Từ trước tới nay, biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngành dệt may thuộc nhóm thấp, bởi là ngành chịu gánh nặng chi phí lớn và thâm dụng nhân công cao. Tuy nhiên, hiện tại, tận dụng thời cơ từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, các doanh nghiệp ngành này đang lên kế hoạch tăng tốc để bứt phá.
Nắm bắt cơ hội
Theo các chuyên gia kinh tế, ngành dệt may là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Mà biểu hiện cụ thể là xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh, chiếm khoảng 13 – 14%, trong khi thị phần xuất khẩu dệt may của doanh nghiệp Trung Quốc sang Mỹ đã giảm từ hơn 50% xuống còn 42%.
Bộ Công Thương cho biết, lũy kế 8 tháng năm 2018, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 19,76 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng tăng 2,86 tỷ USD. Ngành dệt may đang có vị trí tích cực trên bản đồ thế giới khi lọt vào Top 5.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, Công ty đang có nhiều thuận lợi trong kinh doanh, với những cơ hội tốt hơn hẳn mọi năm. Từ nay đến cuối năm, TNG đã kín đơn hàng.
Năm 2018, Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận 127 tỷ đồng (năm 2017 đạt 115 tỷ đồng), nhưng kết thúc 8 tháng, con số này đã là 118 tỷ đồng và sẽ vượt 127 tỷ đồng vào cuối tháng 9. Bên cạnh đó, lãnh đạo TNG cho biết, doanh thu năm 2018 dự kiến đạt 3.450 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế có thể đạt 157 tỷ đồng đến 160 tỷ đồng; tăng 45 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái và vượt hơn 30 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra.
Còn tại CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM), ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT cho biết, muốn tăng biên lợi nhuận phải kiểm soát tốt chi phí tiêu hao nguyên liệu, chi phí nhân công.
So với các doanh nghiệp trong ngành, TCM luôn có biên lợi nhuận cao hơn hẳn do sở hữu những thế mạnh riêng.
Cụ thể, Công ty kiểm soát được chi phí từng nguyên liệu sản xuất ra nên hưởng lợi tốt hơn. So với các doanh nghiệp cùng ngành, TCM có biên lợi nhuận cao hơn, ở khoảng 6,5 – 7%, trong khi các công ty khác ở khoảng 4 – 4,5%.
Năm 2018, TCM đặt kế hoạch doanh thu 3.166 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 189 tỷ đồng. Công ty định hướng tập trung năng lực sản xuất cho ngành đan kim và nhuộm, đáp ứng nhu cầu vải đan kim thành phẩm cho các nhà máy may, giảm bớt kinh doanh sợi khi biến động giá sợi khó đoán và biên lợi nhuận không cao.
Giảm chi phí, tăng năng suất
Theo Chủ tịch TNG, thế mạnh của Công ty là có quy trình quản lý tốt, mọi hoạt động được kiểm soát chặt chẽ trên phần mềm từ chi phí tiền điện, nước, mua bao bì, công cụ… nên cải thiện được giá vốn, góp phần tăng biên lợi nhuận.
“Biên lợi nhuận của TNG được cải thiện rõ rệt trong năm 2018 nhờ đơn hàng tăng cao, chi phí được kiểm soát. Hiện tại, Công ty đã áp dụng nhiều công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất như máy cắt, máy trải tự động… góp phần nâng cao năng suất lao động.
So với năm 2017, năng suất lao động tại TNG tăng 20%”, ông Thời cho hay. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp biên của TNG đang ở mức 17% – 18%, tỷ suất lợi nhuận gộp trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) tính đến quý II/2018 là 6,81%.
Trước nỗ lực đẩy mạnh hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành, ông Nguyễn Bình An, Tổng thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam nhìn nhận: “Doanh nghiệp dệt may Việt Nam có dư địa tăng trưởng lớn, nhưng vẫn gặp hai bài toán khó khăn là nguyên liệu và lao động”.
Về nguyên liệu, năm 2017, Việt Nam có nhu cầu 92 tỷ m2 vải nhưng trong nước chỉ cung ứng được 4 tỷ m2, còn lại là nhập khẩu.
Nếu ngành dệt nhuộm của Việt Nam phát triển, các doanh nghiệp sẽ có thế mạnh hơn, chuyển từ gia công sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Về lao động, doanh nghiệp dệt may cần chuyển hướng tuyển lao động có tay nghề, có khả năng sử dụng các thiết bị công nghệ tự động, tận dụng ưu thế từ cách mạng công nghệ 4.0.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG bày tỏ lo lắng, mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn bởi có thể, sẽ có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may từ Trung Quốc sang Việt Nam đặt nhà máy sản xuất.
Nguồn Đầu tư chứng khoáng