Xuất khẩu qua môi trường số- Cửa ngõ đưa hàng dệt may Việt vào EU

[ad_1]



Hiện thị phần xuất khẩu dệt may Việt Nam vào EU mới đạt 2,7%, dư địa thị trường còn rất lớn để doanh nghiệp Việt khai thác. Ảnh: I.T.

Quy mô thị trường rất lớn, khả năng phục hồi nhanh

Với quy mô nhập khẩu hàng dệt may hằng năm hơn 250 tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới (chiếm 34%). Tuy nhiên, hiện thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào thị trường này mới chiếm khoảng 2,7%. Như vậy, dư địa để ngành dệt may gia tăng xuất khẩu vào EU sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực là rất lớn.

Với EVFTA, 100% mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/8/2020). Cụ thể, đối với mặt hàng dệt may, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 5 năm và 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.

Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng từ dịch Covid- 19, các chỉ số về tình hình thị trường toàn cầu, trong đó có thị trường châu Âu và nhất là thị trường Đức và Pháp đều đang cho thấy những tác động nặng nề. Doanh thu từ các kênh tiêu thụ đều báo con số giảm 30%-40% và sẽ còn tiếp tục khó khăn cho cả 2020 và 2021.

Các nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống cửa hàng bị đóng cửa và khách hàng bị sụt giảm thu nhập. Tuy nhiên, các chuyên gia thuộc Chương trình xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO) mới đây đã nhận định dự kiến khả năng khôi phục vào mùa thu đông 2020 và nhóm sản phẩm có khả năng duy trì, phục hồi gồm nhóm hàng cao cấp (luxury), vải kỹ thuật (technical textiles), đồ trẻ em, nội thất (home textiles),…

Cơ hội từ môi trường thương mại điện tử



Tiếp cận thị trường qua môi trường thương mại điện tử là hướng đi khả quan để dệt may Việt có thể mở rộng thị phần tại EU. Ảnh: I.T.

Do đại dịch Covid-19, người tiêu dùng đang thay đổi cách thức mua sắm, việc hạn chế di chuyển sẽ khiến các cửa hàng truyền thống gặp nhiều khó khăn, buộc phải chuyển đổi phương thức bán hàng trên những kênh bán hàng trực tuyến hoặc tương tự.

Để thích ứng kịp thời với sự thay đổi này, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển kinh doanh, xúc tiến thương mại trên môi trường thương mại điện tử.

Cụ thể, Cục đã phối hợp với Amazon Global Selling hỗ trợ và đào tạo các doanh nghiệp kỹ năng kinh doanh, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm bằng thương hiệu mình trên nền tảng thương mại điện tử Amazon.

Trong thời gian tới, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ tiếp tục tìm hiểu và đàm phán với những tên tuổi lớn trong ngành thương mại điện tử như Alibaba, Global Sources, Fibre2Fashion… để bổ sung thêm các kênh thương mại cho sản phẩm dệt may Việt Nam tiếp cận gần hơn với các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng EU.

Bên cạnh đó, Cục sẽ tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến cung cấp thông tin về EVFTA, tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại trên nền tảng số, đào tạo thiết kế 3D thông minh cũng như các hoạt động tuyên truyền, quảng bá; thiết kế, phát triển sản phẩm để có thương hiệu riêng cho sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Theo các chuyên gia quốc tế, đây là thời điểm các doanh nghiệp phải tăng cường quảng bá hình ảnh rõ nét hơn trên truyền thông và mạng xã hội. Minh bạch và Truyền thông để giành lại khách hàng và niềm tin của người tiêu dùng là yếu tố rất quan trọng. Đây cũng là cách thức ngành dệt may Việt Nam truyền tải được tới cho cộng đồng thời trang quốc tế hình ảnh năng động của ngành dệt may Việt Nam, tận dụng cơ hội gia tăng tính cạnh tranh của ngành nhờ Hiệp định EVFTA đang mở đường.

Đồng thời các chuyên gia cũng cho biết, để tối đa hóa lợi ích từ việc giảm thuế ưu đãi, cần sớm triển khai các hoạt động xúc tiến nhập khẩu, kết nối nguồn cung vải và nguyên phụ liệu dệt may với các nước nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ của EVFTA, cũng như tránh lệ thuộc vào một nguồn cung như thời gian qua.


[ad_2]