[ad_1]
Đại dịch xảy ra khiến các cửa hàng trên khắp Bắc Mỹ và châu Âu phải đóng cửa. Nhiều thương hiệu phương Tây đã huỷ các đơn hàng trị giá hàng tỷ USD, các lô hàng như áo len và quần jeans giờ đây không có người nhận. Hàng trăm nhà máy trên khắp khu vực châu Á như Phnom Penh, Dhaka và Yangon phải đóng cửa. Hàng trăm ngàn công nhân may mặc, phần đông là phụ nữ, đã bị tạm ngừng việc hoặc sa thải.
Những người này thuộc nhóm người dễ tổn thương nhất trong xã hội, bởi dù tiền lương của họ ở mức trung bình thấp, nhưng đây là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình.
Trong những tháng gần đây, nhiều công nhân mất việc đã phải trở về quê nhà, cắt giảm lương thực và vay tiền để tồn tại. Ngân hàng phát triển châu Á ước tính trong năm nay, tốc độ tăng trưởng ngành dệt may chỉ đạt mức 0,1% – mức thấp nhất sau sáu thập kỷ. Con số này sẽ tiếp tục giảm nếu nhu cầu về hàng may mặc không có dấu hiệu tăng.
Ngành công nghiệp thời trang toàn cầu trước đó đã phải đối mặt với những cơn gió ngược và bất ổn, thì giờ đây lại đang rơi vào tình trạng hỗn loạn và khó hồi phục hơn bao giờ hết. Rubana Huq, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất may mặc ở Bangladesh, một trong những nhà xuất khẩu may mặc lớn nhất thế giới cho biết: “Tôi không nghĩ rằng ngành công nghiệp này sẽ có cơ hội phát triển lại như trước”
Gần đây, J.C. Penney Co., Neiman Marcus Group Inc. và J.Crew Group Inc. đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Achim Berg, đối tác cao cấp của McKinsey, chuyên gia tư vấn thời trang toàn cầu cho biết, một cuộc khủng hoảng lớn có thể làm giảm 20% đến 30% chuỗi giá trị – từ các thương hiệu thời trang đến các nhà bán buôn và cửa hàng bách hoá. Theo ông Berg, các doanh nghiệp phương Tây sẽ phân phối lại thị trường sang các khu vực gần kề. Các sản phẩm của thị trường châu Âu sẽ được phân phối tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đông Âu và Bắc Phi, các sản phẩm thị trường Bắc Mỹ sẽ được phân phối sang Mexico. Ông cho biết, các nhà máy muốn giảm thời gian sản xuất, tăng chất lượng và tính linh hoạt trong quá trình sản xuất. Họ cũng nhận ra rằng họ đã quá phụ thuộc vào các cơ sở sản xuất ở Đông Á.
Tăng trưởng trong ngành dệt may đã đóng góp lớn cho sự tăng trưởng ở các quốc gia châu Á. Các quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu bao gồm: Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Campuchia, Myanmar.
Trong vài năm qua, ngành công nghiệp dệt may đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện các tiêu chuẩn an toàn lao động, mặc dù còn tồn tại nhiều vấn đề như điều kiện lao động khắc nghiệt hay thu nhập đang ở mức trung bình thấp.
Ở Bangladesh, ngành dệt may chiếm tới gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 4 triệu người dân. Ở Campuchia, 75% hàng xuất khẩu là hàng may mặc và cứ một trong năm hộ gia đình sẽ có ít nhất một người là công nhân dệt may. Theo ước tính của Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam và Ấn Độ cũng là những nhà xuất khẩu hàng đầu về may mặc.
Giáo sư đại học Texas A&M, Raymond Robertson, người có những nghiên cứu nổi tiếng về kinh tế học và lao động phát triển, cho biết: “Hiện tại sẽ không có mô hình nào có thể thay thế cho ngành công nghiệp dệt may”.
Zin Mar Oo, một công nhân dệt may người Myanmar tại nhà máy thuộc sở hữu Hàn Quốc cho biết: “Đây không chỉ là một cuộc suy thoái tạm thời”. Zin Mar Oo chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, mức thu nhập trung bình hàng tháng của cô trong khoảng 155 USD. Công việc của cô là kiểm tra những đường chỉ hay đường may thừa của quần áo sau khi đã hoàn thành. Cả gia đình đều trông chờ vào đồng lương của Zin Mar Oo, vừa để trang trải cuộc sống vừa để trả nợ.
Trước khi chuyển đến khu công nghiệp ở ngoại ô Yangon, mẹ Oo chỉ kiếm được 2 USD mỗi ngày nhờ vào việc bán rau ở chợ làng. Nhiều ngày liên tiếp gia đình cô không có đủ ăn. Hiện Zin Mar Oo đang làm cho một tổ chức phi lợi nhuận địa phương, sản xuất khẩu trang với một mức thu nhập trung bình thấp.
Tổ chức Thương mại Thế giới cho biết: “Nhiều người chủ nhà máy trong khu vực phải vật lộn với các khoản thanh toán từ các thương hiệu và nhà bán lẻ lớn do đại dịch. Tại Campuchia, gần 250 nhà máy đang ngừng hoạt động, bao gồm cả nhà máy sản xuất Gladpeer Garments – nhà máy chuyên sản xuất áo phông, váy và đồ ngủ cho các thương hiệu thời trang như H&M và các cửa hàng bán lẻ của Carrefour, Pháp. Vào tháng 4, các công ty thuộc sở hữu của những ông chủ Hồng Kông đã sa thải toàn bộ lực lượng lao động Campuchia, gồm hơn 3.500 người.
Tổng giám đốc Albert Tan cho biết: “Vì không có nổi một đơn hàng mới, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa nhà máy vô thời hạn. Không có một dấu hiệu rõ ràng nào từ người tiêu dùng nên khả năng các nhà máy sẽ mở cửa lại trong năm nay là rất khó khăn”.
Ken Loo, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất may mặc Campuchia cho biết, trong khi các nhà máy không có thêm đơn đặt hàng mới, thì họ vẫn phải chi trả cho các chi phí cố định như tiền thuê mặt bằng và máy móc. Một số nhà máy sẽ không trụ được qua cuộc khủng hoảng này. Làm sao một doanh nghiệp trong nhiều tháng liên tiếp không dòng tiền về mà vẫn có thể duy trì hoạt động? Tình trạng này nếu vẫn tiếp diễn sẽ gây ra tác động nặng nề đến nền kinh tế”.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho biết, nền kinh tế Campuchia được sẽ suy giảm từ 1% đến 2,9% trong năm nay, con số thấp nhất kể từ năm 1994 và đói nghèo có thể tăng từ 3% đến 11%.
Ngân hàng Thế giới ước tính, đại dịch có thể làm tăng tỷ lệ người nghèo cùng cực – những người có thu nhập thấp hơn 1,9 USD một ngày – từ 71 triệu đến 100 triệu người. Đây sẽ là lần tăng đầu tiên kể từ năm 1998 và ước tính một nửa số người nghèo sẽ nằm trong khu vực Nam Á.
Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương Mại và Phát triển dự báo rằng trong năm nay, các doanh nghiệp sẽ đồng loạt cắt giảm 40% đầu tư từ nước ngoài.
Ngay cả trước đại dịch, một số quốc gia phải gặp nhiều khó khăn khi đi theo hướng phát triển của các quốc gia lớn ở châu Á. Các quốc gia này đã phải liên tục mở rộng nhà máy sản xuất, tạo ra những sản phẩm tiến bộ hơn, tăng chuỗi giá trị và tăng mức thu nhập. Tuy nhiên, việc xây dựng các cơ sở công nghiệp lớn, đa dạng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do Trung Quốc thống trị hầu hết các chuỗi cung ứng và các nhà máy robot bắt đầu mọc lên.
Myanmar, quốc gia phải trải qua nhiều năm kém phát triển đã thực hiện cải cách công nghiệp dệt may vào khoảng năm 2013. Trước khi Mỹ nới lỏng một số lệnh trừng phạt, quốc gia này đã gặp phải nhiều cản trở trong việc phát triển kinh tế.
Hàng trăm nhà máy dệt may thuộc sở hữu của các công ty từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước trên thế giới đã tìm cách tận dụng lao động ở các nước như Trung Quốc và Việt Nam. Myanmar cũng trở thành một phần trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, trong đó các quá trình sản xuất từ thiết kế đến dệt may sẽ được thực hiện ở các quốc gia khác nhau.
Khin Moe Moe, một thợ may 25 tuổi lớn lên ở thị trấn ven biển Kyaikkhami. Gia đình cô là những người di cư trái phép tại Thái Lan. Moe đã tham gia một khoá học ở trường đại học với ước mơ được làm giáo viên hoặc ngân hàng. Tuy nhiên, năng lực tài chính của gia đình cô không đủ để trang trải học phí và tiền vé xe bus, một phần vì cha mẹ cô đã già yếu.
Vào năm 2017, Moe trở thành mẹ đơn thân. Cô rời nhà và chuyển đến một khu công nghiệp ở ngoại ô Yangon để tìm việc làm. Cô làm thợ may ở nhà máy và một thời gian sau, cô bắt đầu gửi tiền về nhà cho cha mẹ và con trai của mình. Cô cùng ba nữ đồng nghiệp khác ở chung trong một căn phòng chật hẹp.
Sau cùng, Khin Moe Moe trở thành công nhân tại Yongan Myanmar Fashion Co., một nhà máy thuộc sở hữu Trung Quốc chuyên sản xuất áo sơ mi, áo cánh và áo khoác cho các thương hiệu như H&M của Thuỵ Điển, Zara của Tây Ban Nha và Only từ Đan Mạch. Thu nhập của Khin Moe Moe rơi vào khoảng từ 165 USD đến 190 USD. Mỗi tháng cô đều làm thêm 70 giờ để kiếm thêm thu nhập.
Chỉ riêng năm 2019, hơn 120 nhà máy dệt may đã đăng ký tại Myanmar, trong đó có những nhà máy thậm chí chỉ sản xuất khoá kéo. Theo báo cáo từ dự án cải thiện việc làm trong ngành của SMART Textile & Garments, quốc gia này đã xuất khẩu 6,7 tỷ USD hàng may mặc, giày dép và túi xách.
Đầu năm nay, đại dịch bắt đầu phá vỡ chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Moe nằm trong số hàng trăm người bị sa thải tại nhà máy. Vào tháng 4, cô đã nhận một khoản tiền từ quỹ cứu trợ của EU cho công nhân và phải về làng quê. Cha cô bắt đầu tìm việc trên các công trình xây dựng, nhưng như vậy vẫn không đủ để trang trải cho cuộc sống của cả gia đình.
Con trai của Moe hiện đã 4 tuổi, cần phải đến trường và được hỗ trợ những chi phí đi kèm. Gia đình cô đã lâu không còn mua gà hay cá, thay vào đó cả nhà phải ăn cơm với bột cà ri rẻ tiền. Hiện Moe không biết bao giờ cô mới có thể qua lại Yangon và tìm được một công việc mới. Cô cho biết: “Tôi thực sự cần có một công việc để tồn tại và nuôi dạy con tôi”.