ĐHCĐ May Sông Hồng (MSH): Đưa khẩu trang y tế vào kênh phân phối chính thức, sẽ đầu tư mảng dệt vải

[ad_1]

(ĐTCK) Công ty lên kế hoạch sản xuất khẩu trang y tế để đưa vào các kênh phân phối chính thức, đang tiến hành các thủ tục để đáp ứng các tiêu chuẩn rất chặt chẽ của thị trường nước ngoài.  

Ngày 27/6, Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH ) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.

Tại phần thảo luận, Chủ tịch HĐQT Bùi Đức Thịnh cho biết, năm 2020 được dự kiến là năm rất thuận lợi và tốt hơn năm 2019. Tuy nhiên, dịch bệnh đã gây ra rất nhiều khó khăn: Khó khăn khi mua nguyên liệu từ Trung Quốc.

Khi thị trường Trung Quốc được lưu thông thì thị trường Mỹ đóng cửa và hàng hóa không xuất đi được, hàng tồn đọng tại nhà máy nhiều, các khách hàng lại giãn lịch thanh toán. Trước tình hình này, Công ty đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó.

ảnh 1

Đại hội tổ chức theo hình thức trực tuyến

Chẳng hạn, giảm lương, bao gồm cả ban lãnh đạo. Ông Thịnh chia sẻ, toàn bộ nhân sự đều phải giảm lương từ 7-20%, riêng Chủ tịch HĐQT giảm 30%. Tuy nhiên, chưa có nhân sự nào bị sa thải do dịch Covid-19.

Công ty tạo Quỹ dự phòng rủi ro nhằm đảm bảo trả lương tối thiểu cho người lao động trong vòng 3-4 tháng.

“Mục tiêu lớn nhất của Công ty là đảm bảo an toàn cho người lao động, giữ người lao động ở lại công ty”, ông Thịnh khẳng định.

May Sông Hồng đã triển khai sản xuất khẩu trang y tế (30 triệu sản phẩm), bảo hộ y tế (10 triệu sản phẩm). Đây là giải pháp cứu cánh cho lợi nhuận nhưng cũng chỉ là tạm thời. Bởi ngay khi thấy việc sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ phát triển ở Việt Nam, Trung Quốc đã ngưng cung cấp hoặc tăng giá nguyên liệu, thiết bị.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh có nằm trong khuôn khổ mở rộng thị trường để hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết hay không, ông Bùi Đức Thịnh cho biết, Công ty lên kế hoạch sản xuất khẩu trang y tế để đưa vào các kênh phân phối chính thức, Công ty đang tiến hành các thủ tục để đáp ứng các tiêu chuẩn rất chặt chẽ của thị trường nước ngoài.

Về ngành nghề dệt vải, công ty nhận thấy do Việt Nam rất phụ thuộc vào Trung Quốc nên Công ty lên kế hoạch liên kết liên doanh đầu tư mảng này. Việc này cũng giúp công ty hưởng lợi khi tham gia các hiệp định quốc tế. Ví dụ như EVFTA quy định hàng may mặc phải làm từ vải trong nước thì mới được hưởng ưu đãi về thuế.

Đại dịch và những biến động trên thị trường cũng khiến MSH phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư một cách hợp lý nhất. Lãnh đạo Công ty cho biết, dự án nhà máy SH10 đã san lấp xong nhưng hiện đang dừng lại, MSH sẽ căn cứ tình hình thực tế, nếu thuận lợi, dự án sẽ được triển khai tiếp, có thể vào cuối năm 2020 hoặc đầu 2021.

Đại hội đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần 3.200 tỷ đồng, giảm 27% so với mức thực hiện năm 2019. Lợi nhuận trước thuế là 250 tỷ đồng, giảm 54%. Ông Bùi Đức Thịnh cho biết, kế hoạch trên được xây dựng trong bối cảnh doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19 như sản lượng, doanh thu hàng FOB giảm, nguồn cung cấp nguyên liệu tại Trung Quốc bị gián đoạn, thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ ngưng trệ. Theo nhận định của doanh nghiệp, phải đến năm 2021, tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty mới có thể trở lại bình thường.

Năm 2019, MSH ghi nhận lợi nhuận sau thuế 450 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2018, cổ tức 45% bằng tiền mặt.  Năm 2020, Công ty dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25-35%.


[ad_2]