DN dệt may tiết kiệm 15 triệu đô la nhờ sản xuất bền vững

Nhờ cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm chi phí sản xuất trong khuôn khổ Chương trình Cải thiện hiệu quả tài nguyên Việt Nam (VIP) của IFC nên 28 doanh nghiệp trong ngành dệt may đã tiết kiệm được 15 triệu đô la Mỹ sau 18 tháng thực hiện.

Thông cáo báo chí phát đi ngày 21-6 của IFC cho biết, với việc kết hợp triển khai các dự án chi phí thấp và các dự án công nghệ phức tạp hơn, các doanh nghiệp cung ứng tham gia chương trình đạt được mức tiết kiệm nước và năng lượng bình quân trên 20%, với mức tiết kiệm tốt nhất của một số nhà máy cao gấp đôi mức tiết kiệm bình quân này.

Trong khuôn khổ dự án, IFC hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may cung ứng sản phẩm cho hai tập đoàn VF và Target cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm chi phí sản xuất.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết với tốc độ tăng trưởng nhanh của kinh tế Việt Nam cũng như ngành hàng xuất khẩu dệt may, những cải tiến nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên trên diện rộng trong ngành này sẽ mang đến cơ hội quan trọng cho Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng khu vực tư nhân một cách bền vững.

“Những kết quả tích cực ngay từ giai đoạn khởi đầu chương trình đã chứng tỏ hiệu quả kinh tế nhờ tiết kiệm nguồn tài nguyên”, Kelhofer nói.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để giảm chi phí sản xuất vì, theo ông ông Navneet Chadha, Trưởng nhóm hiệu quả tài nguyên khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của IFC, dựa trên kết quả ban đầu này, IFC sẽ hợp tác với các thương hiệu toàn cầu hàng đầu khác để thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên và đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch trong các chuỗi cung ứng sản xuất tại Việt Nam.

Chương trình VIP đã được IFC triển khai từ năm 2015 với sự hỗ trợ của Quỹ công nghệ sạch (CTF) và Quỹ tín thác tăng trưởng xanh Hàn Quốc.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam dự báo ngành dệt may Việt Nam sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 31,3 tỉ đô la Mỹ cho cả năm 2017, tăng gần 11% so với năm ngoái và đóng góp 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hiện ngành này đang giải quyết việc làm cho 2,5 triệu lao động.

IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi, hỗ trợ hơn 2.000 doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới. Trong năm tài chính 2016, tổng đầu tư dài hạn của IFC tại các nước đang phát triển đạt con số kỷ lục 19 tỉ đô la Mỹ, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung.

Nguồn Thời báo kinh tế Sài gòn