3 kịch bản xuất khẩu của ngành dệt may năm 2020

[ad_1]

Trong một kịch bản lạc quan nhất, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm 2020 sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019, với kịch bản hiện thực, con số đạt được dự kiến là 33,5 tỷ USD, nhưng kịch bản xấu nhất, kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ đạt 30 – 31 tỷ USD.



Ngành dệt may đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2020 trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Với kịch bản xấu nhất, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2020 có thể chỉ đạt 30-31 tỷ USD

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa có buổi làm việc với một số Hiệp hội, ngành hàng chủ chốt trong lĩnh vực nông sản, thủy sản và công nghiệp để bàn về việc tiếp tục khắc phục khó khăn và giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sau dịch bệnh Covid-19.

Dệt may tiên lượng xấu

Báo cáo tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và EU, chắc chắn, ngành dệt may Việt Nam sẽ có một năm suy giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu.

“Trong một kịch bản lạc quan nhất, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019. Với kịch bản hiện thực, con số này là 33,5 tỷ USD và với kịch bản xấu nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể chỉ đạt 30 – 31 tỷ USD”, Vitas dự tính.

Xuất khẩu dệt may 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 8,9 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ. Nhưng mức giảm này chưa phản ánh hết thực tế thiếu đơn hàng xuất khẩu của ngành này. Con số giảm mạnh phải chờ đến tháng 5 và tháng 6, khi lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều nằm trong khoảng thời gian này. 

Tiên lượng về các kịch bản xuất khẩu trong năm 2020 của ngành dệt may được đặt trong bối cảnh chung của thị trường toàn cầu, trong đó, khả năng tổng cầu hàng hóa dệt may sẽ suy giảm 25%.

Tổng cầu dệt may toàn thế giới năm 2020 dự báo sẽ sụt giảm mạnh. Năm 2019, tổng nhập khẩu hàng dệt may thế giới là 780 tỷ USD. Nếu dịch bệnh không được đẩy lùi hết quý II/2020 mà kéo dài đến Quý III năm 2020, dự báo cầu nhập khẩu dệt may thế giới sẽ xuống đến ngưỡng 600 – 680 tỷ USD, giảm từ 15 – 25% so với mức 780 tỷ USD của năm 2019 do nhìn chung nhu cầu hàng hoá Xuân Hè đã qua đi, năm nay sẽ là năm thị trường mất mùa một vụ.

Trước tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng trầm trọng, công nhân không có việc làm, áp lực trả lương cho người lao động đè nặng, mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã gửi các văn bản kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan đề nghị có các giải pháp tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Vốn hỗ trợ chưa đến tay doanh nghiệp

Vốn hỗ trợ chưa đến tay là phản ánh của hầu hết các doanh nghiệp tham dự cuộc họp với lãnh đạo Bộ Công Thương. Nhiều hiệp hội ngành hàng cho biết, sự hỗ trợ thiết thực nhất của Nhà nước lúc này chính là hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm chi phí, đồng thời thông qua doanh nghiệp hỗ trợ người lao động để có thể duy trì đội ngũ công nhân, đẩy mạnh sản xuất sau dịch.

Thực tế, một số gói hỗ trợ thời gian qua đã được triển khai, tuy nhiên còn chưa phù hợp với thực tế khiến doanh nghiệp khó tiếp cận.

Chẳng hạn, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp dệt may, gói hỗ trợ về tài chính hiện vẫn chưa đến tay các doanh nghiệp. Có rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp lớn đang phải “gồng mình” để cố gắng bằng mọi phương án (trong đó có phương án chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang) để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp trong ngắn hạn. 

Đặt vấn đề khởi động lại nền kinh tế sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh và hỗ trợ cho doanh nghiệp tại buổi làm việc với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, Covid-19 đã làm đứt gãy của chuỗi cung ứng; làm thay đổi của phương thức sản xuất và tiêu dùng trong xã hội; tổng cầu của cả nền kinh tế giảm, ảnh hưởng đến sản xuất; kích thích tăng thêm xu thế bảo hộ mậu dịch.

Bởi vậy, theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, gói hỗ trợ của Chính phủ trong bối cảnh này dành cho doanh nghiệp và người dân là cần thiết. Theo đó, cần hỗ trợ thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, khơi thông thị trường, đặc biệt quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt cả nền kinh tế. Đặc biệt, gói hỗ trợ cần dành cho những ngành nghề thực sự cần thiết, sử dụng nhiều lao động.

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, để khắc phục những khó khăn chung do dịch bệnh, các doanh nghiệp ngành giấy vẫn nỗ lực không ngừng để trụ vững, vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo đời sống cho người lao động. Một số doanh nghiệp ngành giấy đã rất linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh.

Chẳng hạn, để đảm bảo hoạt động kinh doanh được ổn định doanh nghiệp đã tranh thủ dịch để dừng sản xuất, bảo trì máy, chuyển đổi mô hình, khai thác các khách hàng mới, tận dụng thời cơ Trung Quốc khan hiếm nguyên liệu để xuất khẩu hàng tồn kho …

Tuy nhiên, để trụ lại, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị, để cứu doanh nghiệp trong lúc này, doanh nghiệp cần được tiếp sức sớm hơn. Quan trọng là thủ tục, chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn phải linh hoạt để doanh nghiệp không nản.

Hiệp hội này đề nghị các ngân hàng cần áp dụng sát các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Cụ thể, áp dụng các chính sách hỗ trợ với các nhóm nợ và bổ sung thêm khoản vay bằng USD bên cạnh VNĐ…


[ad_2]