[ad_1]
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần chứng khoán SSI, đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã công bố kết quả kinh doanh trong quý 1. Tất cả đều ghi nhận có sự sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ. Chỉ có 2 công ty ghi nhận mức tăng trưởng dương trong quý 1 là Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh tăng 32% cả về doanh thu và lợi nhuận và Sợi Thế Kỷ tăng 2% về doanh thu và 0,3% về lợi nhuận.
Một số công ty đã công bố kế hoạch năm 2020, hầu hết đều ước tính giảm lợi nhuận. Cụ thể, May Thành Công ước tính sẽ giảm khoảng 13%, Tổng công ty May Việt Tiến ước tính giảm tới 80%, Tổng công ty May 10 giảm khoảng 20% trong kịch bản cơ sở và 39% trong kịch bản xấu nhất.
Thiếu đơn hàng, xuất khẩu dệt may tiếp tục giảm mạnh sau đại dịch. (Ảnh minh họa) |
Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng 4 giảm 20% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu dệt may chỉ đạt 10,63 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị nhập khẩu cũng chỉ đạt 6,39 tỷ USD, giảm 8,76% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam quan ngại, con số giảm mạnh phải chờ đến hết tháng 5 và tháng 6 tới, khi lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều nằm trong khoảng thời gian này.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ước tính, ngành dệt may có thể mất tới 50% đơn đặt hàng trong tháng 5. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu giảm có thể khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm 20%.
Nhận định về hành vi tiêu dùng của khách hàng sau đại dịch Covid-19, Vinatex cho hay, hàng hoá dệt may chưa nằm ở mức thiết yếu cao như thực phẩm, thuốc men, các thiết bị bảo vệ con người… nhưng cũng thuộc nhóm các sản phẩm có nhu cầu thiết yếu.
Vì vậy, sau khi đại dịch Covid-19 đi qua, dệt may sẽ là một trong các nhóm hàng hoá có thể phục hồi sớm. Các mặt hàng cơ bản, giá rẻ sẽ phục hồi trước và chiếm tỷ lệ bán chính trong quý 3, quý 4/2020.
“Nhu cầu có thể sẽ phục hồi từ quý 3/2020, bắt đầu bằng việc phục hồi các sản phẩm cơ bản, giá trung bình thấp và thấp. Các doanh nghiệp có vị trí tốt hơn trong chuỗi cung ứng sẽ có đơn hàng trước. Tuy vậy, khả năng tổng cầu thế giới 2020 của dệt may vẫn giảm 20 – 25%”, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết.
Cũng theo ông Trường, trước mắt, khi dịch bệnh được kiểm soát và nhu cầu về các sản phẩm y tế không còn, ngành dệt may sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2020 có thể giảm tới 20% so với năm 2019.
Do đó, việc cần làm ngay tại thời điểm này là tập trung đàm phán với các nhà cung cấp để chuyển nguồn cung nguyên phụ liệu về Việt Nam nhằm đáp ứng được yêu cầu xuất xứ và hưởng lợi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU; bắt đầu làm các đơn hàng thử nghiệm với quy mô nhỏ nhưng đòi hỏi yêu cầu cao hơn về chất lượng.
Trong quý 2, chủ trương của Tập đoàn là tiếp tục sản xuất các mặt hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế nhằm tận dụng nhu cầu tại các thị trường nước ngoài hiện đang được dự báo vẫn ở mức cao. Quan trọng là toàn bộ hệ thống Vinatex phải duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động bình thường với công suất cao ngay khi thị trường có dấu hiệu phục hồi.
Bộ Công Thương đánh giá, các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày đến nay đã chịu tác động rất lớn bởi dịch Covid-19. Khi nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc trong quý 1 bị gián đoạn mới được phục hồi trở lại thì từ ngày 16/3 tới nay, các doanh nghiệp lại đối mặt với nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng tại các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán làm cho các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn./.
[ad_2]