Tại hội thảo Dệt may Việt Nam với quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do EU –Việt Nam (EVFTA) do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phối hợp với Dự án EU-MUTRAP tổ chức ngày 20/4, tại TP.HCM, các chuyên gia cho biết việc tuân thủ quy tắc xuất xứ đang là trở ngại lớn nhất để hàng dệt may xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế tại thị trường này.
Nhận định về tình hình XK hàng dệt may vào thị trường EU trong thời gian qua, bà Đặng Phương Dung, Phó trưởng Ban cố vấn Vitas, Chuyên gia dự án EU-MUTRAP cho biết, mặc dù EU là thị trường nhập khẩu (NK) hàng dệt may lớn nhất thế giới nhưng lại là thị trường XK lớn thứ 2 của hàng dệt may Việt Nam (sau Mỹ). Tốc độ tăng trưởng của kim ngạch XK hàng dệt may vào EU cũng như tỉ trọng hàng dệt may NK vào EU cũng còn rất nhỏ, điều này thể hiện năng lực cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam còn có vấn đề. Việc đàm phán và ký kết EVFTA là nhằm tạo thêm điều kiện giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh vào thị trường này.
Theo bà Đặng Phương Dung, việc XK hàng dệt may vào EU trong thời gian qua còn khó khăn do thị trường EU là thị trường khó tính, số lượng đơn hàng nhỏ, không lớn như Mỹ. Bên cạnh đó, các nhà NK có xu hướng mua sản phẩm trọn gói thay vì đặt gia công nên phần lớn các DN còn chưa có sức cạnh tranh như Việt Nam còn khó tiếp cận.
EVFTA sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho DN mở rộng thị trường nhờ các chính sách ưu đãi về thuế, tuy nhiên theo bà Đặng Phương Dung, quy tắc xuất xứ đang là trở ngại lớn nhất cho hàng dệt may vào thị trường này khi có EVFTA có hiệu lực vì Việt Nam đang phải NK vải chủ yếu từ Trung Quốc. Thời gian qua Việt Nam đã kí kết nhiều FTA với ASEAN, Hàn Quốc, Nhận Bản với quy tắc xuất xứ từ vải trở đi, tuy nhiên khả năng sử dụng quy tắc xuất xứ của Việt Nam còn rất hạn chế.
Tuy nhiên, EVFTA cho áp dụng quy định cộng gộp xuất xứ, cho phép các nhà XK của Việt Nam được sử dụng vải từ một nước thứ 3 có kí kết FTA với Việt Nam và EU (điển hình là Hàn Quốc) đang là một lối mở cho Việt Nam vì trong tương lai, việc các nước ASEAN gia tăng kí FTA với EU sẽ mở rộng nguồn nguyên liệu được hưởng ưu đãi thuế cho Việt Nam.
Bà Vũ Thị Phương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong hai tháng đầu năm kim ngạch XK dệt may sang thị trường EU đạt 480 triệu USD, tăng gần 7% so với cùng kì năm 2016, đây được coi là một tín hiệu tích cực cho hoạt động XK hàng dệt may vào thị trường này. Mặc dù tỉ trọng XK hàng dệt may sang EU còn thấp (tính đến năm 2015 mới chỉ chiếm 1,9% tổng kim ngạch NK hàng dệt may của EU) do hàng dệt may vào EU còn phải chịu thuế suất cao từ 8-12%, nhưng với EVFTA, EU là thị trường tiềm năng của ngành dệt may XK. Vì khi hiệp định này có hiệu lực nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế về 0% và sau 7 năm tất cả các mặt hàng XK vào EU sẽ được giảm thuế về 0%.
Theo ông Stefan Moser, chuyên gia Dự án EU-MUTRAP, để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ theo EVFTA, các sản phẩm XK từ EU phải đáp ứng yêu cầu vải sản xuất tại Việt Nam hoặc từ EU, hoặc từ một nước thứ 3 có đã có FTA với Việt Nam và EU. Tuy nhiên, tỉ lệ tận dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp song phương (NK vải từ EU về sản xuất rồi XK thành phẩm sang EU) rất ít vì vải của EU rất đắt và chi phí vận chuyển cao.
Cũng theo ông Stefan Moser các hoạt động chế biến không đủ như bảo quản sản phẩm, tháo và lắp ráp các gói hàng, đánh bóng…) không đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ nên nếu DN vẫn khai báo và xuất đi EU có thể bị phát hiện trong hậu kiểm của cơ quan chức năng châu Âu và sẽ bị truy thu và phạt.
Theo các chuyên gia, cơ hội từ EVFTA là rất lớn nhưng để tận dụng được các DN phải đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Trong khi đó theo bà Vũ Thị Phương, thực tế tận dụng ưu đãi từ các FTA đã kí kết còn khá thấp. Hiện nay mới chỉ có 35% hàng XK của Việt Nam tận dụng được các cơ hội từ các FTA, 65% còn lại vẫn phải chiụ thuế suất cao. Nhằm hỗ trợ các DN, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tích cực tuyên truyền cung cấp thông tin về thị trường để các DN chuẩn bị. “Các quy định của FTA ngày càng ngặt nghèo và DN phải chuẩn bị kĩ càng mới có thể tận dụng được các cơ hội từ hội nhập”, bà Phương nhấn mạnh.
Nguồn: baohaiquan.vn