[ad_1]
Dòng tiền ngắn hạn mang tính đầu cơ cũng thường rút ra nhanh chóng khi thị trường chung có chuyển biến xấu.
Tháng 7, xác suất lớn là đi ngang
Sự vận động của thị trường đã vượt qua những kỳ vọng ban đầu về nhịp hồi phục, với hành trình tăng điểm kéo dài gần 3 tháng, đặc biệt kể từ khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt.
Giai đoạn thị trường tăng mạnh nhờ sự hưng phấn quá đà của dòng tiền, của nhà đầu tư mới, vượt xa các dự báo và phân tích, đánh giá về nền tảng cơ bản, kinh tế, vĩ mô… dường như đã qua đi.
Bản chất của sự vận động trên được lý giải là nhờ sự dịch chuyển của dòng tiền nóng trong nền kinh tế, đó là tiền nhàn rỗi của người dân, tiền của doanh nghiệp chưa đổ vào sản xuất – kinh doanh do những khó khăn của đầu ra… và khi cơ hội kiếm lời dần thu hẹp lại, dòng tiền cũng trở nên thận trọng hơn.
Về xu hướng ngắn hạn, chỉ số VN-Index dự báo vẫn tiếp tục vận động trong vùng 860 – 880 điểm và đã xuất hiện rất nhiều cổ phiếu bước vào vùng quá mua do áp lực chốt lời ngày càng mạnh.
Do đó, thanh khoản luôn duy trì ở ngưỡng rất cao trong giai đoạn nửa đầu tháng 6 là điều có thể lý giải được.
Nhận định về xu hướng thị trường trong tháng 7, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho rằng, thị trường sẽ theo hướng đi ngang nhiều hơn với giao dịch quanh 900 điểm hoặc dưới mốc này.
Lý do vì các dòng tiền trên thị trường đang yếu dần, nhưng các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư mới (F0) vẫn còn khá hào hứng với thị trường, kỳ vọng lớn và giữ cổ phiếu khá nhiều, trong khi nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài lại kém hào hứng hơn, khiến thanh khoản những ngày cuối tháng 6 thấp hơn nhiều so với tháng 5 và đầu tháng 6.
Bên cạnh đó, dù rằng Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng trên thế giới, các thông tin vẫn còn nhiều tiêu cực khi Covid-19 vẫn trầm trọng ở nhiều khu vực, thương chiến Mỹ – Trung còn phức tạp, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là giá vàng liên tục lập đỉnh mới, khiến các nhà đầu tư chứng khoán có phần e dè hơn.
Có một điều có thể nhận ra trong thời gian vừa qua, đó là dù khó khăn nhưng nền kinh tế vẫn đang dư thừa vốn. Điều này lý giải cho việc dòng tiền nhàn rỗi đổ vào thị trường chứng khoán (TTCK) rất mạnh mẽ, cùng với thanh khoản luôn được duy trì ở ngưỡng cao trong suốt thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, dòng tiền ngắn hạn mang tính đầu cơ cũng thường rút ra nhanh chóng khi thị trường chung có chuyển biến xấu hoặc khi khó tìm kiếm lợi nhuận và điều này đang bắt đầu xảy ra.
“Trong tháng 7, các doanh nghiệp bắt đầu bước vào đợt công bố báo cáo tài chính quý II, do đó sự phân hoá sẽ diễn ra mạnh hơn theo kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp. Sẽ không còn câu chuyện ‘cứ mua là thắng’ dễ dàng xảy ra như thời gian trước, tôi cho rằng, sự thận trọng sẽ lớn dần trong tâm lý chung của nhà đầu tư và ảnh hưởng khá nhiều tới dòng tiền nóng ngắn hạn”, ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank nêu quan điểm.
Trong ngắn hạn, việc chỉ số VN-Index đã qua giai đoạn tạo đỉnh ngắn nên sẽ kéo theo tình trạng phân hóa rõ ràng hơn giữa các nhóm cổ phiếu, trong bối cảnh tình hình kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý II vẫn còn là một ẩn số khó dự đoán và có thể gây ra các tác dụng trái chiều.
Khi đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý II tốt và khả quan sẽ là điểm đến thu hút dòng tiền bên cạnh các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt trong hai quý còn lại của năm 2020.
Tháng 7, đỉnh điểm phân hóa?
Có thể thấy, một trong những yếu tố chi phối xu hướng TTCK tháng 7 tới là mùa công bố kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết đang bắt đầu và dự kiến sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ.
Những doanh nghiệp có hoạt động thương mại quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, kế đến là các doanh nghiệp thích ứng chậm với tình hình mới. Những doanh nghiệp thích ứng được việc chuyển hướng kinh doanh, gia tăng thương mại nội địa cũng như các sản phẩm thiết yếu cần thiết với nhu cầu kinh tế hiện nay dù vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi khó khăn dịch bệnh, nhưng kết quả vẫn khả quan hơn.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu công nghệ, hàng tiêu dùng thiết yếu, thương mại điện tử thì dù trước, trong và sau dịch vẫn kinh doanh được nên nhóm này có triển vọng tốt nhất.
Nhìn chung, theo các chuyên gia, trong quý II, rất nhiều ngành vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi vấn đề dịch bệnh, do đó kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp được dự báo sẽ còn khó khăn, thậm chí báo lỗ. Do đó, nhà đầu tư cần nâng cao “tinh thần cảnh giác” để đảm bảo quản trị rủi ro.
Ông Dương Hoàng Linh cho rằng, sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các nhóm ngành ở các mức độ khác nhau và khiến sự phân hoá diễn ra mạnh.
Bức tranh này được thể hiện khá rõ trong kỳ báo cáo tài chính quý I vừa qua. Các ngành bị ảnh hưởng mạnh nhất gồm có du lịch, dịch vụ hàng không, nông nghiệp, dầu khí…
Trong khi đó, một số ngành ít bị tác động hơn, thậm chí kết quả kinh doanh đạt mức tăng trưởng khá tích cực như chứng khoán, vật liệu xây dựng, y tế, chăn nuôi lợn, phân đạm, cao su thành phẩm… Do đó, nhà đầu tư cần chú ý cơ cấu doanh mục đầu tư để đón đầu mùa báo cáo tài chính sắp tới.
Dù ngành bất động sản công nghiệp được dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm 2020 nhưng một số doanh nghiệp phân khúc bất động sản khu công nghiệp dự báo kết quả kinh doanh nửa đầu năm khá ổn định.
Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp ngành thép, thủy sản, dệt may… được dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh về lợi nhuận.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), việc “đón đầu” các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý II/2020 tích cực giúp nhà đầu tư nắm bắt cơ hội như nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ tăng tốc đầu tư công, nhóm cổ phiếu chứng khoán, bán lẻ, thủy sản, thực phẩm và đồ uống, xây dựng và vật liệu xây dựng…
Dù không phải cổ phiếu của doanh nghiệp nào cũng có diễn biến giá tỷ lệ thuận với dự báo kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm, nhưng đây vẫn là cơ sở quan trọng để nhà đầu tư nhận định về triển vọng tăng trưởng hay thụt lùi của doanh nghiệp, từ đó điều chỉnh chiến lược đầu tư hợp lý hơn.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Vietinbank cho rằng, dòng tiền sẽ có chiều hướng phân hóa và tập trung vào những cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II khả quan.
Bên cạnh đó, kịch bản cho khả năng tăng điểm mạnh của chỉ số VN-Index là không cao do sự phân hóa của dòng tiền như đã đề cập và khoảng thời gian công bố kết quả kinh doanh quý II có thể có nhiều biến động khó lường trên TTCK.
Không chỉ phân hóa theo từng nhóm cổ phiếu mà ngay trong một ngành cũng sẽ có sự phân hóa rõ rệt, tùy vào hiệu quả kinh doanh của từng doanh nghiệp.
“Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư nên chú ý tới nhóm cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II khả quan như dệt may, thủy sản, bất động sản, nguyên vật liệu và chứng khoán”, ông Trung gợi ý.
[ad_2]