Xuất khẩu dệt may muốn bỏ phận gia công

[ad_1]

Ngành công nghiệp dệt may trước nay vẫn kiên định với việc làm gia công cho các nhà mua hàng nước ngoài nhưng đại dịch đang dấy lên mối lo “trắng đơn hàng” từ các nhà nhập khẩu. Eurolink, công ty sản xuất sản phẩm thời trang của Giovanni Group, chấp nhận một số thay đổi, dọn đường cho việc áp dụng phương thức sản xuất ODM (chủ động thiết kế, nguyên phụ liệu, sản xuất và giao hàng).

“Chúng tôi đang xây dựng các kênh bán hàng trực tiếp đến người dùng châu Âu, đồng thời hợp tác với một số nhãn hàng danh tiếng, họ sẽ ủy quyền cho chúng tôi từ thiết kế đến giao hàng”, ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Eurolink, cho biết.

Eurolink có thể trực tiếp bán các sản phẩm thời trang ở thị trường châu Âu bằng thương hiệu riêng sau năm 2025 nhưng kế hoạch này đang bị cản trở bởi những khó khăn về phát triển thiết kế và nguồn nguyên phụ liệu cao cấp. 

 

Theo ông Thành, làm ODM, doanh nghiệp phải tổ chức được phần thiết kế và sản xuất các bộ sưu tập thời trang theo mùa.  Việc thuê thiết kế nước ngoài sẽ giúp Eurolink tạo ra các sản phẩm được tư duy bởi người bản địa, quốc gia công ty có ý định bán hàng.

Tuy nhiên, chi phí thiết kế cao sẽ gây áp lực rất lớn lên giá thành sản phẩm trong tương lai. Trong khi đó, việc hợp tác với các nhà thiết kế trong nước lại không khả thi. Các nhà thiết kế có chút danh tiếng trong nước thường tự xây dựng thương hiệu, không muốn tham gia vào các nhà máy sản xuất, thậm chí có nhà thiết kế còn “từ chối khéo” bằng cách đưa ra mức lương cao ngất.

Những người ủng hộ làm ODM nói rằng nút thắt về thiết kế có thể được tháo gỡ bằng việc đưa nhân sự ra nước ngoài đào tạo. Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết nhiều công ty đã đi theo hướng này, phát triển bộ phận thiết kế từ các nhân sự được đào tạo ở nước ngoài, nhưng đến nay họ vẫn chưa bắt kịp được xu hướng thời trang thế giới. Việt Nam chưa có các nhà thiết kế tầm cỡ và cũng chưa đầu tư đủ cho vấn đề này. Làm ODM, ông Cẩm cho là “mục tiêu không đơn giản khi thiết kế đang là điểm yếu nhất của ngành dệt may”. 

Những thách thức khác cũng có thể làm các doanh nghiệp nản lòng không muốn chuyển sang làm ODM. Việt Thắng Jean đã có nhiều lần thất bại trước khi phát triển thành công thương hiệu riêng V-SixtyFour và tự bán sản phẩm tại châu Âu, Nhật, Hàn Quốc và Singapore, theo Chủ tịch Phạm Văn Việt. Việt Thắng Jean đã mất 2 năm để xây dựng bộ phận nghiên cứu, mất 4 năm sau đó để triển khai các hoạt động nghiên cứu thị trường, thiết kế và bán sản phẩm ra thế giới.

 

Bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, Việt Thắng Jean buộc phải đầu tư công nghệ mới, với phần cứng có niên hạn trên 10 năm và phần mềm đòi hỏi liên tục cập nhật sau mỗi 3-5 năm.

Chưa hết, công nghệ hiện đại cũng đòi hỏi nguồn nguyên liệu phù hợp. Việt Thắng Jean đã tìm kiếm nguyên liệu khắp thế giới, nghiên cứu và thử nghiệm để tìm nguồn cung ứng bền vững. Ví dụ, nguyên liệu vải nhập từ Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan hoặc Ý đáp ứng được yêu cầu của công nghệ mới, nhưng nguyên liệu từ Trung Quốc có giá rẻ hơn lại không sản xuất được. 

Thực ra, Việt Nam đang có cơ hội chen chân vào ngành công nghiệp thời trang thế giới từ các hiệp định thương mại tự do đã ký, đặc biệt là EVFTA và CTPPP. Khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may chắc chắn sẽ lớn hơn mức 3% giá trị xuất khẩu, theo báo cáo mới nhất của Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS), nếu ngành này tiếp cận phương thức sản xuất ODM.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 về xuất khẩu hàng dệt may ra thế giới, nhưng số liệu của MCSS cho thấy, chỉ 5% doanh nghiệp sản xuất theo phương thức ODM. Việt Nam vẫn duy trì tới 65% doanh nghiệp sản xuất theo phương thức CMT (gia công theo đơn hàng) – phân khúc có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi và 30% làm FOB (giao hàng lên tàu tại cảng). 

 

Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc MCSS, nói rằng doanh nghiệp đang chịu thiệt rất lớn khi lợi nhuận bình quân trên doanh thu thuần của CMT chỉ 1-3%, FOB là 3-7% và ODM hơn 5-7%, hậu quả của một quá trình mà cách thức sản xuất chạy theo số lượng nhiều hơn là giá trị.

Ông giải thích, khi bán một sản phẩm may mặc với giá 100 USD, lợi nhuận bên gia công là 2,6% trong khi lợi nhuận bên bán lẻ là 1,7% và lợi nhuận của hãng là 5,7%. Như vậy, lợi nhuận của doanh nghiệp làm CMT chỉ chiếm 7% lợi nhuận của hãng và chiếm 23% của bên bán lẻ. 

Theo Tiến sĩ Thành, cần thời gian để doanh nghiệp dệt may dịch chuyển sang ODM nhưng trước đó phải giải quyết dứt điểm những tồn tại dai dẳng để có thể bước lên bậc giá trị cao hơn trong chuỗi. Thứ nhất, thay đổi phương thức sản xuất và đầu tư hơn nữa cho nghiên cứu và phát triển, đủ sức đón đầu hoặc tạo ra xu thế thời trang. Thứ 2, đầu tư nguồn nguyên phụ liệu cao cấp. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có riêng chiến lược cho nguồn cung nguyên phụ liệu, cũng như tổ chức lại chuỗi cung ứng của ngành. Thứ 3, đảm bảo được thời gian thiết kế, thời gian giao hàng, những yếu tố các nhà tiêu thụ rất quan tâm.


[ad_2]