Dệt may ứng phó với đơn hàng ngắn

Trước xu hướng kế hoạch đơn hàng ngày một ngắn và giá không tăng, các DN ngành dệt may được khuyến cáo cần khai thác triệt để hiệu suất của trang thiết bị đã đầu tư nhằm giảm chi phí, tìm kiếm đơn hàng quy mô nhỏ nhưng khó để xác định lợi thế về kỹ thuật và tay nghề người lao động.

Theo ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam – ngay từ tháng đầu tiên của năm 2017, nhiều DN đã có đơn hàng đến hết quý I với số lượng dồi dào. Hiện, một số thành viên thuộc tập đoàn đã ký được đơn hàng đến hết quý II. Ông Nguyễn Văn Châu – Giám đốc Công ty CP Thúy Đạt – cho hay: Hợp đồng đã ký đến hết tháng 6 nên hoạt động sản xuất, xuất khẩu (XK) của DN có chiều hướng suôn sẻ. Doanh số từ lượng đơn hàng đã ký dự kiến tăng 19% so với cùng kỳ năm 2016.

Trên cơ sở trang thiết bị đã đầu tư, cần tăng ca sản xuất, hạn chế tối đa thời gian đóng máy là giải pháp được khuyến cáo đối với các DN dệt may nhằm giảm chi phí, đáp ứng thời gian giao hàng ngày một ngắn hiện nay.

Mặc dù, tình hình đơn hàng của DN dệt may những tháng đầu năm khá khả quan, tuy nhiên, phần lớn lại là đơn hàng vừa và nhỏ. Nguyên nhân là do các thị trường XK chính vẫn chưa thực sự ổn định, nhà nhập khẩu (NK) vẫn dè dặt đặt hàng. Đặc biệt, xu hướng nhà NK rút ngắn kế hoạch đặt hàng diễn ra ngày một mạnh. Những năm trước, DN thường nhận được đơn hàng trước 5 – 6 tháng, nay chỉ còn khoảng 3 tháng, khiến thời gian giao hàng cực ngắn. Trong khi đó, DN tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn nội tại: Chi phí bảo hiểm, lương cơ bản, phí thuê đất… tăng quá cao trong khi giá đầu ra không tăng. DN cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các quốc gia XK dệt may lớn như Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan và cả những nước XK dệt may mới nổi như Campuchia.

Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh – cho rằng, đây là những vấn đề cần khắc phục ngay để tăng sức cạnh tranh. Theo đó, một mặt nhà nước hỗ trợ ban hành các cơ chế, chính sách giúp DN có hậu thuẫn tốt hơn; mặt khác, DN phải tự nâng cao năng suất lao động, đặc biệt là cần tập trung khai thác hiệu suất của trang thiết bị đã đầu tư nhằm giảm chi phí tài chính. Hiện nay, ngành may chỉ làm việc từ 8 – 9 giờ/ngày, 15 – 16 giờ còn lại là máy đóng, rất lãng phí. Tiếp tục nâng cao năng suất không chỉ đến từ rút gọn quy trình và tối ưu hóa sản xuất mà còn bao gồm thay thế những thiết bị có độ tự động kém, sử dụng nhiều lao động, bằng thiết bị có độ tự động cao với mục tiêu là giảm chi phí/1 đơn vị sản phẩm.

Về vấn đề thị trường, ông Lê Tiến Trường phân tích: Do kinh tế Mỹ có chiều hướng tăng trưởng tốt hơn, mức độ tiêu dùng tại thị trường này có hy vọng cải thiện. Cho dù Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thực thi thì mức tăng trưởng 6% và có thêm 700 triệu USD của ngành dệt may Việt Nam tại thị trường Mỹ năm 2017 là khả thi. Thị trường EU được coi là cuộc chơi mới, cũng có triển vọng tăng trưởng 2 – 3%. Hơn nữa, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực, dệt may Việt Nam sẽ có cùng mặt bằng cạnh tranh với các nước đang hưởng GSP như: Campuchia, Bangladesh trong một số chủng loại mặt hàng nên cũng là dấu hiệu tốt cho tăng trưởng tại khối thị trường này. Thị phần của dệt may Việt Nam tại Nga cũng được kỳ vọng sẽ tăng từ 2% lên 10%, với giá trị khoảng hơn 1 tỷ USD nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu.

Nguồn: Vitas