Edit Content

Products List

Danh mục sản phẩm

“Động lực” để ngành dệt may khởi sắc

Ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 33,5-34 tỷ USD trong năm 2018, tăng 10% so với năm 2017.

Các chuyên gia ngành dệt may dự báo, bước sang năm 2018, ngành dệt may sẽ khởi sắc hơn năm 2017. Tuy vậy, toàn ngành vẫn tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, dẫn đến tổng cầu thế giới về dệt may chỉ tăng 1-2%, thậm chí là không thay đổi.

Mặc dù vậy, ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 33,5-34 tỷ USD trong năm 2018, tăng 10% so với năm 2017. Đây cũng là một thách thức lớn đòi hỏi ngành dệt may phải nỗ lực lớn và có sách lược đúng đắn.

"Động lực" để ngành dệt may khởi sắc

Ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 33,5-34 tỷ USD trong năm 2018. Ảnh: TTXVN

* Xuất khẩu cán đích 

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2017 là năm có nhiều thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam với áp lực của Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị dừng lại cùng với tình hình xuất – nhập khẩu dệt may cuối năm 2016, đầu năm 2017 gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, từ quý II năm 2017 với quyết tâm cao, ngành dệt may Việt Nam đã từng bước ổn định, vượt qua thách thức, đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với cùng kỳ năm 2016.

Mức tăng trưởng xuất khẩu hai con số là kết quả của sự nỗ lực của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong bối cảnh thị trường chung chưa thực sự sáng. Thực tế, so với năm 2016, mặc dù tình hình kinh tế thế giới năm 2017 diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn với sự tăng trưởng kinh tế Mỹ ước đạt hơn 3%, tăng trưởng kinh tế EU ước đạt 2,2%, cao hơn so với dự báo.

Nhưng, tình hình chính trị thế giới bất ổn như căng thẳng giữa Mỹ – Bắc Triều Tiên, đàm phán Brexit giữa Anh và EU vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng phần nào tới tổng cầu dệt may thế giới.

Cụ thể, tổng cầu dệt may thế giới năm 2017 đạt 674,3 tỷ USD, giảm nhẹ 0,85% so với cùng kỳ; trong đó, tổng nhập khẩu dệt may của Mỹ đạt 113,3 tỷ USD, giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ. EU đạt 245,4 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ; Nhật Bản đạt 33,8 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ; Hàn Quốc đạt 14,4 tỷ USD, tăng 4,12% so với cùng kỳ; Nga đạt 9,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ đạt 12,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2016, thị phần tăng từ 10% lên 11%; sang EU đạt 4 tỷ USD, tăng 9,23% so với năm 2016, thị phần tăng từ 1,4% lên 1,6%; sang Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2016, thị phần tăng từ 8,7% lên 9,5%; sang Hàn Quốc đạt gần 3 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2016, thị phần tăng từ 19% lên 20,6%; sang Nga đạt 172 triệu USD, tăng 56% so với năm 2016, thị phần tăng từ 1,3% lên 1,8%.

Nếu so sánh tương quan với các đối thủ cạnh tranh chính về xuất khẩu dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là cao nhất trong nhóm. Để ngành dệt may đạt được kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu như trên, ngoài việc luôn nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất, quản trị doanh nghiệp để tăng hiệu quả kinh doanh, các yếu tố ngoại lực khác cũng ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp dệt may.

"Động lực" để ngành dệt may khởi sắc

Đa dạng hóa các mặt hàng dệt may. Ảnh minh họa TTXVN

* “Cú hích” cho ngành dệt may 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên chia sẻ, với nền tảng vững chắc của năm 2017 cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các doanh nghiệp và chủ trương phát triển công nghiệp phụ trợ của Chính phủ, sẽ là động lực và là cú hích để ngành dệt may phát triển mạnh mẽ hơn.

Về đơn hàng, đối với các doanh nghiệp lớn, số lượng đơn hàng trong năm sẽ tăng lên nhiều, nhưng đơn hàng các mặt hàng có thể bị ép giá. Bởi, hiện nay dệt may trên tất cả các thị trường đều bị giảm giá ở nhiều khu vực thị trường sẽ tác động đến xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong thời gian tới. Đây là điều đáng lo cho các doanh nghiệp vì giá có thể giảm nhưng đầu vào ở Việt Nam như tiền lương và các chi phí khác đều tăng.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may sẽ bị cạnh tranh mạnh bởi chi phí về bảo hiểm, đất đai, thuế… của các quốc gia như Myanmar, Campuchia, Bangladesh có chi phí thấp hơn so với Việt Nam. Trong khi đó, năm 2018 phí bảo hiểm xã hội được tính trên tổng thu nhập sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp tăng đột biến.

Ngoài ra, sản phẩm dệt may phải gánh chịu chi phí vận chuyển, làm thủ tục hành chính, hải quan… cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh. Thị trường xuất khẩu cũng chưa thực sự thuận lợi, xu hướng thời trang nhanh khiến yêu cầu về thời gian giao hàng ngày một ngắn lại, từ 30 – 45 ngày xuống còn 15 ngày tạo áp lực lớn cho nhà sản xuất.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho hay, để đạt được mục tiêu trên các doanh nghiệp dệt may, cần có chiến lược tập trung vào những giải pháp chính như tăng ứng dụng công nghệ, tiếp tục kêu gọi đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết trong hiệp hội.

Đặc biệt, đầu tư phát triển ngành thiết kế, tăng tỉ lệ bán hàng ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất) lên 10% nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu thoát gia công và tăng giá trị gia tăng.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp phải thích ứng với tình hình thị trường, chấp nhận việc chuyển đổi đơn hàng để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp; tăng cường mở rộng thị trường nội địa với đa dạng hóa các mặt hàng để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Đồng thời, ngành cần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi, có lựa chọn, tránh dàn trải.

Đồng thời, không nên bỏ qua thị trường nội địa, phát triển các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, xây dựng thương hiệu mới và các kênh tiêu thụ./.

Nguồn BNEWS/TTXVN