[ad_1]
Cổ phiếu ngành thuỷ sản, dệt may như ASM, IDI, TNG, ANV, MSH, TCM… đã đồng loạt tăng trần trong phiên hôm qua sau khi Quốc hội thông qua EVFTA. Thanh khoản nhóm cổ phiếu này tăng vọt, trong đó ASM hơn 400 ngàn cổ phiếu, IDI 465 ngàn cổ phiếu, TNG gần 400 ngàn cổ phiếu… được khớp lệnh. Số mã tăng điểm trên toàn thị trường lên gần 600 mã, áp đảo hoàn toàn so với 212 mã giảm điểm. Đà tăng không chỉ tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa lớn, ngân hàng, mà lan tỏa ra hầu hết các nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp, dầu khí…
Theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA được kỳ vọng góp phần làm GDP Việt Nam tăng thêm bình quân từ 2,18 – 3,25% (giai đoạn 2019-2023); từ 4,57% – 5,30% (giai đoạn 2024-2028) và 7,07% – 7,72% (giai đoạn 2029-2033). Đặc biệt, EVFTA sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may, thủy sản… nhiều cơ hội.
Với dệt may, EU là thị trường lớn thứ 2 của ngành này với mức tăng trưởng hàng năm từ 7 – 10%, chỉ đứng sau Mỹ. Hiện thuế suất xuất khẩu hàng dệt may sang EU bình quân là 9,6% và khi EVFTA có hiệu lực, 42,5% dòng thuế áp dụng đối với dệt may Việt Nam sẽ giảm về 0%, còn lại sẽ giảm về 0% sau 3 – 7 năm. Một số doanh nghiệp dệt may có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang thị trường EU như CTCP đầu tư và thương mại TNG (HNX: TNG) khoảng 51,19%, CTCP Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC) khoảng 41%, CTCP May Sông Hồng (HoSE: MSH) khoảng 30%, CTCP May Việt Tiến (UPCOM:VGG) 14% và CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HoSE:TCM) khoảng 3,14%…
Tuy nhiên, để có thể hưởng lợi từ EVFTA, các doanh nghiệp dệt may trong nước phải tuân thủ quy tắc xuất xứ là vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU hoặc từ quốc gia mà Việt Nam và cả EU đều đã ký FTA như Hàn Quốc…
Đối với thủy sản, khi EVFTA có hiệu lực, 50% số sản phẩm thủy sản sẽ được lập tức giảm thuế nhập khẩu về 0%, 50% còn lại sẽ được giảm thuế về 0% theo lộ trình từ 3 – 7 năm. EU hiện đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17 – 18% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Các sản phẩm cá tra hiện đang chịu mức thuế 9% và sẽ được giảm về 0% với lộ trình 3 năm. Các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu cá tra sang thị trường EU lớn phải kể đến CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) với 10% và CTCP Nam Việt – NAVICO (HoSE: ANV) với 13%.
Đối với sản phẩm tôm, EU chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến từ Việt Nam. Theo cam kết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu của nhiều loại tôm nguyên liệu sẽ ngay lập tức giảm về 0% và chỉ có một số loại sẽ giảm về 0% trong vòng 5 năm.
Nhiều chuyên gia dự báo, cổ phiếu của các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang EU như nêu trên có thể sẽ tiếp tục tăng trong các phiên sắp tới.
[ad_2]