Số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 32%

[ad_1]

Chiều 29/6, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo về các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19.

Đối với nền kinh tế có độ mở cao bậc nhất thế giới như Việt Nam, khi các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc không thể hoạt động bình thường thì các hoạt động sản xuất, chế biến, chế tạo, du lịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việt Nam vừa gặp khó khăn trong nhập khẩu nguyên vật liệu, vừa không thể xuất khẩu khi các thị trường đối tác bị ngưng trệ.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự báo, dựa trên tình hình thực tế, hoạt động kinh tế những tháng cuối năm và cho cả năm 2021 có thể khá bi quan.

Doanh nghiệp gặp khó, lao động mất việc

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), riêng trong quý I/2020 có 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, con số kỷ lục sau hàng thập kỷ. Có tới 75% doanh nghiêp phải thu hẹp quy mô lao động và có gần 10% doanh nghiệp phải giảm một nửa quy mô lao động.

Tính đến tháng 6, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ việc luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong đó, 57,3% bị ảnh hưởng do giảm thu nhập (tương đương 17,7 triệu người)

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm là 1,4 triệu người. Lao động mất việc làm tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, lao động bán buôn bán lẻ, ngành vận tải kho bãi và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú ăn uống.

Một số doanh nghiệp như công ty TNHH PouYuen Việt Nam dự kiến cắt giảm gần 3.000 lao động trong thời gian tới; công ty dệt may Huê Phong, công ty gỗ Woodworth Wooden cũng đã xây dựng kế hoạch cắt giảm hơn 2.000 lao động do lượng đơn hàng giảm đến 50%.

Ngân hàng thế giới dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm nghiêm trọng. Ảnh: THX.

Một loạt các thị trường lao động nước ngoài lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nên ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Nhiều đơn hàng tuyển dụng, đợt xuất cảnh lao động đều bị tạm dừng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giảm 39,7%.

Trong khi số lao động mất việc làm liên tục gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm rất thấp, ước tính giải quyết việc làm cho 540.000 lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra.

8 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Những khó khăn của thị trường lao động được thể hiện qua việc người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương 565.000 người). Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp lên đến gần 7.000 tỷ đồng, tăng 40%.

Trước tình hình đó, Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Các giải pháp phần lớn mới tập trung hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Với doanh nghiệp, mặc dù đã có các chính sách vay vốn để trả lương ngừng việc, tạm ngừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất… nhưng chưa thực sự có tác động sâu sắc.

Do ảnh hưởng của dịch còn lâu dài và phức tạp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thảo luận, đưa ra một số đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng có những chính sách, chiến lược mạnh dạn, tức thời để khai thông nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, đơn giản hóa thủ tục và điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp tự tin hơn trong đầu tư dài hạn.

Thứ hai, chủ động nắm bắt thị trường lao động trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp thiếu hụt nguồn lao động, chuyên gia nước ngoài, lao động bị thôi việc, mất việc làm…

Thứ ba, nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung cầu – lao động cũng như thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, sử dụng lao động, thu thập, cập nhật thông tin thị trường lao động.

Thứ tư, chỉ đạo hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.

Thứ năm, xây dựng chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng người lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ sáu, xây dựng chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ bảy, rà soát các quy định pháp luật về lao động, việc làm để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh sa thải hàng loạt hoặc ngừng hoạt động, phá sản. Đồng thời, hỗ trợ người lao động duy trì, ổn định cuộc sống trong bối cảnh ngừng việc, mất việc làm, giảm thu nhập.

Thứ tám, tiếp tục nghiên cứu, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khắc phục khó khăn để ổn định, phát triển sản xuất.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng khẳng định, đây là giai đoạn đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội. Chính phủ, các bộ ban ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, xây dựng môi trường kinh doanh tốt và chuẩn bị nguồn nhân lực cao để phù hợp với nhu cầu thực tế.


[ad_2]