Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2018 ngành dệt may Việt Nam sẽ có những bứt phá mới có thể đem lại kim ngạch xuất khẩu lên đến 34-34,5 tỷ USD. Ngành dệt may Việt Nam đang tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Sản phẩm dệt may Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, ngành dệt may Việt Nam được nhiều đối tác đánh giá cao về tính chuyên nghiệp vì chất lượng đảm bảo, thời gian giao hàng nhanh. Đồng Nai hiện đang nằm trong tốp 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu dệt may.
* Tính chuyên nghiệp cao hơn
Bà có thể đánh giá tình hình xuất khẩu dệt may năm 2017?
– Năm 2017, ngành dệt may Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đó là tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD, vượt xa so với quy hoạch ngành. Theo quy hoạch đến năm 2020, ngành dệt may trong nước đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 21 tỷ USD, nhưng đến năm 2017 Việt Nam đã vượt qua quy hoạch 10 tỷ USD. Trong đó, có những nguyên phụ liệu cho ngành dệt may như: vải, sợi trước đây hầu hết là nhập khẩu thì trong năm các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều nước với kim ngạch lên đến hàng tỷ USD, đồng thời giá trị thặng dư của ngành dệt may mỗi năm đều tăng.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dự báo năm 2018 ngành dệt may trong nước sẽ đạt được kỷ lục mới về xuất khẩu. Những thị trường xuất khẩu đầy hứa hẹn cho dệt may là: châu Âu, Hong Kong, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nga. Có 4 hiệp định thương mại các DN đang chờ đợi là: FTA Việt Nam – EU, FTA giữa các nước ASEAN – Hong Kong, RCEP và CP TPP. |
Khi Mỹ rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều chuyên gia dự báo ngành dệt may có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng kết quả lại đi ngược lại dự báo, ngành đã làm gì để chuyển từ bị động sang chủ động và thắng đậm?
– Đầu năm 2017 khi thông tin Mỹ rời khỏi TPP được công bố, ngành dệt may cũng bị tác động khá lớn. Đầu tư của nước ngoài vào ngành dệt may chững lại, các đơn hàng lớn có xu hướng dịch chuyển sang những nước có lao động, thuế xuất nhập khẩu rẻ như: Campuchia, Myanmar, Bangladesh. Tuy nhiên, bắt đầu từ quý III của năm 2017, đầu tư vào ngành dệt may trong nước khởi sắc trở lại và các đơn hàng lớn cũng quay trở lại Việt Nam. Kết quả này không phải một sớm một chiều có được mà do các DN Việt Nam đã có cả quá trình dài tự tái cơ cấu, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp.
Theo bà, tính chuyên nghiệp của dệt may Việt Nam thể hiện ở những điểm nào?
– So với mặt bằng chung của một số nước trong khu vực thì giá sản phẩm dệt may của Việt Nam cao hơn. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam lại rời khỏi TPP nên nhiều DN nước ngoài đã chần chừ hoặc chuyển hướng đơn hàng qua những nước đang có lợi thế giá nhân công rẻ, ưu đãi thuế lớn hơn. Tuy nhiên, dệt may Việt Nam có ưu thế là chất lượng sản phẩm cao, các DN có thể thực hiện các đơn hàng khó và thời gian giao hàng nhanh. Vì thế, các đối tác sau một thời gian dịch chuyển đơn hàng qua các nước khác thấy không đảm bảo về chất lượng và thời gian giao hàng nên đã quay trở lại Việt Nam.
* Mở thêm thị trường lớn
Đâu là dấu ấn lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam trong những năm gần đây?
– Năm 2017, ngành dệt may Việt Nam ghi thêm dấu ấn là xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc, là điều xưa nay các DN Việt Nam chưa làm được. Đây là thị trường lớn, mở được thị trường này DN sẽ không phải lo nhiều đến đầu ra cho sản phẩm. Các DN dự tính năm 2018 sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu dệt may vào Trung Quốc. Những đối tác của nước này cũng đánh giá cao về chất lượng hàng dệt may của Việt Nam và có dự tính sẽ tăng các đơn đặt hàng. Dệt may trong nước đang giảm dần việc nhập nguyên phụ liệu và đã xuất được nguyên phụ liệu vào những nước có ngành xơ sợi dệt và dệt may phát triển như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Những sản phẩm dệt may nào của Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc?
– Các DN Việt Nam đã xuất khẩu được sợi, vải, áo sơ mi, jacket vào Trung Quốc và được thị trường này đón nhận khá tốt. Trước nay ngành dệt may của Trung Quốc rất phát triển, giá cạnh tranh, xuất khẩu sang được nhiều nước trên thế giới nên rất ít nước có thể xuất được hàng dệt may vào nước này, song các DN Việt Nam đã làm được việc này. Điều này chứng tỏ hàng dệt may Việt Nam đang từng bước nâng cao được chất lượng và giá cũng khá cạnh tranh.
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, riêng ngành dệt may Việt Nam tiếp cận như thế nào?
– Theo tôi, các DN dệt may Việt Nam đang tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khá tốt, đặc biệt là ngành dệt. Tôi đơn cử, trước đây làm 10 ngàn cọng sợi phải cần 100 công nhân, song hiện tại nhờ máy móc thiết bị hiện đại chỉ cần khoảng 25 lao động. Hoặc trước đây 1 công nhân chỉ đứng được 7 máy dệt, nhưng hiện có thể đứng 15 máy dệt, hay 1 công nhân có thể ngồi 3 máy may cùng lúc. Những bước tiến trên giúp ngành dệt may tăng năng suất mà không quá lo về thiếu lao động. Hiện ngành dệt may của Việt Nam đi trước một số nước trong khu vực ASEAN và mục tiêu hướng đến là xanh – sạch – an toàn và giảm giờ làm việc.
Năm 2018, ngành dệt may Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn gì?
– Dự báo năm 2018, ngành dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng cao vì thị trường xuất khẩu rộng mở. Trong đó, các DN sẽ tiếp tục tăng sản lượng xuất khẩu vào những nước đang có lợi thế về hiệp định thương mại tự do (FTA). Bên cạnh đó, FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực sẽ là lợi thế lớn cho DN đưa hàng dệt may vào thị trường này và dễ dàng nhận được các đơn đặt hàng lớn từ các nước trong khối EU. Đồng thời, các DN Việt Nam có cơ hội nhập khẩu máy móc hiện đại giá rẻ từ những nước EU để đáp ứng các đơn hàng khó, cao cấp và tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm nhằm tăng giá trị thặng dư.
Khó khăn của dệt may Việt Nam là tiếp tục cạnh tranh với hàng hóa cùng loại đến từ các nước. Điểm yếu của ngành là vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu và chưa chủ động nhiều trong khâu thiết kế mẫu mã nên vẫn còn phải gia công nhiều.
Các DN dệt may có dự tính sẽ dần thoát khỏi việc gia công các đơn hàng để nắm được giá trị thặng dư cao hơn?
– Ngành dệt may Việt Nam đã có chiến lược phát triển ngành thời trang, thiết kế từ lâu, song mấy năm gần đây các DN mới chú trọng nhiều hơn và đạt kết quả tương đối khả quan. Cụ thể, năm 2016 số DN dệt may thiết kế mẫu mã để chào hàng chỉ chiếm 3% thì năm 2017 đã tăng lên 7%, và tôi nghĩ năm nay cũng như những năm tới sẽ còn tăng cao. Bởi đây là khâu đem lại giá trị gia tăng rất cao cho ngành dệt may và giúp DN từng bước xây dựng và củng cố được thương hiệu. Những năm gần đây đã có những DN sẵn sàng bỏ ra 20% nhân lực để thiết kế, may mẫu và chào hàng. Các DN cũng chú ý đến xây dựng chuỗi kết nối dệt – nhuộm – may để cung ứng cho nhau, giảm nhập khẩu nguyên liệu.
Theo bà, đâu là điểm mạnh, điểm yếu của DN dệt may Đồng Nai?
– Đồng Nai đang nằm trong tốp 6 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn nhất cả nước. Các DN của tỉnh ứng dụng công nghệ mới vào trong sản xuất cũng khá nhanh, chất lượng hàng hóa được đánh giá cao. Có những DN chuyên sản xuất được những mặt hàng cao cấp xuất khẩu vào châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và các thị trường khó tính khác. Tuy nhiên, điểm yếu của DN dệt may Đồng Nai cũng giống điểm yếu chung của DN trong nước là khâu thiết kế chưa mạnh. Nếu các DN tập trung vào khâu này nhiều hơn sẽ thu được lợi nhuận cao hơn so với chỉ tập trung vào gia công.
Xin cảm ơn bà!
Nguồn Báo Đồng Nai