Doanh nghiệp chủ động nâng cao năng suất chất lượng để tận dụng lợi thế từ CPTPP

[ad_1]

Năm 2019 là năm đầu tiên thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), theo đó xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: Điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị; thủy sản và dệt may. Đáng lưu ý, một số thị trường thành viên mà Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) như Canada và Mexico ghi nhận mức tăng mạnh ngay sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada tăng 29,9%; xuất khẩu sang Mexico tăng 27,6%.

Đánh giá về vấn đề trên, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, dù hiệp định đã đi vào thực tiễn nhưng trong suốt 1 năm vừa qua, thông tin về Hiệp định CPTPP ít được doanh nghiệp lưu ý. Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện cả nước chỉ có chưa đến 40 tỉnh, thành phố có quan hệ xuất nhập khẩu với các nước trong CPTPP. Nếu tính những tỉnh, thành phố có quan hệ xuất nhập khẩu với 2 nước chưa có quan hệ FTA như Canada và Mexico thì con số chỉ từ 10-15 tỉnh, thành phố và thị phần xuất khẩu rất khiêm tốn.

Bên cạnh đó, trong năm 2019, theo thống kê của Bộ Công Thương, trên toàn quốc có khoảng 570 hội thảo, hội nghị về CPTPP được tổ chức. Theo ông Khanh, đây là một con số khổng lồ vì trung bình 1 ngày có 2 hội nghị liên quan đến hiệp định này nhưng theo rà soát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ 1-2% doanh nghiệp tìm hiểu kĩ về CPTPP.

Theo Phó Vụ trưởng Ngô Chung Khanh, chính việc thờ ơ của doanh nghiệp khiến CPTPP dù mở ra cơ hội rất lớn cho đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng được hết những dư địa đó.

Do đó, để phát huy hiệu quả của CPTPP, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nội dung của Hiệp định này. Văn kiện CPTPP rất đồ sộ với nhiều nội dung phức tạp, tuy nhiên đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thì chỉ cần quan tâm nhất đến các cam kết về thuế quan và quy tắc xuất xứ, chứ không cần đọc toàn bộ nội dung hiệp định. Cam kết thuế quan sẽ cho doanh nghiệp biết hàng hóa của mình khi xuất khẩu sang nước đối tác CPTPP sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi như thế nào, với lộ trình cắt giảm thuế từng năm ra sao. Đồng thời, để được hưởng ưu đãi thuế quan thì doanh nghiệp phải hiểu và đáp ứng quy tắc xuất xứ của Hiệp định. Điều này là vô cùng quan trọng vì để có được giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP, hoặc tự chứng nhận xuất xứ CPTPP thì ngay từ khâu nhập khẩu nguyên liệu, doanh nghiệp đã phải lấy được giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP cho các nguyên liệu của mình để phục vụ cho việc chứng nhận xuất xứ CPTPP cho hàng hóa thành phẩm sau này.

Doanh nghiệp cần chủ động thay đổi quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của hiệp định. Ưu đãi thuế quan trong CPTPP là rất lớn nhưng yêu cầu về xuất xứ lại không hề dễ dàng, chủ yếu là do nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang được nhập khẩu phần lớn từ các nước ngoài CPTPP như Trung Quốc và một số nước ASEAN. Do đó, nếu doanh nghiệp không chủ động thay đổi quy trình sản xuất, chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên CPTPP thì sẽ khó đáp ứng được quy tắc xuất xứ của CPTPP và kết quả là sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định.

Đặc biệt, về lâu dài doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp hóa quy trình bán hàng, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu…để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp của mình. Đây dường như là khâu còn yếu nhất của các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường thế giới. Các FTA chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng vượt qua đường biên giới với mức thuế quan thấp, nhưng không đảm bảo cho sản phẩm của doanh nghiệp có thể tiến sâu vào thị trường nội địa và được ưa chuộng bởi người tiêu dùng các nước nhập khẩu. Tại sao các doanh nghiệp Việt Nam từ trước đến nay vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô, là làm gia công cho các thương hiệu nước ngoài với phần giá trị thu được không cao? Rõ ràng đây là vấn đề của bài toán sản xuất, kinh doanh, của chiến lược cạnh tranh của các doanh nghiệp mà nếu không chủ động thay đổi, thích ứng với thị trường quốc tế thì dù có hay không có FTA các doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp khi tham gia CPTPP và EVFTA (VietQ.vn) – Sở hữu trí tuệ có vai trò đảm bảo môi trường pháp lý lành mạnh, bảo vệ kết quả sáng tạo, kỹ thuật, bảo vệ người tiêu dùng và xã hội thông qua việc kiểm soát hàng hóa, sản phẩm có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ngăn chặn hàng giả…

Thanh Tùng

 


[ad_2]