Doanh nghiệp dệt may kích hoạt trạng thái “ngủ đông”

[ad_1]

Dự báo, trong tháng 4 và tháng 5/2020, các doanh nghiệp dệt may thiếu từ 30-50% việc làm. Ngành dệt may đang áp dụng “ngủ đông”, tức giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ luân phiên.



Nhiều doanh nghiệp may phải cho công nhân nghỉ luân phiên vì thiếu việc làm. Ảnh: Đ.T
Nhiều doanh nghiệp may phải cho công nhân nghỉ luân phiên vì thiếu việc làm. Ảnh: Đ.T

Đong đếm thiệt hại

Dịch Covid-19 khiến thị trường Mỹ đóng cửa nhiều hệ thống bán lẻ, nhiều khách hàng lớn báo hủy, hoãn việc thực hiện hợp đồng. Tương tự, với thị trường EU, khách hàng lớn cũng cắt giảm đơn hàng, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm của lao động dệt may.

Báo cáo của các doanh nghiệp trọng yếu thuộc Vinatex cho thấy, trong thời gian từ trung tuần tháng 3/2020, liên tiếp có những đơn hàng bị hủy, dừng, tạm ngừng, dẫn đến tình trạng hầu hết các đơn vị thiếu việc làm trong thời gian tới.

Thương hiệu càng cao thì tỷ lệ cắt giảm hàng càng lớn và chưa có tín hiệu nào về thời gian phục hồi. Dự đoán tình hình thị trường tiêu thụ nội địa cũng sẽ sụt giảm khi kinh tế tăng chậm. Cầu thị trường thấp sẽ dẫn tới một đợt giảm giá mạnh toàn cầu, dự kiến giá giảm trên 20%.

Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định cho biết, hoạt động của Công ty đang rất khó khăn vì hàng hóa làm ra chuẩn bị xuất đi thì đối tác nhập khẩu ở thị trường châu Âu và Mỹ đã thông báo yêu cầu dừng lại và lưu kho toàn bộ sản phẩm đã thực hiện. Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, có khoảng 50% đơn hàng của các đối tác ở hai thị trường này, Công ty Gia Định đã thực hiện xong, giờ đây đành phải lưu kho theo yêu cầu của các đối tác.

Cần phải nói thêm, sản phẩm của doanh nghiệp này 90% xuất đi thị trường Mỹ và EU, nên khi những đối tác nhập khẩu của hai thị trường này tạm ngưng nhận hàng, thì xem như Công ty không có đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

Thiếu đơn hàng đồng nghĩa với thiếu việc làm và sụt giảm doanh thu, trong khi lao động tại Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định gần 4.000 người, dẫn đến áp lực lớn lên doanh nghiệp cả về tài chính và lao động.

Theo tính toán của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nếu không có sự điều chỉnh về chính sách, nhiều doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4/2020. Lao động toàn ngành dệt may thiếu việc làm từ 30% tới 50% trong tháng 4 và tháng 5/2020.

Thiệt hại ước tính với toàn ngành có thể lên tới 5.000 tỷ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4/2020 và 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5/2020 (riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Vinatex ước tính thiệt hại trên 400 tỷ đồng) và nếu tình hình kéo dài thêm thì mỗi tháng ngành sẽ thiệt hại tới 3.000 tỷ đồng.

Chưa kể, ngành dệt may nhập khẩu khoảng 1,5 tỷ USD nguyên liệu/tháng (riêng Vinatex nhập khoảng 120 triệu USD nguyên liệu/tháng), nếu giả thiết khách hủy 20% đơn hàng, thì toàn ngành có 300 triệu USD vật tư đã nhập về nhưng không được sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ thành hàng tồn kho khó luân chuyển.

Ước tính đến hết năm 2020, số hàng tồn kho trong tháng 4 và tháng 5/2020 của toàn ngành sẽ mất 50% giá trị, tương ứng khoảng 300 triệu USD.

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Vitas, Tổng giám đốc Vinatex cho hay: “Giả thiết, nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5/2020 và kinh tế phục hồi từ tháng 6/2020, thì ước tính toàn ngành dệt may thiệt hại 11.000 tỷ đồng, riêng Vinatex sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng”.

Kích hoạt trạng thái “ngủ đông”

Năm 2019, ngành dệt may xuất khẩu 39 tỷ USD, mục tiêu trong năm nay sẽ xuất khẩu 41-42 tỷ USD, trong đó, riêng Vinatex xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm.

Với hơn 120.000 nhân sự, Vinatex cũng đang điêu đứng bởi nhiều khách hàng lớn đã hủy, tạm hoãn đơn hàng từ nửa cuối tháng 3/2020. Trong khi, doanh nghiệp vẫn phải gánh quỹ chi lương khổng lồ mỗi tháng.

Do lượng nhân sự đông đảo, chỉ cần 3 tháng không có việc làm mà vẫn duy trì trả lương cho toàn bộ lực lượng lao động, thì các doanh nghiệp dệt may sẽ hết vốn. Làm thế nào để doanh nghiệp không phá sản, người lao động không mất việc làm? Đó là thách thức chưa có tiền lệ đặt ra cho ngành dệt may do khủng hoảng của đại dịch Covid-19.

Theo ông Lê Tiến Trường, Vinatex cam kết ưu tiên số 1 cho giữ việc làm và trả lương duy trì đời sống người lao động bằng cách tận dụng các gói hỗ trợ từ Chính phủ, các nguồn vay ngân hàng, tìm kiếm những hợp đồng mới bù đắp lượng việc làm thiếu hụt do nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn. Tổ chức lại sản xuất để đảm bảo ai cũng được đi làm.

“Với tinh thần giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, chứ không sa thải lao động, tận dụng thời gian để sáng tạo, tái cấu trúc, tiết kiệm chi phí, thay đổi phương thức làm việc hiệu quả hơn. Chúng tôi kích hoạt trạng thái năng lượng thấp – ngủ đông để sống sót qua mùa dịch và chuẩn bị hành trang để sẵn sàng bắt tay vào lao động sản xuất ngay khi tan dịch”, ông Trường nói.

Không riêng Việt Nam, mà dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn tới việc làm trên toàn cầu. Trong tháng 3/2020, khi dịch lan rộng tại nhiều nước, khoảng 30-40 triệu việc làm trên toàn cầu bị mất; trong đó, riêng nước Mỹ ghi nhận 3,28 triệu người đăng ký nhận hỗ trợ thiếu việc làm. Đây là con số cao nhất kể từ năm 1967.


[ad_2]