Giải đáp quy định về CE và FDA giúp doanh nghiệp dệt may chinh phục thị trường EU, Hoa Kỳ

[ad_1]

Đây là khẳng định của Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải tại Hội thảo “Hướng dẫn và giải đáp quy định về CE, FDA” do Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững Việt Nam (IDH) tổ chức ngày 26/5/2020.

Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp dệt may nắm chắc quy định về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường EU, Hoa Kỳ. Đặc biệt là quy trình xin chứng nhận CE (sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường) và FDA (quy định giám sát độ an toàn những sản phẩm thuộc danh mục quản lý lưu hành trên thị trường Hoa Kỳ)… tại thị trường EU và Hoa Kỳ nhằm khai thác tối đa lợi ích từ EVFTA, khi Hiệp định này chính thức có hiệu lực.

Giải đáp quy định về CE, FDA giúp doanh nghiệp dệt may chinh phục thị trường EU và Hoa Kỳ

 

Hội thảo thu hút nhiều đại biểu cùng hàng trăm doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường EU, Hoa Kỳ tham dự. Đây là một trong số nhiều sự kiện liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hiểu về các chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật khi xuất khẩu hàng hóa, nhất là các mặt hàng phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Công Thương tổ chức thời gian vừa qua.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn, trong đó có các doanh nghiệp dệt may. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, các doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, sản xuất khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 4/2020, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu đạt 995 triệu chiếc, kim ngạch 129 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chủ lực là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore… Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng của nước nhập khẩu, đặc biệt là quy trình xin chứng nhận CE và FDA của EU và Hoa Kỳ.

Việc thiếu thông tin về vấn đề này dẫn đến nhiều doanh nghiệp thông qua các tổ chức môi giới để làm chứng nhận, nhưng không đảm bảo được tính xác thực. Trong khi đó, thời gian tới chứng chỉ CE, FDA là điều kiện tiên quyết để sản phẩm phòng dịch của Việt Nam được xuất khẩu vào các thị trường này.

Do vậy ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần quan tâm đáp ứng các tiêu chuẩn, tạo tấm “hộ chiếu” giúp sản phẩm của Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường EU và Hoa Kỳ, tránh tình trạng sản xuất đại trà mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào, sẽ không xuất khẩu được mà còn có thể dư thừa, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp- ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung tham vấn, thảo luận và giải đáp kỹ hơn các thắc mắc của doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến CE, FDA. Trưởng đại diện Tập đoàn EUROFINS tại Hà Nội Dương Phong Hiền đã phân tích, giải đáp những tiêu chuẩn đối với từng loại mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch như: khẩu trang y tế, khẩu trang bảo hộ, khẩu trang vải, bộ phòng dịch… cũng như yêu cầu thử nghiệm tại thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Bà Dương Phong Hiền lưu ý các doanh nghiệp, để được gắn dấu CE cho một sản phẩm, doanh nghiệp phải trải qua 6 bước thực hiện như: xác định các chỉ thị áp dụng và tiêu chuẩn liên quan; xác minh yêu cầu cụ thể của sản phẩm (xác định cấp, đánh giá rủi ro, thiết kế sản phẩm, vật liệu chế tạo); đánh giá sự phù hợp…

Quy trình đăng ký FDA cũng trải qua 5 bước cơ bản: xác định, phân loại sản phẩm; xuất trình tài liệu cần thiết; thiết lập và duy trì hệ thống tuân thủ quy định chất lượng của FDA; đăng ký số DUNS; đăng ký doanh nghiệp; đánh giá…

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia của các tổ chức chứng nhận quốc tế đã giới thiệu chung về CE, FDA, quy trình, thủ tục để lấy chứng nhận CE, FDA; giải đáp những vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình lấy các chứng  nhận này; cũng như phương thức xác thực các đăng ký FDA, chứng nhận CE; các đơn vị, phòng thí nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn pháp lý theo quy định của Hoa Kỳ và Ủy ban Châu Âu.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần sớm hoàn thiện thêm các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm kiểm soát và nâng cao chất lượng các sản phẩm khẩu trang và đồ bảo hộ. Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các sản phẩm dệt may Việt Nam với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Lê Kim Liên


[ad_2]