Những hiệp định thương mại đa phương gần đây đang kéo theo sự dịch chuyển đầu tư các dự án dệt may vào Việt Nam khi Việt Nam đang là một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới cho những ai quan tâm đến ngành công nghiệp dệt may.
Tại cuộc họp báo vào chiều ngày 18-6 giới thiệu về Triển lãm quốc tế Denims & Jeans lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại TPHCM sắp tới, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng thư ký, kiêm Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tại TPHCM, đánh giá rằng Việt Nam đang là một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới cho những ai quan tâm đến ngành công nghiệp dệt may.
Điều này hoàn toàn khác với thời điểm đầu năm 2017 khi Mỹ tuyên bố rời khỏi việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành dệt may cũng đã bị tác động khá lớn ngay sau đó. Đầu tư của nước ngoài vào ngành dệt may chững lại, các đơn hàng lớn có xu hướng dịch chuyển sang những nước có lao động, thuế suất thấp Campuchia, Myanmar, Bangladesh…
Bởi so với mặt bằng chung của một số nước trong khu vực thì giá sản phẩm dệt may của Việt Nam cao hơn. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam lại rời khỏi TPP nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chần chừ hoặc chuyển hướng đơn hàng qua những nước đang có lợi thế giá nhân công rẻ, ưu đãi thuế lớn hơn.
Tuy nhiên, bắt đầu từ quí 3-2017, đầu tư vào ngành dệt may trong nước khởi sắc trở lại và các đơn hàng lớn cũng quay trở lại Việt Nam. Bởi ngành dệt may Việt Nam có ưu thế là chất lượng sản phẩm cao, các doanh nghiệp có thể thực hiện các đơn hàng khó và thời gian giao hàng nhanh. Vì thế, các đối tác sau một thời gian dịch chuyển đơn hàng qua các nước khác thấy không đảm bảo về chất lượng, thời gian giao hàng nên đã quay trở lại Việt Nam.
Theo bà Mai, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, thuế suất hiện ở khoảng 10-12% sẽ giảm xuống còn 0% khi FTA có hiệu lực. Đây sẽ là động lực, lợi thế rất lớn cho hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu vào EU. Với lợi thế trên bà Mai cho rằng các dự án đầu tư dệt may sẽ tiếp tục dịch chuyển đến Việt Nam.
Lâu nay, thứ tự Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc dẫn đầu vốn đầu tư về các dự án dệt may vào Việt Nam, nhưng theo bà Mai dự báo, Hàn Quốc sẽ dẫn đầu đầu tư lĩnh vực này ở Việt Nam trong thời gian tới.
Theo lý giải của bà Mai, bên cạnh ký Hiệp định song phương với Việt Nam, Hàn Quốc còn có Hiệp định hợp tác với EU, nên có nhiều lợi thế để chọn Việt Nam đầu tư.
Ông Sandeep Agarwal, Giám đốc điều hành Công ty Balaji Enterprises (Ấn Độ), cho biết các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may của Ấn Độ cũng nhìn thấy lợi thế và cơ hội xuất khẩu đến nhiều thị trường từ Việt Nam nên cũng đang khảo sát, nghiên cứu tìm cơ hội đầu tư.
Thực tế, làn sóng FDI vào ngành dệt may Việt Nam có giai đoạn tăng rất mạnh từ khi nước ta tham gia đàm phán TPP. Đó là giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2016, Việt Nam thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dệt may. Cụ thể, theo số liệu của Vitas, năm 2014 có 137 dự án với tổng vốn cam kết là gần 1,75 tỉ đô la Mỹ; năm 2015 có 197 dự án với tổng vốn cam kết là gần 2,6 tỉ đô la; năm 2016 có 184 dự án với số vốn gần 1,457 tỉ đô la. Bước sang năm 2017, thời điểm Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, Việt Nam vẫn thu hút được 129 dự án với tổng vốn cam kết 651,4 triệu đô la.
Vitas cho biết một số dự án FDI sản xuất nguyên phụ liệu và phụ kiện cho ngành dệt may tiếp tục được các địa phương chấp thuận điều chỉnh mở rộng đầu tư hay cấp mới.
Nguồn Vietnambiz.vn