Doanh nghiệp dệt may phải cạnh tranh quyết liệt để tuyển được người

[ad_1]

Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB-XH, tuổi thọ trung bình của nước ta là 73,2 tuổi (năm 2014) và dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi (năm 2030) và 80,4 tuổi vào năm 2050. Tính đến hết năm 2017, cả nước có trên 11 triệu người cao tuổi, chiếm 11,95% dân số.

Dự báo nước ta sẽ chỉ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người cao tuổi tăng từ 7% lên 14%. Có nghĩa chuyển từ giai đoạn “đang già” sang “già” – một tốc độ thuộc hàng cao nhất thế giới. Thậm chí đến năm 2038, nhóm người cao tuổi sẽ chiếm đến gần 20% tổng dân số.

Cũng theo Bộ LĐ-TB-XH, trong giai đoạn dịch Covid-19, lao động chưa qua đào tạo và lao động lớn tuổi đang bị ảnh hưởng mạnh nhất từ đại dịch. Vấn đề già hóa dân số đang đặt ra những thách thức không hề nhỏ cho các doanh nghiệp, cũng như toàn xã hội.



doanh nghiep det may phai canh tranh quyet liet de tuyen duoc nguoi hinh 1
Doanh nghiệp dệt may đang gặp khó trong bối cảnh già hóa dân số. (Ảnh minh họa)

Ông Trần Mạnh Cường, Phó phòng Hành chính Tổng Công ty may 10 cho biết, già hóa dân số đang tác động trực tiếp đến toàn bộ nguồn lao động của các doanh nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng khi có đặc thù thâm dụng lao động và cần lao động trẻ. Ông Cường cho rằng, để phát triển lâu dài, doanh nghiệp nào cũng hy vọng tuyển được người trẻ, có tay nghề, đáp ứng được yêu cầu, song đây là việc không hề dễ trong bối cảnh hiện nay.

“Đối với ngành dệt may, lao động trẻ rất quan trọng. Đây là ngành nặng nhọc, độc hại, làm việc theo dây chuyền, yêu cầu nhanh tay, nhanh mắt. Với những lao động lớn tuổi sẽ rất khó đáp ứng về năng suất, chất lượng công việc. Theo quy định, lao động làm việc trong lĩnh vực độc hại được về hưu sớm 5 năm so với những lao động bình thường. Kể cả như vậy, họ cũng rất khó đáp ứng yêu cẩu của doanh nghiệp. Do đó, khi dân số già hóa, doanh nghiệp lại càng khó khăn hơn nữa. Hiện nay, trong nội ngành dệt may, các doanh nghiệp cũng đã phải cạnh tranh quyết liệt để tuyển được người”, ông Cường cho biết.

Ông Trần Mạnh Cường cũng cho rằng, nếu trong thời gian tới, quá trình già hóa dân số rõ ràng hơn nữa, việc tìm kiếm lao động trẻ sẽ là bài toán khó mà các doanh nghiệp cần tính kỹ. Với đặc thù lao động ngành dệt may phải mất thời gian đào tạo, việc tuyển được lao động làm việc và gắn bó lâu dài là không dễ.

Trước tình hình trên, đại diện Tổng công ty May 10 cho biết, ngành dệt may muốn vượt qua thách thức của già hóa dân số, một mặt cần tập trung đào tạo lao động có tay nghề ổn định. Một mặt khác phải duy trì những lao đông có độ tuổi cao, nhưng tay nghề tốt, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm, dù năng suất có thể không cao.

Dân số già hóa, không thể thu hút FDI bằng lao động giá rẻ

Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Group, đơn vị chuyên tìm kiếm nhân sự cấp trung đến cấp cao cho biết, trong những năm gần đây, khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài đều tìm hiểu rất kỹ về văn hóa, kinh tế, xã hội, lao động, dân số… Điều mà các doanh nghiệp nước ngoài dễ nhận thấy là Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, nhưng chỉ vài năm tới số người tham gia vào thị trường lao động sẽ giảm sút. Trong bối cảnh dân số đang dần già hóa, Việt Nam sẽ không thể tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI bằng nguồn lao động giá rẻ như trước đây. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải chuyển hướng sang tập trung vào lao dộng chất lượng cao, có hàm lượng chất xám và trình độ công nghệ cạnh tranh.

Như vậy, câu chuyện làm thế nào để tăng năng suất và chất lượng lao động Viêt Nam để thích ứng với quá trình già hóa dân số là bài toán cần giải.

Để làm được điều này, bà Ngô Thị Ngọc Lan cho rằng, người lao động cần chủ động học tập, có khả năng sử dụng ngoại ngữ, công nghệ mới.


“Khi tiếng Anh tốt, người lao động mới bước qua được những rào cản trong tự học, tự trang bị kiến thức mới để đáp ứng những yêu cầu của thế giới. Từ phía doanh nghiệp, cần có cơ chế đào tạo, gửi lao động đi học tập tại các cơ sở nước ngoài… Nhưng hiện nay, tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam có chú trọng đến vấn đề đào tạo là rất thấp, chủ yếu là các tập đoàn lớn. Chỉ khi doanh nghiệp thực sự ý thức rằng cần phải nâng cấp trình độ người lao động thì mới có sự đầu tư mạnh về tài chính và tâm sức, nếu không, việc đào tạo sẽ chỉ được coi là 1 hoạt động về nhân sự”, bà Lan nói.

Chuyên gia nhân sự này cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước xu hướng già hóa dân số, ngay trong các trường cao đẳng, đại học cũng cần thay đổi chương trình đào tạo. “Trên thế giới, giảng viên đại học đều là những người làm việc thực sự trong doanh nghiệp, giữ các vị trí cấp cao, họ có cả kiến thức về lý thuyết và thực tiễn. Còn tại các trường đại học của Việt Nam, giảng viên lại dành phần lớn thời gian cho công tác nghiên cứu, trong khi đó kiến thức thực tế không có nhiều. Đương nhiên, tỷ lệ này vẫn mang tính đan xen, nhưng số lượng giảng viên làm việc trong doanh nghiệp không nhiều”.

Bà Ngô Thị Ngọc Lan cho rằng, các trường cần tăng cường đội ngũ giảng viên, giáo sư thỉnh giảng đến từ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cũng cần cập nhật liên tục, lắng nghe nhu cầu của thị trường và tìm hướng đào tạo để đáp ứng đúng nhu cầu đó.

“Tuy nhiên, nhiều trường đại học cho rằng, nếu như chạy theo nhu cầu của doanh nghiệp, chỉ là hướng đào tạo ngắn hạn. Nhiệm vụ của trường đại học là đào tạo nguồn nhân lực dài hạn, thấy được nhu cầu của thị trường trong 10, 20 năm tiếp theo. Không phủ nhận ý kiến này, do đó, tôi cho rằng các trường nên chia thành 2 hướng đào tạo gồm đào tạo theo hướng thực hành và đào tạo theo hướng nghiên cứu chuyên sâu. Hiện nay, các trường trên thế giới phân định rất rõ điều này. Các cơ sở giáo dục của Việt Nam cần tìm cách bắt kịp những yêu cầu của xã hội, đáp ứng những nhu cầu trước mắt cũng như sự phát triển lâu dài”, bà Ngô Thị Ngọc Lan nhấn mạnh./.


[ad_2]