Doanh nghiệp ‘ngóng’ hỗ trợ như ‘hạn hán chờ mưa’

[ad_1]

Năm 2019, ngành da giày đạt kim ngạch xuất khẩu 22 tỷ USD, bước sang 2020, ngành này đặt mục tiêu thu về 24 tỷ USD. Tuy nhiên, đó là viễn cảnh đặt ra khi dịch Covid-19 chưa ập tới, nay thì mọi chuyện dường như đang đưa các doanh nghiệp này sang một ngã rẽ khác…

Doanh nghiệp cầm cự qua ngày

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, dịch Covid-19 khiến tổng cầu ngành da giày thế giới giảm 22%. Hiện nay, nhiều hãng lớn trên thế giới đã giảm 50% đơn hàng, tái cấu trúc lại các quốc gia đang sản xuất gia công cho họ.

nganh-det-may-mong-ho-tro-2208-159418759

 Doanh nghiệp đang rất khó khăn, sống sót qua ngày (Ảnh: TL) 

Ngành da giày Việt Nam cũng chịu tác động tiêu cực này. Theo bà Xuân, DN vẫn đang có một số đơn hàng để cầm sự sống sót qua ngày. Nếu từ giờ đến tháng 10 tới, dịch kết thúc, thị trường được khôi phục, DN da giày có thể sống sót. Tuy nhiên, nếu dịch tiếp tục diễn biến xấu, nhiều DN sẽ khó tồn tại.

“Hiện nay, DN nào giỏi thì cắt giảm 30% nhân công, tệ hại có DN phải cắt giảm tới 70% nhân công. Có thể nói, chúng tôi chỉ cố cầm cự được đến một thời gian nhất định rồi phải chấp nhận buông tay”, bà Xuân nói.

Điều đáng buồn được Tổng Thư ký Lefaso nêu ra, từ khi dịch Covid-19 xảy đến nay, họ đã làm rất nhiều văn bản kiến nghị xin được hỗ trợ. Thực tế, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng… Tuy nhiên, “đa phần DN da giày chưa được tiếp cận được những hỗ trợ trên, phụ thuộc vào nỗ lực tự thân DN là chính”, bà Xuân cho biết.

Với ngành dệt may, tương lai không hề sáng sủa hơn da giày. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phải thốt lên cứ mỗi một tháng qua đi, tăng trưởng âm của ngành này ngày càng lớn lên.

Quý I, ngành dệt may tăng trưởng âm 2%, 4 tháng 2020 tăng trưởng âm 9%, 5 tháng âm 14,68%, 6 tháng âm 16,65%. “Không có chỉ tiêu phát triển nào mà không tăng trưởng âm, có chỉ tiêu âm tới 70%”, ông Cẩm cho biết.

Theo ông, các DN trong ngành dệt may đã áp dụng nhiều giải pháp như tìm nguồn nguyên phụ liệu thay thế thị trường Trung Quốc để hưởng thuế suất ưu đãi từ các FTA, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, liên kết với nhau… Tuy vậy, cộng đồng DN dệt may mong muốn có sự đồng hành hỗ trợ của Nhà nước trong việc giúp đỡ DN vượt qua đại dịch này.

Ông Cẩm chia sẻ: Chính phủ đã ban hành các gói cứu trợ, nhưng do điều kiện đi kèm quá khó khăn nên DN không nhận được hỗ trợ. Với điều kiện như vậy dường như chỉ DN phá sản, đóng cửa mới nhận được. DN tìm mọi cách giữ chân người lao động nhưng lại trái ngược với điều kiện để nhận hỗ trợ.

Vì vậy, đại diện DN dệt may kiến nghị: Nhà nước nên nghiên cứu có một gói hỗ trợ mới, gói hỗ trợ đó phải thay đổi điều kiện nhận hỗ trợ.

Hỗ trợ chỉ dừng ‘trên giấy’

Dệt may hay da giầy chỉ là hai trong số nhiều ngành đang gặp khó khăn của nền kinh tế. Theo báo cáo tình hình phát triển DN 6 tháng đầu năm 2020, Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình đăng ký DN vẫn ghi nhận sự sụt giảm, trong đó DN thành lập mới giảm 7,3% về số DN và giảm 19% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Đáng lo ngại, DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước với hơn 29 nghìn DN.

Khảo sát của Bộ KH&ĐT cho thấy, DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nhu cầu về vốn bù đắp cho sự thiếu hụt dòng tiền do doanh thu bị sụt giảm, nhất là các DN trong lĩnh vực vận tải hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu… Đáng chú ý, nhiều DN cho biết, họ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ những gói cứu trợ của nhà nước.

Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2020 cho thấy, có tới 40,8% số DN đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý III/2020 so với quý II/2020, vẫn còn tới 19,4% DN dự báo khó khăn hơn.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, đánh giá, nhìn chung các DN Việt Nam đang rất lo lắng về triển vọng kinh doanh, cũng như tương lai của họ. Kết quả khảo sát do VCCI vừa tiến hành cho thấy, dịch Covid-19 đã có những tác động nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN. Đáng lo ngại, DN cho biết lượng đơn hàng mới giảm tới 80,7%. “Như vậy, làm sao DN có thể duy trì được sản xuất trong điều kiện bình thường”, ông Bình nhìn nhận.

Vì vậy, ông Bình cho rằng, cần phải thiết kế lại chính sách hỗ trợ DN, giảm thiểu các điều kiện, thủ tục phiền hà, giúp DN nhanh chóng thụ hưởng hỗ trợ, vượt qua qua đại dịch Covid-19.

Theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM), các chính sách hỗ trợ về định hướng là đúng nhưng triển khai chậm và không tạo ra tác động mạnh. Như vậy, chính sách hỗ trợ mới chỉ dừng ở lời nói, trên giấy mà chưa đi vào cuộc sống. “Nền kinh tế sẽ không thể phục hồi nếu chỉ dựa trên lời nói và khẩu hiệu”, ông Bảo cho biết.

Bộ KH&ĐT kiến nghị, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới.

Đồng thời, khuyến khích tổ chức tín dụng triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi để góp phần duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, DN, đặc biệt chú trọng cho vay đối với DN nhỏ và siêu nhỏ.

1,6 triệu xe kinh doanh vận tải phải đổi sang biển số màu vàng

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 58 về quy trình cấp, thu hồi đăng ký biển số xe cơ giới đường bộ. Thông tư đưa ra quy định sẽ có khoảng 1,6-1,7 triệu ô tô kinh doanh vận tải bao gồm xe tải, xe công nghệ, taxi, xe khách… phải chuyển sang biển số màu vàng thay vì biển màu trắng từ ngày 1/8.

Bình luận về quy định mới này, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho rằng việc yêu cầu người kinh doanh vận tải phải thay đổi biển số từ trắng sang vàng nhằm mục đích để quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hiện nay, quy định bắt buộc trên chắc chắn sẽ khiến doanh nghiệp phải tốn thêm một khoản chi phí tiền bạc, thời gian.

Trong khi đó, đây là thời điểm để các bộ ngành đưa ra các biện pháp hỗ trợ DN vượt qua đại dịch Covid-19. Vì vậy, việc phát sinh những quy định trên sẽ làm khó DN. DN không chỉ cần hỗ trợ về tiền, mà họ rất cần được tạo điều kiện thuận lợi để làm ăn kinh doanh.

Không chỉ kinh doanh vận tải than khó, thời gian qua, nhiều DN thủy sản cũng liên tiếp có những phản ánh về bất cập quy định mã số, mã vạch, thuế thu nhập DN quá cao…

Ông Bùi Nguyên Khánh, Tổng Giám đốc công ty CP Thủy sản Cà Mau phản ánh, vừa qua Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản cho rằng quy trình chế biến của các nhà máy chế biến thủy sản đối với sản phẩm chưa qua gia nhiệt là sản phẩm sơ chế, tức là các sản phẩm này không phải là sản phẩm chế biến nên không được ưu đãi thuế thu nhập DN.

Lê Thúy


[ad_2]