Chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu gặp nhiều rủi ro

[ad_1]

Khó chồng khó

UNCTAD nhấn mạnh, trong giai đoạn bùng phát đại dịch Covid-19, khi người tiêu dùng trên toàn thế giới vẫn phải tuân thủ các lệnh phong tỏa, họ không còn cần tới các sản phẩm mới của ngành thời trang dệt may, khiến ngành này phải chịu nhiều áp lực. Tùy thuộc vào vai trò của mỗi nước trong chuỗi cung ứng dệt may, việc xây dựng khả năng phục hồi có thể kéo theo các nhu cầu và cách tiếp cận khác nhau. Đối với các nước đang phát triển phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng dệt may sẽ phải tìm nguồn cung chi phí thấp để có doanh thu. Theo UNCTAD, trong ngắn hạn, quốc gia châu Á chịu tác động nặng nề nhất do dịch bệnh có thể là Bangladesh – nơi hàng dệt may chiếm khoảng hơn 80% các đơn hàng xuất khẩu.

Do tính chất toàn cầu hóa của ngành dệt may, các công ty, nhà bán lẻ phải vận chuyển hàng hóa và nguyên liệu thô của họ đến nhiều quốc gia. Ở cấp độ toàn cầu, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp hàng hóa thời trang quan trọng, nhưng cũng đã trở thành người tiêu dùng chủ yếu của ngành công nghiệp này. Bên cạnh Trung Quốc, còn có một số quốc gia khác đóng vai trò trung tâm chính xung quanh việc buôn bán các sản phẩm thời trang. Đây là trường hợp của Mỹ (là thị trường bán lẻ quan trọng nhất) và một số nước châu Âu (như Bỉ, Đức, Pháp và Anh) với các cảng nổi tiếng như Rotterdam và Antwerp trong hoạt động thương mại này. Từ quan điểm hậu cần, ngành dệt may được coi là một ngành nhạy cảm, khi dịch bệnh bùng phát đã dẫn đến việc các nhà máy sản xuất nguyên liệu ở Trung Quốc phải ngưng hoạt động, kéo theo sau đó là việc đóng cửa các nhà máy sản xuất ở nhiều nước khác trên thế giới.

Người lao động thiệt đơn thiệt kép

Bangladesh là nhà xuất khẩu hàng hóa dệt may lớn thứ 2 thế giới. Kể từ khi khủng hoảng dịch bệnh xuất hiện, những nhà sản xuất dệt may của nước này đã mất hơn 3 tỷ USD tiền hàng với các sản phẩm áo thun, giày, váy đã sản xuất hay đã được đặt hàng. Ngành công nghiệp dệt may cũng chiếm một phần lớn doanh thu và lực lượng lao động xuất khẩu hơn 4 triệu người ở nước này, chủ yếu là phụ nữ.

Các tổ chức ở Bangladesh dự đoán rằng, sẽ có hơn 50% lực lượng lao động bị sa thải trong thời gian tới. Vào tháng 4, các công nhân ở nhiều nơi tại Bangladesh đã biểu tình, đụng độ cảnh sát với yêu cầu chính phủ phải vào cuộc bắt buộc hoặc hỗ trợ cho doanh nghiệp vay tiền để các đơn vị sử dụng lao động tiếp tục trả lương, ít nhất là khoảng 65% mức lương ban đầu.

Ngoài chuỗi cung ứng từ các nhà bán lẻ và nhà sản xuất, người nông dân trồng bông ở Ấn Độ cũng đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Việc các đơn đặt hàng bị hủy làm giảm 1/3 giá bông kể từ đầu năm và mặc dù đã hồi phục ít nhiều nhưng các chuyên gia vẫn dự đoán rằng giá trung bình cho sản phẩm này giai đoạn 2020-2021 sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua, ở mức 57 cent/pound.

Là quốc gia đi đầu trong trồng và xuất khẩu bông, nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng bông toàn cầu, một khảo sát vào tháng 4 với 60 nhà máy dệt may Ấn Độ cho thấy, 40 đơn hàng đã bị hủy tạm thời hoặc mãi mãi.

Các chủ hàng đến từ Âu, Mỹ đã, đang và sẽ luôn viện dẫn các điều khoản “bất khả kháng” trong các hợp đồng của họ để tạm dừng các khoản thanh toán nhằm bảo toàn dòng vốn của mình. Mạng lưới Dệt may bền vững khu vực châu Á (STAR) – tổ chức đại diện của các hiệp hội dệt may từ Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Myanmar, Pakistan và Việt Nam – đã phải đưa ra một tuyên bố chung về vấn đề này.

Tuyên bố của STAR kêu gọi xem xét cẩn trọng tất cả các ảnh hưởng có thể tác động tới người lao động, doanh nghiệp nhỏ lẻ trong chuỗi cung ứng khi đưa ra các quyết định mua sắm quan trọng. STAR hối thúc các doanh nghiệp toàn cầu hỗ trợ các đối tác kinh doanh trong chuỗi cung ứng, hướng tới một chiến lược dài hạn về sự thông suốt trong kinh doanh, thống nhất chuỗi cung ứng và bền vững xã hội.

VIỆT ANH tổng hợp


[ad_2]