Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong khi các quốc gia lớn trên thế giới có xu hướng giảm.
Đã có 6 thị trường mang về trên 1 tỷ USD cho dệt may Việt Nam
Việt Nam dự kiến sẽ thu về 31 tỷ USD từ xuất khẩu hàng dệt may năm nay, tăng trưởng hơn 10% so với năm trước.
Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2017, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 12,53 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2016; thị trường EU ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 5,4%; thị trường Nhật Bản đạt 3,05 tỷ USD, tăng 5,2%.
Khẳng định kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay tăng tới 40 lần so với thời điểm một thập kỷ trước đây khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhấn mạnh sự tăng trưởng này đặc biệt ấn tượng trong bối cảnh nhập khẩu thế giới lại giảm 0,85%.
Ông Trường tiết lộ, kim ngạch các quốc gia xuất khẩu mặt hàng dệt may lớn trên thế giới đều có xu thế giảm, trong đó Trung Quốc giảm 1,2%, Bangladesh giảm 1,3%, Thổ Nhĩ Kỳ giảm 4%. Chỉ có 3 quốc gia tăng trưởng là Ấn Độ tăng 3%, Campuchia tăng 3% và Việt Nam tăng trên 10%.
Theo ông Trường, có được kết quả này là nhờ vào nội lực của doanh nghiệp tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tăng số lượng thị trường xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD từ 3 thị trường là Nhật Bản, EU và Mỹ trước năm 2013 lên 6 thị trường hiện nay.
Ông Trường dẫn chứng kể từ khi có Hiệp định thương mại Việt Nam-Hàn Quốc năm 2014, Hàn Quốc đã trở thành thị trường có trên 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu và nay đã đạt 2,6 tỷ USD.
Trong năm 2017, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trở thành thị trường có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD của Việt Nam, với kim ngạch đạt 1,3 tỷ USD.
Đặc biệt, trong năm 2017 Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc với các mặt hàng mới như sợi, xơ và đạt kim ngạch 3,2 tỷ USD, bằng với thị trường Nhật Bản – thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam trong suốt hơn 20 năm của ngành dệt may Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hiệp định Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) cũng đã đánh dấu sự trở lại của dệt may Việt Nam vào thị trường các nước Liên Xô cũ. Trong năm 2016-2017, xuất khẩu vào Nga tăng trưởng với tốc độ 56% và đến nay đạt xấp xỉ 200 triệu USD.
“Nga là thị trường hết sức tiềm năng với kim ngạch dệt may lên tới 9,8 tỷ USD trong khi Việt Nam mới chiếm được khoảng 1,8%”, ông Trường cho biết.
Theo ông Trường, các hiệp định thương mại song phương và đa phương như WTO và FTA đã “mở cửa” thị trường cho dệt may Việt Nam, nhờ đó đạt được tốc độ tăng trưởng cao, thị phần liên tục được cải thiện.
“Trước khi tham gia các hiệp định thương mại, Việt Nam gần như không có thị phần ở Mỹ nhưng hiện nay Mỹ là quốc gia đứng thứ hai về thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam”, ông Trường cho biết.
Theo ông Trường, vì Hiệp hội Dệt may và các Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã tham dự sâu và chủ động vào quá trình thương thảo, đàm phán hầu hết các hiệp định FTA nên cập nhật thông tin kịp thời, chủ động đề xuất được các phương án cho đoàn đàm phán để tận dụng được lợi thế của ngành dệt may cũng như chuẩn bị phù hợp với xuất xứ và các nguyên tắc sẽ áp dụng.
Nhằm phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, ông Trường đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành thúc đẩy các hợp tác kinh tế mới, đặc biệt là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sớm ký kết hiệp định Việt Nam-EU.
Bên cạnh đó, ông cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần có thỏa thuận về việc hỗ trợ thanh toán của các doanh nghiệp trong liên minh kinh tế Á-Âu để chính thức qua hệ thống ngân hàng giảm rủi ro, tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường đầy tiềm năng này.
Nguồn TheLeader