[ad_1]
Các nhà khoa học Australia đang thực hiện một nghiên cứu sinh học mang tính đột phá để tạo ra những cây bông vải có nhiều màu sắc. Thành công của công trình này hứa hẹn sẽ làm thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp dệt may và loại bỏ nhu cầu sử dụng các loại thuốc nhuộm hóa học có hại với môi trường.
Tiến sĩ Colleen MacMillan, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tạo ra cây bông màu của Cơ quan Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Australia. Ảnh ABC |
Trong một nghiên cứu đang được tiến hành tại Cơ quan Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Australia (CSIRO), các nhà khoa học đã tạo ra những cây bông vải với nhiều màu sắc mà không phải là màu trắng tiêu chuẩn như hiện nay.
Với hy vọng tạo ra được loại sợi tự nhiên bền hơn, co giãn tốt hơn sợi tổng hợp và được nhuộm màu tự nhiên, các nhà khoa học đã thành công trong việc “bẻ khóa” mã màu phân tử của cây bông vải và điều chỉnh gen để cây tạo ra bông với nhiều màu sắc khác nhau như màu vàng tươi, vàng cam, màu đen hay màu tím. Hiện nghiên cứu này đang được thực hiện trong phòng thí nghiệm nhưng các nhà khoa học tin rằng kết quả cụ thể sẽ có trong vài tháng tới sau khi tiến hành trồng thử nghiệm.
Tiến sĩ Colleen MacMillan, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết việc tạo ra cây bông có màu tự nhiên có thể làm thay đổi ngành dệt may toàn cầu bởi nghiên cứu mới sẽ tạo ra các loại sợi có khả năng phân hủy sinh học, có thể tái tạo, nhưng không cần nhuộm và qua đó góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ngoài ra các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu để nhân giống cây bông vải cho loại bông có màu đen tự nhiên, góp phần giảm thiểu việc sử dụng thuốc nhuộm đen, một loại hóa chất được coi là gây ô nhiễm nhất trong ngành dệt may hiện nay.
Việc tạo ra loại bông vải không cần nhuộm hóa chất cũng sẽ góp phần giảm bớt việc sử dụng các loại sợi tổng hợp vốn được cho là gây hại cho môi trường không kém các loại nhựa. Thống kê tại Australia cho thấy, mỗi năm trung bình 1 người dân nước này bỏ đi 25kg vải các loại, trong đó phần lớn là vải tổng hợp và chúng cần hàng trăm năm để phân hủy tại các bãi rác.
Kết quả nghiên cứu này được dự báo sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho ngành công nghiệp bông vải Australia, vốn có doanh thu khoảng 2 tỷ AUD mỗi năm./.
[ad_2]