nhuộm bị trúng bom, lửa khói bốc ngùn ngụt, đen kịt một góc trời thành phố. Với ý chí kiên cường của những người thợ dệt, chỉ sau 3 ngày, dây chuyền sản xuất đã nhanh chóng được khôi phục.
Trong tấm ảnh đại đội tự vệ Nhà máy Dệt 8-3 bà Liên còn lưu giữ có người chồng của bà. Ngày 27-7-1967, gần 100 chiến sĩ đại đội tự vệ Nhà máy Dệt 8-3, trong đó có chồng bà Liên – Bí thư Chi đoàn Phân xưởng Dệt Phạm Đình Thám – được bổ sung quân số cho chiến trường miền Nam. Sau ngày toàn thắng, chỉ chưa đầy 1 tiểu đội trở về, phần lớn là thương binh. Máu của những người thợ dệt đã thấm vào đất mẹ trên khắp các chiến trường. Chồng bà Liên cũng vĩnh viễn nằm lại với mảnh đất Long An…
Những năm tháng đất nước bị “bao vây cấm vận”, nguyên vật liệu cho nhà máy ngày càng khan hiếm. Nhưng những người công nhân Dệt 8-3 vốn được tôi rèn ý chí trong bom đạn khốc liệt đã tìm cách vượt khó, bảo đảm năng suất, chất lượng, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số nước bạn. Có những lúc phải ăn bo bo thay gạo nhưng thợ dệt 8-3 vẫn bám máy đủ 3 ca, còn làm thêm “kế hoạch 3”. Dù khi thị trường đã xuất hiện nhiều loại vải nhập ngoại thì vải “8-3” vẫn được nhiều người Hà Nội và cả nước tín nhiệm.
Những năm cuối thế kỷ XX, Nhà máy Dệt 8-3 chuyển đổi mô hình thành Công ty TNHH một thành viên Dệt 8-3, thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Một thời kỳ mới bắt đầu với công nghệ mới, để tiếp tục sản xuất và kinh doanh, đáp ứng thị trường trong nước, quốc tế. Và để phục vụ yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội, khoảng chục năm trước, Công ty TNHH một thành viên Dệt 8-3 đã chuyển địa điểm sản xuất sang tỉnh bạn, nhường khu đất hàng chục héc ta mang đậm dấu ấn lịch sử của “một thời đạn bom, một thời hòa bình” cho một khu đô thị mới khang trang, hiện đại mọc lên.
Năm 2010, thành phố Hà Nội đã quyết định đặt tên phố “8-3” cho con đường nhỏ dài khoảng 500m, chạy từ bờ Tây sông Kim Ngưu đến đường Quỳnh Mai (thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng), nơi có khu tập thể của những người thợ dệt, để lưu giữ, nhắc nhở những ký ức hào hùng về Nhà máy Dệt 8-3 và những con người đã góp phần viết nên một trang sử vàng của Thủ đô Hà Nội.