Sự hợp tác giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Hoa Kỳ đang ngày càng đi vào chiều sâu, với nhiều kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất.
Rộng đường hợp tác
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, Hoa Kỳ là một thị trường lớn của ngành dệt may Việt Nam trong nhiều năm qua. Năm 2017, dự kiến xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt 30 – 30,5 tỷ USD, trong đó, 51% thuộc thị trường Hoa Kỳ.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam ngày càng trở thành đối tác lớn của ngành bông Hoa Kỳ. Lượng bông nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong 10 năm trở lại đây, từ 150.000 tấn trong năm 2005 lên khoảng 1,2 triệu tấn năm 2016. Trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 808.000 tấn bông, trị giá 1,47 tỷ USD, trong đó, nhập khẩu từ Hoa Kỳ chiếm 60%.
“Sản phẩm bông của Hoa Kỳ được đánh giá là tốt nhất, ít tạp chất, chất lượng ổn định. Ngành dệt may Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích trong hợp tác với ngành bông Hoa Kỳ”, ông Giang nói và nhìn nhận, đây là mối quan hệ tương hỗ, vì lợi ích của cả 2 bên.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với những nhận định trên.
Ông Nguyễn Ngọc Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hòa Thọ cho biết, DN hiện có 3 nhà máy sản xuất sợi được đầu tư tại Đà Nẵng và Quảng Nam, với công suất mỗi tháng khoảng 1.600 tấn sợi các loại. Nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy này là bông và xơ sợi nhân tạo, trong đó, bông nhập khẩu từ Hoa Kỳ chiếm hơn 60%.
Cũng theo đại diện của Hòa Thọ, so với bông nhập từ Tây Phi hay Ấn Độ thì bông từ Hoa Kỳ ít tạp chất, nên chất lượng sản phẩm cao hơn. Gần đây, bông của Hoa Kỳ có giá bán cạnh hơn, nên đây là lựa chọn tốt cho nhà sản xuất, đáp ứng được các đơn hàng yêu cầu chất lượng cao.
Trong khi đó, ông Jay Jun, phụ trách kinh doanh của Công ty TCE Corporation (Hàn Quốc) cho biết, DN này đã đầu tư một nhà máy sản xuất sợi tại Nam Định cách đây 4 năm và hiện sử dụng 100% bông nhập khẩu từ Hoa Kỳ để sản xuất. Được biết, nhà máy của TCE chuyên sản xuất các loại vải denim với công suất 3,5 triệu yard/tháng. Hơn 90% sản của TCE được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu…
Trong khi đó, ông Bruce Atherley, Chủ tịch Hiệp hội Bông Hoa Kỳ (CCI) nhìn nhận, đã có thêm nhiều tín hiệu tích cực cho sự hợp tác vì lợi ích của DN hai nước. Mới đây, VITAS và CCI đã phối hợp tổ chức sự kiện Cotton Day tại TP.HCM nhằm kết nối, giao lưu giữa DN ngành dệt may với các đối tác, các nhà cung cấp và các chuyên gia trong ngành bông. Dịp này, CCI cũng trao giấy chứng nhận chính thức cho 12 DN tại Việt Nam sử dụng bông chính hãng từ Hoa Kỳ với số lượng lớn.
Tăng đầu tư, mở rộng hoạt động
Thực tế cho thấy, sự hợp tác giữa DN Hoa Kỳ và Việt Nam đang ngày càng đi vào chiều sâu, nhiều DN có kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất.
“Từ nay đến năm 2020, chúng tôi sẽ đầu tư thêm nhà máy để tăng năng lực sản xuất của Hòa Thọ thêm 1.000 tấn so với hiện nay”, ông Bình chia sẻ.
Cũng theo đại diện của Hòa Thọ, DN này đã cổ phần hóa và tới đây sẽ lên sàn chứng khoán, nên đây là điều kiện thuận lợi để huy động thêm vốn đầu tư.
Trong khi đó, đại diện Công ty TCE cho biết, DN này đang xây dựng nhà máy thứ 2 chuyên về may mặc liền kề với nhà máy sản xuất sợi đã đầu tư trước đó. Dự kiến, nhà máy mới có công suất sản xuất 600.000 sản phẩm/tháng, với các sản phẩm chủ yếu là áo khoác, quần jeans và các sản phẩm may mặc bằng denim khác. DN này cũng khẳng định, với tín hiệu tích cực từ thị trường, Việt Nam sẽ là cứ điểm sản xuất của họ thời gian tới.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, không chỉ các DN trong nước hay các nhà đầu tư trong lĩnh vực dệt may “quen mặt” đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…, mà chính các DN của Hoa Kỳ đã có dự án tại Việt Nam cũng có kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất.
Đơn cử, Công ty TNHH MTV Trillions tại Khu công nghiệp Tân Đức (Long An) vừa đề xuất việc thuê thêm 5 ha để mở rộng sản xuất trong năm 2018. Tuy đăng ký đầu tư từ Brunei, song đây là công ty con của Tập đoàn Trillions (Hoa Kỳ), một đối tác lớn của các hãng Adidas và Nike. Trước đó, DN này đã đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất và hoàn thiện các sản phẩm dệt nhuộm có vốn đầu tư 15 triệu USD.
Trước nhu cầu ngày càng tăng của DN, lãnh đạo VITAS mới đây đã đề xuất đầu tư xây dựng 2 kho ngoại quan tại TP.HCM và Hải Phòng để tạo thuận lợi cho DN hoạt động trong lĩnh vực kéo sợi tại Việt Nam trong tiếp cận sản phẩm bông Hoa Kỳ.