Chiều ngày 07/04/2017 tại Trung tâm Hội chợ – Triển lãm Sài Gòn (SECC) TP. HCM, Hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM (AGTEK) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Chiến lược Đại dương xanh trong ngành dệt may”.
Đây là một trong các hoạt động bên lề Triển lãm SAIGONTEX 2017. Tham dự Hội thảo có Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch AGTEK, Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK VITAS, Lãnh đạo và đại diện các doanh nghiệp dệt may, viện nghiên cứu, trường đào tạo khu vực phía Nam, đại điện các công ty nước ngoài và Việt Nam có trưng bày sản phẩm và công nghệ tại Triển lãm.
Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch AGTEK phát biểu khai mạc
Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch AGTEK cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, chúng ta cần có chiến lược phù hợp để có thể tìm ra thị trường mới mà không có cạnh tranh, để có thể tồn tại và phát triển bền vững. Chúng ta cần những chiến lược như vậy. Tại hội thảo này, chúng ta sẽ cùng lắng nghe ý kiến các chuyên gia cũng như trao đổi, chia sẻ về Chiến lược Đại dương xanh (Blue Ocean Strategy – BOS) và các phương thức áp dụng trong mỗi doanh nghiệp.
Trong bài thuyết trình tại hội thảo, GS Pete Ooi – chủ tịch Học viện Lãnh đạo Toàn cầu Malaysia đã trình bày tóm tắt về Chiến lược phát triển bền vững và Chiến lược đại dương xanh. Về Chiến lược phát triển bền vững, GS Pete Ooi cho biết, đó là tư duy phát triển thời đại đã được hầu hết các quốc gia và doanh nghiệp lớn trên thế giới ủng hộ, nhằm chống lại những tổn hại nghiêm trọng về xã hội và môi trường trong quá trình phát triển công nghiệp và đô thị hiện nay. Chiến lược Đại dương xanh là Chiến lược tạo dựng thị trường mới không có cạnh tranh. Chiến lược này do GS Chan Kim và GS Renee Mauborgnem phát kiến từ thực tiễn của 150 doanh nghiệp thuộc 30 ngành công nghiệp khác nhau. Các doanh nghiệp này đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự thành công trong việc xây dựng thị thị trường mới không cạnh tranh. Năm 2011, BOS đã được bầu chọn trong “Top 50 tư tưởng vĩ đại toàn cầu”.
Khác với Đại dương đỏ – là thị trường thông thường, truyền thống, đã và đang bị lấp đầy bởi các đối thủ cạnh tranh và được khai thác triệt để, Đại dương xanh là những khoảng trống thị trường chưa được khai phá, đầy giá trị tiềm năng, còn vô số cơ hội phát triển hứa hẹn lợi nhuận cao. Trong mô hình đại dương này, sự cạnh tranh là chưa cần thiết, bởi luật chơi chưa được thiết lập. GS Pete Ooi đã phân tích các nguyên lý cơ bản của Chiến lược Đại dương xanh. Đó là: Vẽ lại những biên giới thị trường; Tập trung vào tổng thể khi hoạch định chiến lược; Không sa đà vào chi tiết; Vươn ra ngoài nhu cầu tồn tại; Thực hiện chiến lược đúng theo trình tự; Vượt qua những trở ngại của tổ chức và Thực thi hóa chiến lược. GS Pete Ooi nhấn mạnh, Chiến lược đại dương xanh sau khi đã được thực hiện sẽ tạo ra những rào cản đối với các doanh nghiệp khác. Tuy vậy, cuối cùng thì nó cũng bị các công ty khác bắt chước. Khi đối thủ cạnh tranh càng nhiều, đường giá trị của đối thủ gần giống như đường giá trị của doanh nghiệp, thì lúc đó đại dương xanh đã trở thành đại dương đỏ. Đó là lúc doanh nghiệp phải bắt đầu xây dựng một chiến lược đại dương xanh khác cho mình.
Tại hội thảo, các đại biểu và chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế, cũng như cùng nhau trao đổi về những khó khăn, thuận lợi và các giải pháp để doanh nghiệp xây dựng và triển khai Chiến lược đại dương xanh nhằm thích ứng với những thay đổi trên thị trường toàn cầu cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời khai thác tận dụng những lợi thế, cơ hội, vượt qua những khó khăn trở ngại trong giai đoạn hiện nay để góp phần vào sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp cũng như ngành dệt may Việt Nam.
Được biết, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang tổ chức các khóa đào tạo về Chiến lược Đại dương xanh và Phát triển bền vững với giảng viên là TS Ravi Fernado – GĐĐH Viện Chiến lược Đại dương xanh Malaysia và GS, TS Pete Ooi – chủ tịch Học viện Lãnh đạo Toàn cầu Malaysia. Mục tiêu của khóa đào tạo nhằm trang bị kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành để vận dụng Chiến lược Đại dương xanh và Chiến lược phát triển bền vững trong việc xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp.
Nguồn: Agtek