Khi Covid-19 bùng phát, các đơn hàng may mặc bị hoãn, huỷ, TNG nổi lên như một doanh nghiệp nhanh chân chuyển hướng sản xuất khẩu trang vải, sau này là khẩu trang y tế, đồ phòng hộ y tế…
Nhưng sau gần nửa năm khẩu trang giúp công ty ghi nhận doanh thu tốt, ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư & Thương mại TNG cho biết đã dừng sản xuất vì “thị trường đã bão hoà”.
“Khẩu trang – mặt hàng mùa vụ giờ đã dư cung nên chúng tôi dừng để chuyển sang mặt hàng chiến lược khác”, ông nói.
Các mặt hàng chiến lược theo Chủ tịch TNG là thời trang công sở – vốn là mặt hàng thế mạnh của TNG và các mặt hàng sản phẩm y tế, đồng phục bảo hộ lao động. Đây là các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8, sẽ giúp doanh nghiệp được hưởng lợi thế ưu đãi thuế.
“Khoảng 40% doanh thu TNG hiện đến từ thị trường châu Âu và điều này giúp công ty hưởng lợi khi hiệp định chính thức có hiệu lực”, ông Thời tự tin.
Công nhân TNG sản xuất trang phục y tế. Ảnh: TNG
|
Lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may lớn khác cũng đồng tình, khẩu trang chỉ là mặt hàng thời vụ, cứu cánh cho doanh nghiệp dệt may lúc khó khăn. Muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp vẫn phải quay lại với các sản phẩm chủ lực của mình.
Ông cho hay, quan điểm sản xuất và xuất khẩu khẩu trang của doanh nghiệp ngay từ đầu là “make to order (có đơn hàng thì mới sản xuất)” để tránh tồn kho, cũng như tranh chấp khiếu nại không đáng có. “Chúng tôi không bán nợ, mà thu tiền trước khi nhận hàng, nên chấp nhận bán ít chứ không ồ ạt. Nhờ đó doanh nghiệp không có hàng tồn kho khẩu trang, không lo phải đẩy hàng tồn khi thị trường dư cung”, ông nêu quan điểm.
Tuy nhiên các ông chủ dệt may không phủ nhận, khẩu trang là mặt hàng giúp họ vượt qua thời điểm rất khó khăn vì Covid-19. Như với TNG, nhờ chuyển hướng sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn phục vụ chống dịch nên doanh thu tiêu thụ nội địa quý I đạt 63,3 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của TNG cũng cho thấy, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 1.995 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, riêng doanh thu nội địa đạt 167 tỷ, tăng 55% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân tổng doanh thu giảm 7%, theo ông Thời, do ảnh hưởng của Covid-19 nên khách hàng thoả thuận giãn thời gian giao hàng sang quý III, với số lượng hàng trị giá hơn 32 tỷ đồng.
“Nếu xuất hết thì tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 94,2 % so cùng kỳ”, ông cho hay. Đến nay công ty đã nhận được đủ đơn đặt hàng hết quý III và đang tập trung cao độ sản xuất để hoàn thành kế hoạch doanh thu đã đề ra.
Trong nửa cuối năm 2020, TNG dự kiến doanh thu tăng trưởng 9% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý III, doanh nghiệp này dự kiến doanh thu tăng trưởng 15%, lợi nhuận sau thuế tăng 20% so với 2019.
Chủ tịch TNG tiết lộ, doanh nghiệp đã có hợp đồng với nhiều khách hàng trị giá 212 triệu USD và đang đàm phán cung cấp các đơn hàng thiết bị y tế cho trung tâm kiểm soát dịch bệnh một số tỉnh, thành. Bên cạnh đó, các khách hàng lớn truyền thống vẫn duy trì sản lượng tương đương năm 2019. Đầu năm nay, TNG đã tăng gấp đôi công suất nhà máy bông, qua đó đóng góp thêm 1% doanh thu.
Năm 2020, doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu 4.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 230 tỷ đồng.
Theo ANH MINH (VnExpress)