Hỗ trợ dệt may hậu COVID-19: “Khoảng cách mênh mông” giữa chính sách và thụ hưởng

[ad_1]

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về những khó khăn đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, 100% doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng bởi đại dịch này. 

Doanh nghiệp

VITAS dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của ngành dệt may chỉ đạt mức 34 tỷ USD.

“Sấm chớp kêu to, mưa thì nhỏ giọt”

Qua khảo sát của VITAS, 5 tháng đầu năm, tăng trưởng của doanh nghiệp dệt may -15,5%, trong khi đó, mức tăng bình quân mỗi năm trước đó là 9-10%. Nói như vậy để thấy, ngành top đầu của xuất khẩu Việt Nam-ngành dệt may đã chịu tác động tới 25%.

“Mức độ ảnh hưởng lớn do thiếu nguyên vật liệu trong 3 tháng đầu năm, mức độ tác động lớn hơn nữa ở tháng 4 và tháng 5 do nhu cầu của các thị trường lớn sụt giảm, giãn hoãn đơn hàng hay chậm hoặc không thanh toán xảy ra. Trong đó, tăng trưởng tháng 4 giảm khoảng 20% và tháng 5 giảm tới 36% so với cùng kỳ năm 2019”, Phó Chủ tịch VITAS chia sẻ.

Đồng thời, ông Trương Văn Cẩm nhận định, tình hình này có khả năng khiến kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của cả ngành dệt may chỉ đạt mức 34 tỷ USD, trong khi đó con số này của năm 2019 là 39 tỷ USD.

Để chia sẻ khó khăn này với các doanh nghiệp, nhiều gói hỗ trợ đã ra đời, song song với các chính sách hỗ trợ chung, một số bộ ngành cũng đề xuất các chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp dệt may vượt khó, tập trung vào cả chính sách tài khóa và tiền tệ, hướng đến cả doanh nghiệp và người lao động như giảm thuế suất nhập khẩu; tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiếm thất nghiệp tập trung vào; gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; Gia hạn và miễn, giảm tiền thuê đất, phí hạ tầng khu công nghiệp…

Điều đáng nói, mặc dù ban hành nhiều biện pháp nhưng các chính sách này chưa có hiệu quả thực chất. Theo kết quả báo cáo “Dệt may Việt Nam: Tác động của dịch COVID-19 và xa hơn nữa” do nhóm nghiên cứu Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện, số liệu điều tra từ ngày 10 đến 20/4/2020 đối với 3.143 doanh nghiệp dệt may cho thấy quá ít doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.

Đồng thời, giữa việc ban hành chính sách và tiếp cận chính sách là một khoảng cách mênh mông về thời gian và quy trình chứ không phải là thiếu thông tin. Nói cách khác, tình trạng “sấm chớp kêu to, mưa thì nhỏ giọt” vẫn hay xảy ra mỗi khi có khủng hoảng.

Cụ thể, chỉ có 113 doanh nghiệp, chiếm 3,6% tổng số doanh nghiệp khảo sát, đã tiếp nhận được chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dệt may nhà nước được hỗ trợ là 8,6% tổng số doanh nghiệp nhà nước; tỷ lệ tương ứng với doanh nghiệp tư nhân là 3,2%. Bên cạnh đó, có tới 59,3% số doanh nghiệp dệt may được khảo sát cho biết họ “đã biết thông tin nhưng chưa biết đầu mối để tiếp cận chính sách”.

Phương châm “ba đúng”

Do đó, để nâng cao hiệu quả, chính sách, nhóm nghiên cứu MCSS đưa ra khuyến nghị, chính sách ban hành cần được xác định phương châm “ba đúng” là đúng chỗ, đúng lúc, đúng cách.

Thứ nhất, đúng chỗ, theo đó đối tượng của các giải pháp này cần được xác định rõ và cần có các mức độ ưu tiên khác nhau. Các chính sách hỗ trợ cần xác định chính sách nào cần hỗ trợ ngay, ngành nào cần hỗ trợ trước. Doanh nghiệp nào cần tập trung hỗ trợ; doanh nghiệp và lao động, nên “cứu” ai trước.

“Nghiên cứu của nhóm MCSS nhận thấy rằng, các doanh nghiệp may mặc trong nước quy mô lớn là những doanh nghiệp có thể cần nhận được các chính sách hỗ trợ đặc thù để từ đó giúp ích cho người lao động”, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc MCSS chia sẻ.

Thứ hai, đúng lúc, đối với cộng đồng kinh doanh, tốc độ và thời gian trong thời điểm ngặt nghèo là yếu tố còn quan trọng hơn cả tài chính. Việc có chính sách nhưng triển khai rất chậm vì quy trình quá dài và không mang tính “phản ứng linh hoạt” cho thấy các bộ ngành vẫn ban hành chính sách bằng “tư duy quy trình”, trong khi cái doanh nghiệp và nền kinh tế cần là một “quy trình bất thường”.

Thứ ba, đúng cách, các chính sách hiện nay cần tính đến tính khả thi, tránh tình trạng có chính sách nhưng khó triển khai hoặc triển khai không đem lại lợi ích.

Lấy ví dụ về yêu cầu này, nhóm nghiên cứu MCSS cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp giảm nhẹ chi phí tài chính, Bộ LĐTB&XH đề xuất tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp nếu doanh nghiệp có trên 50% lao động phải nghỉ việc, giãn việc. Nhưng hoãn đóng bảo hiểm xã hội thì không giảm nhẹ chi phí của doanh nghiệp, còn để hoãn đóng bảo hiểm thất nghiệp thì phải có 50% số lao động mất việc.

“Đó là điều kiện rất khó vì đa phần các doanh nghiệp dệt may đều cố gắng cầm cự giữ lao động để không mất công tuyển dụng lại sau đại dịch. Do đó, trên thực tế, chính sách mà Bộ LĐTB&XH đề xuất không giúp lợi được cho doanh nghiệp”, báo cáo nêu rõ.

Trong khi chi phí cho hai khoản bảo hiểm đó lại quá lớn, nếu có “đột phá về tư duy chính sách” thì sẽ ngay lập tức “bơm máu” được cho doanh nghiệp mà Chính phủ không cần tốn nguồn lực tài chính hạn hẹp.

Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp tương đương 34% quỹ lương và chiếm tới 20% tổng chi phí doanh nghiệp dệt may. Nếu được miễn hoàn toàn hai khoản này đến hết năm 2020 mà không cần ràng buộc về định mức lao động mất việc thì Chính phủ không cần làm gì doanh nghiệp cũng đã tự trang trải được 34% quỹ lương cho công nhân viên. Như vậy thì không chỉ doanh nghiệp được lợi mà người lao động cũng yên tâm làm việc. 

Đánh giá của bạn:


[ad_2]